Con mâu thuẫn với bạn ở trường, phụ huynh nên làm gì để tránh 'cả giận mất khôn'

23/12/2023 07:33
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phụ huynh nên hướng dẫn cho con cách xử lý mối quan hệ bạn bè với nhau, thay vì việc chúng ta trực tiếp tham gia hoặc giải quyết...

Liên quan đến vụ việc phụ huynh đánh bạn của con ở Quảng Ngãi, xuất phát từ việc em P.D.K (con của ông Phan Thượng Mỹ) mất chiếc máy tính bỏ túi, và nghi cho bạn cùng lớp là L.G.K lấy.

Tính chất sự việc là rất nhỏ nhưng lại có kết quả rất nghiêm trọng khi ông Mỹ đánh em K. khiến em này bị thương tích 12%, còn ông Mỹ bị bắt tạm giam, khởi tố về hành vi đánh em K.

Bên cạnh việc lên án hành vi bạo lực học đường, dư luận cũng đặt câu hỏi về cách ứng xử, giải quyết sự việc từ phía phụ huynh khi con có mâu thuẫn với bạn.

Theo Tiến sỹ Bùi Hồng Quân (giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, bản thân ông cảm thấy bức xúc về sự “hồ đồ” của người đàn ông khi đánh một đứa trẻ là bạn học cùng lớp của con như vậy.

Hành động chặn xe của đứa nhỏ lại là sự chủ động của ông Mỹ, cách hành xử như vậy cũng đã là sai.

Câu chuyện mâu thuẫn giữa các học sinh trong môi trường tập thể là khó tránh, do sự khác biệt không tìm được tiếng nói chung.

“Trong mối quan hệ tập thể, sự khác biệt không tìm được tiếng nói chung thì mâu thuẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, quan trọng là cách ứng xử và xử lý mâu thuẫn như nào”, thầy Quân cho hay.

Hình ảnh ông Phan Thượng Mỹ đánh bạn học cùng lớp của con là em L.G.K (học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở La Hà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được camera an ninh nhà dân ghi lại . (Ảnh: cắt màn hình)

Hình ảnh ông Phan Thượng Mỹ đánh bạn học cùng lớp của con là em L.G.K (học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở La Hà, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) được camera an ninh nhà dân ghi lại . (Ảnh: cắt màn hình)

Theo Tiến sỹ Quân, bạo lực học đường không chỉ học sinh với học sinh, mà còn có nhiều mối quan hệ bên trong nữa như giáo viên với học sinh, phụ huynh với học sinh. Cho dù có bất kỳ mối quan hệ nào thì hành vi bạo lực học đường nào cũng là hành vi không đúng, không phù hợp và không nên tồn tại trong môi trường trường học.

Đặc biệt, khi có sự mâu thuẫn giữa học sinh với nhau, thầy cô cần có cách xử lý phù hợp và sau đó là vai trò của phụ huynh. Phụ huynh cũng là người đã có trải nghiệm và nhận thức chín chắn, lúc này phụ huynh cần đóng vai trò là người phân tích hoà giải, nếu con của họ bị bạo lực thì sẽ có cách tiếp cận phù hợp để trao đổi với giáo viên, cũng như phụ huynh của đối tượng gây ạo lực.

Trong sự phát triển của đứa trẻ, hành vi gây hấn của đứa trẻ không phải là sự tự nhiên, nó cũng sẽ có những sự ảnh hưởng nhất định, đặc biệt từ giáo dục gia đình. Vì vậy, không thể tách rời yếu tố gia đình trong câu chuyện bạo lực học đường.

“Quá trình con từ nhỏ đến lớn và đến trường, lớp khoảng 8 tiếng một ngày, thời gian còn lại con ở nhà với bố mẹ, nên vai trò của bố mẹ trong việc giáo dục cách ứng xử là cực kỳ quan trọng”, thầy Quân chia sẻ.

Phụ huynh nên hướng dẫn con tự giải quyết mâu thuẫn với bạn

Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, khi con là đối tượng liên quan đến bạo lực học đường hay những mâu thuẫn với bạn bè, phụ huynh cần bình tĩnh, lắng nghe, tìm hiểu và phân tích vấn đề. Sau đó, phụ huynh cùng với giáo viên, phụ huynh trong lớp để giải quyết vấn đề, còn việc gặp trực tiếp học sinh có mâu thuẫn với con là bước sau cùng.

"Chúng ta nên hướng dẫn cho con cách xử lý mối quan hệ bạn bè với nhau, thay vì việc chúng ta trực tiếp tham gia hoặc giải quyết, trừ khi sự việc mang yếu tố báo động, nguy cơ cao thì sự can thiệp là cần thiết", thầy Quân nói.

Với học sinh, khi có mâu thuẫn xảy ra và đặc biệt có liên quan với phụ huynh khác, các em cũng cần biết rõ vai trò và vị thế của mình, bởi vì mình cũng đáng tuổi con của phụ huynh đó. Vì vậy, yếu tố chuẩn mực, lễ phép và chuẩn mực là hành động đầu tiên.

Nếu có sự trợ giúp hoặc người lớn xung quanh, học sinh nên tìm đến họ, thay vì trực tiếp đối đầu trực diện với phụ huynh.

“Câu chuyện xảy ra rất đau lòng và cách ứng xử của những người trong cuộc là cực kỳ quan trọng, bởi chỉ cần trong giây phút không bình tĩnh, cảm tính giải quyết sự nóng nảy nhất thời, hệ quả sẽ rất là nguy hiểm. Vì vậy, khi mâu thuẫn xảy ra, bạo lực không phải là cách để giải quyết bạo lực, chỉ có phương pháp đối thoại, trao đổi hoà bình thì mới là giải pháp căn cơ đối đầu bạo lực”, thầy Quân nói.

Hậu quả nghiêm trọng từ bạo lực học đường

Theo thầy Quân, trong vụ việc trên, con của ông Mỹ sẽ phải chịu nhiều áp lực khi phải đối diện như nào với sự nhìn nhận từ bạn bè trong lớp, khi bố mình đánh bạn cùng lớp. Bên cạnh đó là sự nhìn nhận từ hàng xóm, người thân vào gia đình của ông Mỹ, con của ông này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

“Việc không kìm chế được cảm xúc của bản thân không giúp cho ông Mỹ giải quyết được sự việc, mà còn có hệ luỵ không chỉ bản thân mà còn là gia đình, khi chính con của mình cần được bảo vệ nhưng lại trở thành người chịu định kiến từ dư luận”, thầy Quân cho hay.

Theo thầy Quân, sau vụ việc trên, việc quan tâm về sức khoẻ tâm thần của em bị đánh và kể cả em là con của phụ huynh đánh người là rất quan trọng.

Bởi lẽ, con của phụ huynh đánh người dù là vô tội, nhưng khi em đó chứng kiến cảnh bạo lực của bố, em sẽ phải chịu áp lực từ dư luận và bạn bè.

“Việc chăm sóc sức khoẻ tâm thần đối với hai em là vấn đề cần đặt ra đối với nhà trường và bộ phận có liên quan”, thầy Quân nói.

Cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng tạo sự răn đe

Bình luận thêm về vụ việc trên, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội) cho hay, hiện nay, xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực là quá nhiều, điều đó cảnh báo sự xuống cấp nghiêm trọng của xã hội.

Trong vụ việc trên, dù con của bạn có lời nói hỗn hào với phụ huynh, phụ huynh cũng không nên dùng bạo lực để giải quyết sự bức xúc. Phụ huynh có thể tìm đến phụ huynh của bạn con cùng giáo viên để làm việc giữa người lớn với nhau.

Việc con của phụ huynh chứng kiến bố mình đánh bạn như vậy, em đó có thể cũng sẽ hình thành quan điểm dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tiếp đó là nếu mình không đánh lại bạn, thì bố mình sẽ đánh bạn. Đây là cách suy nghĩ không tốt và cũng sẽ làm cho các học sinh khác nhìn nhận như vậy.

“Cách đây mấy năm, cũng từng có trường hợp phụ huynh của con đến lớp hành hạ, đánh, sỉ nhục một học sinh, khiến cháu phải tự tử. Đây cũng là câu chuyện rất là nghiêm trọng, không chỉ là mâu thuẫn cá nhân. Từ đó có thể nhận thấy cách giải quyết mâu thuẫn, bạo lực học đường đang rất là tồi tệ”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ.

Theo Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, nạn nhân bị đánh đã ảnh hưởng đến tâm lý và đặc biệt là bị người lớn đánh thì càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

“Sau 10 ngày xảy ra vụ việc trên, các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra xử lý nhanh chóng để ngăn chặn và có tính răn đe. Dù đứa trẻ có thế nào, người lớn cũng không nên dùng bạo lực để giải quyết vấn đề”, Tiến sỹ Hồng nói.

Bình luận về nội dung trên, Luật sư Trần Hải Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) cho hay, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Phan Thượng Mỹ về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.

"Hành vi này cần bị lên án bởi chỉ vì mâu thuân nhỏ của con trai mình mà người đàn ông đã trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của cháu học sinh. Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá hành vi phạm tội một cách khách quan để áp dụng mức án đủ sức răn đe, thuyết phục.

Đây cũng là bài học cho các bậc phụ huynh trong việc giải quyết mẫu thuẫn của con cái với bạn học, cần đảm bảo hài hòa, tránh ảnh hưởng đến tâm lý của con cái cũng như tuân thủ đúng quy định pháp luật", Luật sư Trần Hải Nam nói.

Mạnh Đoàn