Ngày 20/3/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là hỗ trợ việc kiện toàn, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm góp phần hỗ trợ nữ công nhân lao động có con dưới 36 tháng tuổi.
Tuy nhiên, vừa qua Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ kết hợp với Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người tiến hành nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư”, qua đó nghiên cứu chỉ rõ rất nhiều hạn chế trong tiếp cận giáo dục mầm non đối với trẻ em là con em lao động di cư và từ đó đưa ra khuyến nghị cụ thể.
Một trong những khuyến nghị được đưa ra đó là, chính quyền các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất và có đông người lao động di cư cần sớm thực hiện rà soát, dự báo, điều chỉnh quy hoạch phát triển các dịch vụ công bao gồm mầm non công lập gắn với nhà ở của công nhân, nhằm bảo đảm trẻ di cư không bị phân biệt đối xử trong tiếp cận giáo dục gồm các khoản đóng góp trái tuyến vào các trường công lập.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần có chính sách trợ cấp đối với đối tượng khó khăn trong đó có trẻ là con em lao động di cư thay vì mong muốn trẻ này được học trường công. (Ảnh: Thùy Linh) |
Về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, hiện nay xu hướng của thế giới đối với các đơn vị sự nghiệp trong đó có giáo dục (từ bậc mầm non, tiểu học, trung học) là ngày càng tiến tới tự chủ.
Do đó, ông Nhĩ cho rằng, khi cơ sở giáo dục được tự chủ thì chuyện trẻ em là con em lao động di cư đi học không còn là chuyện học trường công lập hay tư thục mà đối với trẻ em này Nhà nước nên có chính sách trợ cấp đối với đối tượng khó khăn trong đó có trẻ em là con em lao động di cư thay vì mong muốn số trẻ này được học trường công lập.
Bởi lẽ chuyện phụ huynh lựa chọn cho con cái họ học ở trường công lập hay tư thục thì tùy thuộc vào điều kiện thuận lợi của gia đình họ.
Ví dụ, nơi bố mẹ làm việc không có trường công lập hoặc xa trường công thì họ cho con học ở trường tư gần nhà…
Hơn nữa, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, chúng ta nên có chính sách phát triển giáo dục mầm non ở tất cả các độ tuổi chứ không chỉ dừng lại ở phổ cập trẻ 5 tuổi như hiện nay trong khi các độ tuổi 1,2,3,4 tuổi thì chưa thực sự được quan tâm nhiều.
Bởi lẽ, lứa tuổi mầm non là tuổi vàng của sự phát triển, việc chăm sóc giáo dục đầu đời, giáo dục sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của con người do đó đảm bảo hầu hết trẻ em ở các độ tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp là thể hiện bảo đảm quyền lợi của trẻ.
Trước đó, vào tháng 6/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, tính đến năm học 2016 - 2017, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi học là 92,16%, tỷ lệ trẻ 5 tuổi đi học là 98,75%.
Tuy nhiên, vẫn còn 0,7% xã chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục mầm non chưa đồng đều, mạng lưới trường lớp còn hạn chế và bất cập, khu vực vùng núi cao, vùng sông nước vẫn còn nhiều điểm trường nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nhiều nơi còn thiếu thốn...