LTS: Trước nhiều vấn đề của nền giáo dục nước ta hiện nay, với tư cách là một phu huynh, tác giả Phúc Lai chia sẻ các phương pháp để giúp các con vẫn có thể học tập tốt, nâng cao năng lực của bản thân mà không quá bị áp lực nặng nề.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Chỉ ra chỗ yếu kém của nền giáo dục hiện nay nhiều người đã làm, cả các nhà chuyên môn lẫn không chuyên môn.
Tôi cũng đôi lần viết bài về vấn đề này, nhưng tôi dành nhiều quan tâm với góc nhìn của một phụ huynh, vì tôi cũng có con đang đi học.
Viết mãi nhưng không chỉ ra được là làm thế nào để “xoay xở” được với nền giáo dục nước nhà bây giờ?
Nhà nào có điều kiện, họ cho con đi du học mà xã hội đang gọi bằng một cụm từ mỉa mai là “tị nạn giáo dục”.
Học sinh cần học cách thích nghi với thực trạng giáo dục hiện nay. (Ảnh minh họa: Nhandan.com.vn) |
Nhưng với hầu hết những gia đình bình thường chúng ta, không có điều kiện cho con đi du học, thậm chí “du học tại chỗ” ở các trường “mang tính quốc tế” cũng không được thì làm thế nào?
Câu trả lời của tôi là: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”.
Nghĩa là trông chờ ở ngành giáo dục có một sự thay đổi lâu quá, hoặc “đổi mãi mà không có mới” cứ luẩn quà luẩn quẩn, thì chúng ta buộc phải tìm cách thích ứng.
Câu chuyện thứ nhất
Con gái tôi mới học lớp 2, cháu học trong một trường dân lập thuộc loại có tiếng của Hà Nội. Sức ép học hành cũng bình thường, vừa phải, nhẹ hơn trường công và nặng hơn trường quốc tế.
Ấy thế mà có một điều kỳ lạ là nhiều bà mẹ, ông bố lại rất muốn các cô giao thêm, giao thật nhiều bài tập về nhà cho các cháu, trong khi chính Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu không giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học.
Qua trao đổi, có một lý do được “phát lộ” là các ông bố bà mẹ mong con giỏi, thậm chí có bà mẹ lo con… thi trượt vào lớp 10, mà bây giờ cháu mới học có lớp 2!
Câu chuyện thứ hai
Con trai tôi học lớp Sáu, cùng trường với em. Ngồi cạnh cháu có một bạn trai, có thể nói là ngôi sao sáng của lớp: học giỏi, đá bóng cừ…
Ngoài giờ học ở trường, cháu còn đi học thêm 6 buổi Toán 1 tuần, nghĩa là tối nào cũng đi học thêm.
Về chương trình học ở lớp, ngoài chương trình theo sách giáo khoa, thày còn giao thêm nhiều bài tập toán rất khó, cháu giải quyết nhẹ nhàng vì đã được học hết, còn chương trình theo chuẩn thì đã học xong từ đầu năm.
Nhưng cháu cũng có một đặc điểm là không hòa đồng được, đã vài lần bị kiểm điểm, kỷ luật vì đánh bạn. Thực sự cháu là một học sinh rất có vấn đề, khó khăn trong giao tiếp tại môi trường học đường.
Nếu nhìn lại cuộc đời đi học của chúng ta, tức là bố mẹ các cháu, sẽ thấy có những điều có thể nói là “kinh khủng,” như đi thi đại học không học thêm, không làm được bài.
Mặc dù cũng là những kiến thức trong chương trình, nhưng cực khó, như đánh đố vậy. Thi xong, vào học thì chính những cái đã khổ công luyện đó, số người sử dụng được chúng rất ít, còn thì bỏ phí.
Đây chính là một trong những “thảm trạng” của giáo dục đại học nước ta: thi thì cực khó, vào học thì cực dễ, vào được trường thì ra được trường nhưng làm việc thì không có năng lực.
Khổ cái nếp nghĩ ấy nó ăn sâu vào trong suy nghĩ của cực nhiều bậc phụ huynh và đến nay họ vẫn muốn con họ phải học giỏi theo kiểu như thế.
Bây giờ tôi sẽ bàn chuyện thiết thực hơn – là làm thế nào để các cháu đỗ được vào lớp 10 với số điểm cao?
Về quy chế tuyển sinh chi tiết, ai cũng có thể tìm được trên mạng internet, đồng thời tôi cũng đã từng bàn về việc “kiếm giải” ở các cuộc thi văn hóa, thể thao bằng những cách rất “phi giáo dục” nên sẽ không bàn thêm ở bài này.
Vậy chỉ xin bàn chi tiết hơn về hai môn chính là Ngữ văn và Toán. Về Ngữ văn, không cháu nào có thể nhồi vào đầu mình một cảm thụ văn học tốt, những cảm xúc về áng văn hay, ý văn đẹp trong một thời gian ngắn cả.
Để có được những điều này không khó nhưng đòi hỏi phải có thời gian và chiến lược hướng dẫn tốt từ bố mẹ.
Hoàn toàn không cần phải đi học thêm ở đâu cả, mà các cháu cần phải đọc sách, càng đọc nhiều càng tốt.
Những sách hay, cần đọc không ở đâu xa: những trích đoạn trong sách giáo khoa từ lớp 6 trở đi, bố mẹ cần tìm bản đầy đủ cho con đọc.
Có thể kể ra như “Quê nội” và “Tảng sáng” của Võ Quảng, các tác phẩm của Tô Hoài, Vũ Tú Nam… tiến lên các cháu đọc của Nam Cao, Nguyễn Tuân khi đã có thói quen đọc.
Những tác phẩm bình văn học như “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh – Hoài Chân các cháu đọc được là rất tốt.
Đó là những việc không thể nhồi trong ngày một, ngày hai… các cháu nếu không được hướng dẫn làm sớm, học thêm trên trời cũng không thể kịp.
Đến thời gian gần thi thì tùy sức, tùy nhu cầu mới có thể học thêm sớm hoặc muộn một chút để nắm vững trọng tâm cần biết khi vào thi, hoặc thậm chí học thêm vài thầy, không nhiều nhưng để có được những cái nhìn, cách cảm thụ văn học đa dạng.
Nền “giáo dục văn học” của ta hiện nay vẫn nặng vào “học theo văn mẫu”, nên nếu kết hợp được cảm thụ văn học thực sự có của học sinh với học thuộc lòng văn mẫu là một “chiêu” khôn ngoan.
Sử dụng lời khuyên đó của tôi, nhiều cháu đã đạt kết quả rất tốt mà không cần phải đi học thêm quá nhiều từ những năm đầu trung học cơ sở.
Với môn Toán cũng tương tự vậy thôi – tùy sức của các cháu mà xem xét có cần học thêm hay không, sớm hay muộn.
Con tôi có đi học thêm tuần 1 buổi, nhưng để hoàn thành tốt, hiểu rõ bài hơn, những bài của chương trình chứ không có cao xa gì.
Học kỳ 1 của năm lớp 6, cháu thi Toán được 9,5 điểm, bài không làm được chính là bài rất khó để “đánh giá năng lực”.
Với gia đình tôi, cháu chỉ cần nắm vững chương trình, và quan trọng là rèn tính cẩn thận để làm bài thi không bị “rơi vãi”.
Để đạt được 0,5 điểm còn lại, cháu sẽ phải mất cực nhiều thời gian và công sức, mà làm một việc quá sức thì chắc gì đã tốt, hoặc kết quả chắc gì đã đều?
Với cách học luyện những bài thật khó từ sớm, với một kỳ thi như tốt nghiệp lớp 9 để tuyển vào 10, thực sự mất quá nhiều thời gian mà chỉ kiếm được “nửa điểm” thì để làm gì?
Chúng ta cần bỏ thời gian cho các cháu luyện từ từ nết cẩn thận, làm được một bài thi hoàn hảo, không sửa chữa, gạch xóa, viết sạch đẹp, làm đến đâu đúng đến đó… thì 9 điểm rưỡi chắc chắn còn hơn cố 10 điểm mà bấp bênh.
Tôi xin không bàn về môn ngoại ngữ, vì không chuyên và ngoại ngữ cần chăm và học lâu dài, không dễ mà dồn ép được, vả lại mỗi người một cách tiếp nhận ngoại ngữ.
Xin nói chuyện “dài hơi” hơn một chút, ví dụ hãy nói đến mô hình trường chuyên lớp chọn.
Mô hình này rất giống với trường hợp cháu đi luyện Toán “thật lực” trên đây.
Tôi nghe một cô kể con học chuyên ở trường công, sách giáo khoa trắng nguyên vì các cháu làm Toán ở một tầm rất khó, được các thày phát riêng.
Đây chính là mô hình “phổ cập đào tạo” ra những Lê Bá Khánh Trình và Ngô Bảo Châu.
Tôi sẽ không khẳng định mô hình đó, việc cho con theo nó là hay hay dở. Đất nước vẫn cần những nhà toán học, những nhà kinh tế học… tài năng, nhưng điều đó không có nghĩa là cháu nào cũng có thể học “thục mạng” nặng đến phát sợ như vậy.
Để phát hiện ra con mình có năng lực hay “năng khiếu” trong một lĩnh vực hay không, không quá khó.
Cháu cứ học hay làm cái gì mà nhẹ như lông hồng, thì đó là có năng lực đặc biệt hơn một chút, nên được phát huy.
Em trai tôi chẳng có năng lực gì ngoài vẽ, phát lộ từ rất sớm, và cũng cả mấy năm đi học vẽ ở… Cung thiếu nhi Hà Nội, chỉ mãi sau này mới đi luyện vẽ thi đại học có một năm.
Bây giờ chú ấy là họa sỹ đồ họa, công việc rất ổn, mà chẳng cần Toán, Lý gì hết. Cuộc đời nhiều khi cũng không cần nhiều, tập trung làm tốt một việc cũng đã là tốt lắm rồi…
Đến thời của các cháu sau này, độ chục năm nữa chắc các cháu không phải thi đại học.
Nếu được như vậy thì thật là hạnh phúc, các cháu sẽ tránh được cái “vấn nạn” học những cái mà sau hầu như không dùng…
Và cũng hi vọng một ngày cái sự trọng bằng cấp của xã hội nó giảm đi, các cháu không nhất thiết phải học đại học mà tự do chọn cho mình một nghề yêu thích và làm thật tốt, đóng góp tốt nhất cho xã hội.