Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH gây áp lực kinh khủng, chợ dịch vụ ăn theo ra đời

10/06/2021 07:05
NGỌC GIANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hàng loạt các sản phẩm được ra đời nhằm phục vụ cho Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, không biết lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và lãnh đạo Bộ có hay?

Câu chuyện Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, ban hành ngày 18/12/2020 lại tiếp tục được phản ánh liên tục trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong những ngày gần đây và những bài viết này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước.

Sự quan tâm của giáo viên là điều dễ hiểu vì nội dung hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã và sẽ tác động trực tiếp đến công việc hàng ngày của mỗi người thầy đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường phổ thông.

Những môn học có số tiết trong tuần như: Văn, Toán, Anh mà giáo viên được phân công dạy 2 khối thì chỉ riêng việc soạn giáo án cũng chiếm mất phần lớn thời gian của người thầy.

Nếu không soạn được thì bắt buộc giáo viên phải mua, phải xin, phải hoán đổi với đồng nghiệp, nhất là khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện ở các cấp học sẽ có nhiều bài học mới bắt buộc giáo viên phải soạn giáo án lại từ đầu.

Giáo án theo hướng dẫn của Công văn 5512 đang chào bán tràn lan trên mạng Ảnh chụp màn hình.

Giáo án theo hướng dẫn của Công văn 5512 đang chào bán tràn lan trên mạng

Ảnh chụp màn hình.

Cũng chính vì thế mà thời gian qua đã có hàng loạt các sản phẩm được ra đời nhằm phục vụ cho Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, không biết lãnh đạo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học và lãnh đạo Bộ có hay không?

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH tăng áp lực kinh khủng cho các nhà giáo

Chúng tôi cho rằng muốn đổi mới giáo dục thì việc đầu tiên Bộ phải giảm tải công việc vô bổ cho người thầy đứng lớp. Một khi người thầy không còn phải nặng nề với các loại hồ sơ sổ sách không cần thiết thì mới có thể rảnh tay lo chuyện chuyên môn của mình.

Đặc biệt là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi đến thông điệp cho toàn ngành giáo dục là “dạy thật, thi thật, nhân tài thật” thì việc yêu cầu giáo viên soạn các kế hoạch như Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH sẽ là một thách thức rất lớn khi tiệm cận tới chữ THẬT.

Các loại kế hoạch của giáo viên trong các nhà trường hiện rất nhiều, có loại sổ sách cần thiết, phải có nhưng cũng có những loại sổ sách có cũng được mà không có cũng chẳng sao…

Và, có những loại kế hoạch đang rất hình thức, dài dòng như các kế hoạch được hướng dẫn trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH soạn ra chỉ nhằm mục đích đối phó cho việc thanh, kiểm tra của cấp trên mà thôi vì thực tế khi lên lớp thì giáo viên cũng không mấy người nhìn vào giáo án làm gì.

Mỗi tiết học chỉ có 45 phút mà giáo án có khi dài đến chục trang giấy như vậy thì có ngồi đọc cũng chưa chắc đã hết chứ nói gì đến các hoạt động dạy và học của thầy và trò ở trên lớp.

Bởi ai cũng có thể nhìn thấy giáo án 5512 phải thực hiện qua rất nhiều thang bậc, trình tự dài dòng như liệt kê các loại: mục tiêu, phương pháp, kỹ thuật dạy học, phương pháp đánh giá…khiến cho giáo viên mất rất nhiều thời gian đầu tư cho công việc soạn bài.

Cũng chính vì thế, trên các trang mạng xã hội những tháng ngày vừa qua đã xuất hiện các dịch vụ bán-mua giáo án 5512 một cách nhộn nhịp. Một số trường Sư phạm, Nhà xuất bản cũng nhanh chóng cho “ra lò” những sản phẩm ăn theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH nhằm phục vụ giáo viên phổ thông.

Những sản phẩm phục vụ giáo viên theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH

Từ lâu, chuyện giáo viên bán, mua giáo án trên mạng xã hội không còn quá xa lạ với đội ngũ nhà giáo nữa. Bây giờ, mỗi môn học, mỗi cấp học luôn có vài trang facebook để giáo viên trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong giảng dạy, mỗi trang có vài chục nghìn thành viên.

Trong đó, có những trang giáo viên họ chia sẻ miễn phí giáo án cho đồng nghiệp nhưng cũng có những trang chủ yếu để bán- mua giáo án.

Người bán rao công khai, người mua sẽ chấm vào sau tin quảng cáo rồi được hướng dẫn trao đổi qua tin nhắn. Người mua sẽ được người bán cho xem mẫu giáo án vài tiết rồi người mua gửi tiền qua tài khoản của người bán và người bán gửi giáo án qua email của người mua.

Mọi thứ diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, thuận mua, vừa bán và gần như bên nào cũng có lợi.

Người bán sản phẩm được tiền, dù mỗi bộ giáo án giá không phải quá cao nhưng có giáo viên khoe bán được cả vài ngàn “khách hàng” thì đây cũng là một khoản thu nhập chân chính khá lớn đối với giáo viên.

Người mua thì không phải soạn hàng mấy trăm trang giấy cũng khá tiện lợi vì thực ra giáo án 5512 cũng có mấy người áp dụng thực tế cho giảng dạy đâu.

Nếu có cũng chỉ dừng lại ở các tiết thao giảng, thi giáo viên giỏi mà thôi, còn dạy trên lớp bình thường thì vẫn dạy giáo án cũ lâu nay và giáo án đã được “hình thành trong bộ nhớ” của thầy cô giáo.

Các sách hướng dẫn đều được gắn thêm dòng chữ “theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020” : Ảnh chụp màn hình.

Các sách hướng dẫn đều được gắn thêm dòng chữ

theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020” : Ảnh chụp màn hình.

Không chỉ giáo viên bán giáo án mà các trường sư phạm cũng viết và xuất bản những cuốn sách cực chất và kịp thời để hướng dẫn giáo viên dạy và thực hiện công việc theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH một cách rất kịp thời.

“Dạo quanh” trên mạng xã hội của giáo viên, chúng tôi thấy nhan nhản những tin quảng cáo bán sách nhằm phục vụ cho Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH. Điều dễ dàng nhìn thấy là ngay trang bìa những cuốn sách này đều gắn thêm dòng chữ: “theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020”.

Bản thân người viết bài này cũng không phê phán, không lên án việc giáo viên đang bán giáo án công khai trên các trang mạng xã hội, hay các giảng viên đại học đang viết sách nhằm hướng dẫn giáo viên thực hiện dạy theo chương trình mới và bám sát theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH bởi có cầu thì ắt có cung thôi.

Tất cả đều trên cơ sở tự nguyện của các bên nên nhiều giáo viên còn phải cảm ơn các sản phẩm này.

Nhưng, vẫn cảm thấy xót xa nhiều điều, tất cả chỉ bắt nguồn từ một Công văn của Bộ mà khiến cho hàng triệu giáo viên phải vất vả, muộn phiền.

Các sách hướng dẫn đều được gắn thêm dòng chữ “theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020” : Ảnh chụp màn hình.

Các sách hướng dẫn đều được gắn thêm dòng chữ

theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020” : Ảnh chụp màn hình.

Thiết nghĩ, các lãnh đạo Bộ, nhất là những thầy cô đang công tác ở Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học đều là những người giỏi công nghệ thông tin và có dùng facebook cá nhân.

Nếu rảnh rỗi, các thầy cô của Vụ chỉ cần lướt qua các trang mạng xã hội như: HỘI GIÁO VIÊN DẠY NGỮ VĂN; GROUP GIÁO VIÊN 4.0; Group Giáo Viên Trung Học Cơ Sở; Ngữ Văn THCS…sẽ thấy đội ngũ giáo viên phổ thông đang ai oán về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH như thế nào.

Nhất là sau loạt bài phản ánh những bất cập về giáo án 5512 trong mấy ngày gần đây trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ thấy giáo viên họ mong muốn Bộ Giáo dục hủy bỏ Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ra sao.

Áp lực về hồ sơ sổ sách của giáo viên trong những năm qua đã được nói quá nhiều và nếu năm học tới đây mà toàn ngành đồng loạt thực hiện theo hướng dẫn Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH thì áp lực sẽ còn nặng nề, khủng khiếp hơn nhiều lần.

Hàng triệu giáo viên tốn công sức, tốn giấy mực in giáo án, thậm chí nhiều giáo viên bỏ tiền mua giáo án về in nhưng vấn đề qua trọng là chất lượng giáo dục có được tăng lên không?

Hy vọng, những bài viết, những phản hồi của đội ngũ giáo viên về Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam trong thời gian qua sẽ được lãnh đạo Bộ “thấu cảm” và có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với thực tế đổi mới của giáo dục nước nhà.

NGỌC GIANG