Còn giao chỉ tiêu năm sau bằng, cao hơn năm trước đừng mong đổi mới dạy, học Văn

19/09/2022 06:32
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên sẽ tiếp tục dạy theo văn mẫu để hướng tới chỉ tiêu đào tạo cấp trên giao, học sinh vẫn học theo văn mẫu để hướng tới điểm số, danh hiệu học tập.

Thời gian gần đây, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo về việc dạy và học Ngữ văn ở các trường phổ thông nhằm đổi mới và triệt tiêu văn mẫu nhưng có lẽ vấn đề này vẫn là một thách thức không nhỏ trong bối cảnh hiện nay.

Theo tìm hiểu của tôi, mấy chục năm qua, các tác giả viết sách giáo khoa là những người soạn sách tham khảo văn mẫu, bài tập mẫu nhiều nhất và đến bây giờ cũng vậy.

Không chỉ có các tác giả sách giáo khoa viết văn mẫu mà hàng loạt các chuyên gia, nhà giáo cũng tham gia vào “thị trường” văn mẫu tạo nên một bức tranh đa dạng sắc màu.

Mỗi lớp học có hàng trăm cuốn văn mẫu khác nhau với đủ các chủng loại, đề tài và chương trình mới bây giờ cũng vậy. Mặc dù ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, chương trình mới được áp dụng ở lớp 6, lớp 7 và lớp 10 nhưng thị trường văn mẫu đã sôi động hơn bao giờ hết.

Giáo viên sẽ tiếp tục dạy theo văn mẫu để hướng tới chỉ tiêu đào tạo cấp trên giao, học sinh vẫn học theo văn mẫu để hướng tới điểm số, danh hiệu học tập. Vì thế, chuyện cấm văn mẫu sẽ khó như chuyện hái sao ở trên trời vậy.

Đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với các lớp dạy chương trình mới được chào bán khá nhiều (Ảnh chụp từ màn hình)
Đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với các lớp dạy chương trình mới được chào bán khá nhiều
(Ảnh chụp từ màn hình)

Kiểm tra không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa có tránh được văn mẫu?

Chúng ta đã nói khá nhiều về tình trạng dạy theo văn mẫu, học theo văn mẫu, chép văn mẫu trong những năm vừa qua nhưng làm sao để tránh văn mẫu thì giữa lý thuyết và thực tế ở các nhà trường còn xa nhau lắm.

Mặc dù, ngày 21/7/2022 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhưng đổi mới như thế nào còn là một chặng đường khá dài.

Theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, việc đổi mới cách đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn sẽ không dùng lại những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa.

Cụ thể, Bộ hướng dẫn: “Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Nhưng, thực tế việc “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết” chỉ là phần ngọn của vấn đề.

Bởi vì một lẽ đơn giản là kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn, thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông các trường đều đã lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, chỉ có phần viết của những lớp đang học nghị luận văn học mới lấy tác phẩm trong sách giáo khoa làm ngữ liệu.

Chẳng hạn như cấp trung học cơ sở, môn Ngữ văn trong chương trình 2006 đến giữa học kỳ II mới bắt đầu học nghị luận văn học. Vì thế, về cơ bản, chỉ có đề kiểm tra cuối học kỳ II, giáo viên mới có thể lấy tác phẩm văn học cho học sinh phân tích, cảm nhận.

Bây giờ, Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, đọc qua thấy có vẻ mới nhưng cơ bản thì phần lớn các lớp học lâu nay vẫn lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Vấn đề nằm ở chỗ dù quy định như Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH về việc không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa hay ra đề như trước đây thì trước khi ôn kiểm tra giáo viên cũng phải ôn đi, ôn lại các dạng đề, hoặc sẽ làm sẵn các dạng bài tập theo đề cương mà thầy cô giáo đã giới hạn.

Đặc biệt là ở các lớp học thêm, phần nhiều giáo viên đã cho học sinh luyện kỹ các dạng đề mà giáo viên trong trường sẽ ra. Vì trong một tổ chuyên môn với nhau, ra đề chỗ nào, kiểm tra ra sao, giáo viên họ nắm rất kỹ giới hạn đề kiểm tra.

Hơn nữa, nhà trường giao chỉ tiêu bộ môn, giao chỉ tiêu chất lượng giảng dạy cho từng giáo viên ở đầu năm học. Vì vậy, cho dù học sinh học giỏi, hay học không giỏi thì giáo viên cũng phải hướng tới chỉ tiêu chất lượng.

Học sinh học giỏi không nói làm gì nhưng học sinh học không giỏi, thậm chí là rất dở thì giáo viên họ cũng phải “tìm cách” để học sinh đạt được điểm số cần thiết theo kịch bản của người thầy.

Vì vậy, việc Bộ ban hành Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH rất khó để hạn chế được văn mẫu và cũng không thể nào có thể “khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”- đó là một sự thật.

Bỏ giao chỉ tiêu cho giáo viên mới có thể hạn chế được văn mẫu

Chúng tôi cho rằng với rất nhiều những quy định ràng buộc như hiện nay, giáo viên ở các nhà trường đang có những khó khăn nhất định. Một bên là chỉ tiêu nhà trường giao đầu năm, một bên là chất lượng học tập của học sinh đối với những lớp mình đang phụ trách giảng dạy.

Phải thẳng thắn thừa nhận một điều là hiện nay có một bộ phận lớn học sinh không thích thú với việc học Văn ở trường phổ thông nên các em học đối phó.

Các em phải học vì đó là những môn học mà sau này sẽ thi tuyển sinh 10, là môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, cũng như môn thi bắt buộc trong khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu không là môn học, môn thi bắt buộc thì sẽ không mấy em thiết tha với việc học Văn ở nhà trường phổ thông.

Lý do thì nhiều nhưng cái chính là cách dạy nhàm chán, kiểm tra ở trường thì phần lớn thầy cô hướng tới văn mẫu để có được điểm số cao. Hoặc, khi gác kiểm tra (coi kiểm tra) thì lờ đi những em học sinh quay cóp bài của bạn bên cạnh.

Khi kiểm tra, thi cử thì giáo viên ra đề, chấm bài cứ răm rắp tuân theo đáp án, phần sáng tạo cho học trò hiện nay chỉ có khoảng trên dưới 0,5 điểm nên học sinh mà không viết theo đáp án thì có hay mấy cũng khó đạt được điểm cao.

Vì thế, dù đề bài yêu cầu “theo em” nhưng đáp án bao giờ cũng phải “theo thầy” mà thầy ra đề trong trường còn dễ theo, chứ thầy ra đề tuyển sinh, thi tốt nghiệp thì làm sao trò “theo” nổi.

Vậy nên, trước kỳ thi, học sinh phải học thêm là một yêu cầu bắt buộc. Học thêm để thầy cô định hướng, chỉ ra những mưu mẹo để làm bài vì thầy cô đã quá quen với cách dạy Văn, chấm Văn bây giờ.

Không chỉ giao chỉ tiêu cho giáo viên giảng dạy trên lớp mà ngay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (do Bộ tổ chức) thì các địa phương cũng đua nhau để có những điểm số đẹp.

Kỳ thi tốt nghiệp năm 2022 vừa qua, cả nước có 981.407 thí sinh tham gia thi bài thi Ngữ văn, trong đó điểm trung bình là 6,51 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Như vậy, với gần 1 triệu thí sinh dự thi mà điểm trung bình đạt điểm Khá là điều khiến nhiều người nghi ngại. Một số tỉnh có điểm trung bình môn Ngữ văn lên đến trên 7, 0 điểm thì thật là một kỳ tài!

Giải pháp nào cho việc dạy và học Văn hiện nay ở các trường phổ thông?

Để thay đổi cách dạy, cách học, cũng như cách kiểm tra môn Văn hiện nay, thiết nghĩ bộ phận chuyên môn ở Bộ cần có những chỉ đạo mang tính ổn định, lâu dài, tránh manh mún, chỉ đạo theo dư luận.

Không thể năm nay chỉ đạo một cách, sang năm lại thay đổi cách khác. Chỉ riêng sách giáo khoa Ngữ văn chương trình 2006 đến nay đã có hàng loạt thay đổi và xé nát bố cục ban đầu mà các tác giả sách giáo khoa đã biên soạn. Nào là tinh giản, nào là dạy theo chuẩn kĩ năng kiến thức, nào là tích hợp liên môn, nào là dạy theo chủ đề…khiến cho giáo viên trở tay không kịp.

Chỉ riêng hình thức kiểm tra, cấu trúc đề kiểm tra cũng được Bộ thay đổi không biết bao nhiêu lần khiến cho giáo viên chóng mặt.

Bên cạnh việc ổn định về chương trình, sách giáo khoa, cấu trúc, hình thức kiểm tra thì Bộ cần có chỉ đạo để tháo gỡ việc đăng ký chỉ tiêu đầu năm học ở các địa phương và các nhà trường.

Hãy bỏ vĩnh viễn việc yêu cầu các tổ chuyên môn và giáo viên phải đăng ký chỉ tiêu năm học theo phương châm năm học sau phải bằng và cao hơn năm trước để người thầy thanh thản trong giảng dạy, không phải tìm cách đối phó với chỉ tiêu, với bệnh thành tích.

Đặc biệt, Bộ cũng cần hướng dẫn cụ thể khi không lấy “văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh” thì lấy nguồn văn bản từ đâu?

Nếu không, tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ tiếp tục bùng phát, thị trường văn mẫu sẽ không thể nào kiểm soát được. Lúc đó, việc dạy và học Văn sẽ còn rối rắm nhiều hơn bây giờ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH