Tiền học thêm bậc THCS mới là khoản đáng lo nhất với phụ huynh

12/07/2022 06:44
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Suy cho cùng, tiền học thêm hiện nay ở cấp trung học cơ sở mới là khoản tiền đáng lo nhất đối với phụ huynh còn tiền học phí chỉ là khoản tiền rất nhỏ mà thôi.

Những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh 10 ở những khu vực đô thị thường cạnh tranh rất gay gắt vì gần như tất cả các địa phương trên cả nước chỉ chủ trương tuyển dao động khoảng 70-80% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10 công lập mà thôi.

Vì thế, đa phần các phụ huynh ở những khu vực đô thị, vùng có điều kiện thường có sự chuẩn bị và đầu tư rất lớn cho con em mình ngay từ khi bước vào cấp trung học cơ sở đối với 3 môn học: Toán, Tiếng Anh và Ngữ văn vì 3 môn này đang được các địa phương dùng làm môn thi cho kỳ thi tuyển sinh 10.

Vậy nên, mỗi năm thì nhiều phụ huynh phải bỏ hàng chục triệu đồng tiền học thêm cho riêng 3 môn học này. Nếu đem so với mức học phí mà học sinh cấp trung học cơ sở đang phải đóng hàng năm thì số tiền học thêm đang tốn gấp vài chục lần học phí mà phụ huynh đang đóng cho con em mình.

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Ảnh minh họa: Ngọc Ánh

Tiền học thêm đang là gánh nặng đè lên vai phụ huynh nghèo

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có đề xuất miễn học phí cho tất cả học sinh cấp Trung học cơ sở kể từ năm học 2022-2023 tới đây là một tín hiệu rất đáng mừng. Nhưng thực tế số tiền này chẳng thấm tháp gì với các khoản tiền học thêm mà phụ huynh có con học ở cấp học này đang phải bỏ ra hàng năm.

Đầu năm học, một bộ phận giáo viên bộ môn sẽ giới thiệu lớp dạy thêm của mình đến học trò một cách chi tiết, tường tận. Nhiều giáo viên còn liên kết thành từng nhóm môn học với nhau để mở ra lớp học thêm trọn gói.

Học sinh chỉ cần đăng ký học là đến địa điểm giáo viên cung cấp sẽ học theo thời khóa biểu từng môn mà phụ huynh hoặc học sinh đăng ký học.

Giá học thêm tập trung ở nhà thầy cô giáo bộ môn cấp trung học cơ sở hiện nay thường dao động khoảng 300-500 ngàn đồng/ 1 môn học và mỗi tuần học thêm 3 buổi, mỗi buổi có thời gian khoảng 90 phút. Nếu phụ huynh muốn gửi trọn gói học thêm tất cả các môn học và trả bài trước thì thường dao động khoảng từ 2-2,5 triệu đồng/tháng.

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi là phụ huynh không gửi con mình để học thêm với thầy cô đang dạy chính khóa trên lớp có được không?

Thực ra học sinh không học thêm cũng chẳng sao cả nhưng nếu không học thì những em không học thêm sẽ gặp nhiều điều bất tiện. Vì một bộ phận giáo viên dùng chiêu trò “giữ kiến thức” lại để dạy ở lớp học thêm. Đặc biệt, khi kiểm tra có thể sẽ gặp bất lợi về điểm số so với bạn bè trong lớp có tham gia học thêm với thầy cô giáo bộ môn.

Chính vì vậy, đa phần giáo viên dạy chính khóa mà mở lớp dạy thêm, học sinh sẽ tham gia để “thuận lợi” trong việc học tập ở trên lớp và cả khi kiểm tra thường xuyên, định kỳ.

Một phụ huynh có con đang học ở cấp trung học cơ sở chia sẻ với chúng tôi rằng con của họ chỉ học thêm có 2 môn Toán và Tiếng Anh nhưng mỗi tháng cũng phải chi ra gần 1 triệu đồng.

Mặc dù biết rằng đó là số tiền cũng khá lớn so với thu nhập của gia đình nhưng nếu không học thêm, có em sẽ rất khó nắm kỹ được kiến thức cơ bản, khó cho việc thi tuyển sinh 10 sau này. Vì thế, họ đành phải bấm bụng cho con đi học thêm vào các buổi tối trong tuần.

Việc học thêm không chỉ diễn ra trong thời điểm năm học chính khóa mà ngay cả thời điểm nghỉ hè, giáo viên bộ môn vẫn mở lớp dạy thêm. Thậm chí, thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, vẫn có rất nhiều giáo viên dạy thêm online, nhất là những giáo viên dạy ở cuối cấp.

Chính vì thế, tiền học thêm đang là gánh nặng rất lớn cho phụ huynh, nhất là phụ huynh nghèo vì khi đã học thêm thì đa phần học sinh phải đóng góp đầy đủ, rất hiếm khi giáo viên chú ý đến học sinh nào nghèo, học sinh nào khó khăn để miễn giảm tiền học thêm. Hoặc, có biết, họ cũng lờ đi vì một bộ phận giáo viên hiện nay đang mở lớp dạy thêm như một cơ sở kinh doanh vậy.

Quản lý chặt tình trạng dạy thêm tràn lan hiện nay mới giảm áp lực tiền bạc cho phụ huynh nghèo

Thực ra, đề xuất miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở là điều phụ huynh trông chờ và nó cũng giảm được gánh nặng tiền trường cho phụ huynh nhưng thực tế tiền học phí của cấp trung học cơ sở hiện nay không phải là gánh nặng của phụ huynh. Tất nhiên, miễn hay giảm được đồng nào là đáng quý đồng ấy nhưng thực tế nó chưa phải là một giải pháp hay và mang tính đồng bộ.

Bởi lẽ, tiền học phí của học sinh hiện nay được các nhà trường nộp về kho bạc nhà nước và tiền này được bổ sung vào kinh phí hoạt động hàng năm của các nhà trường. Có khoản kinh phí này thì cũng đồng nghĩa là ngân sách địa phương sẽ giảm bớt được kinh phí cấp về cho các trường công lập.

Nếu miễn số tiền này, ngân sách địa phương phải bù vào vì tiền học phí của học sinh cấp trung học cơ sở và học sinh phổ thông nói chung đang được Hội đồng nhân dân các tỉnh (thành phố) quyết định.

Trong khi, lâu nay học sinh nghèo, học sinh thuộc diện chính sách cũng đã được miễn, giảm tiền học phí theo quy định hiện hành.

Nếu miễn tiền học phí cho học sinh trung học cơ sở mà không siết được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay thì vô hình trung không có nhiều tác dụng vì phụ huynh vẫn phải bỏ ra rất nhiều tiền cho con em mình học thêm hàng năm.

Nhưng, muốn siết chặt quản lý việc dạy thêm, học thêm thì phải có hướng dẫn, sửa đổi chỉ đạo từ Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi gần hết các điều khoản trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định dạy thêm, học thêm đang còn hiệu lực.

Bên cạnh đó, chương trình học cần giảm tải theo hướng gọn nhẹ, thiết thực. Việc ra đề kiểm tra thường xuyên, định kỳ ở các nhà trường mà đặc biệt là các đề thi trong kỳ thi tuyển sinh 10 cũng nên thực hiện theo hướng mở nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Nếu chương trình học vẫn nặng nề như hiện nay, giáo viên vẫn ra đề kiểm tra kiểu tái hiện kiến thức thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn tràn lan và những giả dối về thành tích trong giáo dục vẫn diễn ra như thường.

Suy cho cùng, tiền học thêm hiện nay ở cấp trung học cơ sở mới là khoản tiền đáng lo nhất đối với phụ huynh còn tiền học phí là khoản tiền rất nhỏ mà phụ huynh phải chi ra cho con mình trong quá trình theo học tại các nhà trường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG