Khi cử nhân “công nhân hóa”
Tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh gần 3 năm nhưng Linh, 26 tuổi, không thể có được công việc như mong muốn, Linh đã trải qua nhiều công ty với mức lương 3 triệu đồng/tháng trong khi chi phí tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ… số tiền đó chỉ đủ để “cầm hơi”.
Do kinh tế khó khăn, thuộc diện cắt giảm nhân sự của công ty nên Linh một lần nữa mất việc.
Nếu bạn muốn bị thất nghiệp thì đừng đọc những kỹ năng này(GDVN) - Điều khá thú vị ở rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng không yêu cầu ở bạn kiến thức giỏi hay xuất sắc, nhưng họ luôn yêu cầu bạn có kỹ năng tốt. |
Linh bộc bạch: “Lúc mới tốt nghiệp tính ở nhà phụ gia đình một thời gian, chờ cơ hội xin vào một doanh nghiệp Nhà nước, nhưng đợi mãi chẳng thấy đâu, trong khi bạn bè, hàng xóm, gặp đâu cũng hỏi đi làm chưa, lâu dần câu hỏi đó trở thành áp lực nên quyết định lên thành phố làm công nhân cho qua ngày đoạn tháng”.
Cùng cảnh ngộ với Linh, Lê Công H., 30 tuổi, tốt nghiệp cử nhân ngành Triết học, nếu suôn sẻ, đến giờ này H. đã là công chức có thâm niên…6 năm.
Ban đầu theo bạn bè, thầy cô mách bảo H. lên mạng tìm tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục nhưng hồ sơ nộp đi thì có mà hồi âm thì không thấy, mấy kỳ thi công chức không có kỳ nào vắng nhưng trượt vẫn hoàn trượt, nay đang nộp đơn vào một công ty điện tử.
H. than thở: “Từ khi tốt nghiệp đến nay đã kinh qua gần chục “nghề” nào là phụ hồ, phát tờ rơi, cộng tác viên bán hàng online, nhân viên kinh doanh…nhưng không có nghề nào trụ quá 3 tháng vì mức lương bèo bọt với lại môi trường làm việc không phù hợp với những gì được học, lắm lúc muốn buông xuôi phó mặc cho số phận”.
Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm cử nhân đại học là hàng hiếm, thì nay đã “mất giá” thảm hại. (Ảnh chụp màn hình) |
Bi đát hơn là câu chuyện của hai chị em Oanh (23 tuổi) tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm và Ngọc (25 tuổi), tốt nghiệp ngành kế toán.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, cha mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi hai con gái ăn học, ngày ra trường cả 3 mẹ con khấp khởi hy vọng sẽ đỡ vất vã từ đây, nhưng oái ăm, trời không chiều lòng người. Cơ hội xin được việc làm đúng ngành nghề ngày càng hẹp dần, cả hai chị em lần lượt được “bổ sung” vào đội quân thất nghiệp có bằng cấp.
Đã hơn 2 năm nay, Ngọc là công nhân giày da, còn Oanh chọn con đường…lấy chồng để “thoát” cảnh thất nghiệp.
Bà T.T.H mẹ của Oanh và Ngọc, xót xa: “Cách đây mấy năm Oanh xin vào giáo viên một trường THCS, nhưng người ta bảo phải đợi có chỉ tiêu, đợi hoài, đợi mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy gì, nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chưa có nơi nào gọi đi làm. Điều kiện kinh tế khó khăn, không có nhiều mối quan hệ nên đành cắn răng để chúng nó thất nghiệp”.
Câu chuyện của vài trường hợp trên chỉ là số ít trong vô vàn cử nhân lâm vào tình cảnh dỡ khóc dỡ cười. Còn nhớ cách đây khoảng 10 năm cử nhân đại học là hàng hiếm, thì nay đã “mất giá” thảm hại.
Đâu là nguyên nhân?
Vị trí “địa lợi” mà Đồng Nai có được trong vùng tam giác kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Dương – Vũng Tàu) khiến vùng này phải tiếp nhận một lượng lớn lao động có bằng đại học, cao đẳng…từ Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, trong khi đó lực lượng được đào tạo trong tỉnh chưa sử dụng hết nên sinh ra “khủng hoảng thừa”.
Thật bất hạnh khi tốt nghiệp đại học rồi đi làm… công nhân(GDVN) - TS.Nguyễn Tiến Luận chia sẻ: "Điều tôi quan tâm nhiều nhất không phải là thời gian đào tạo, mà là dạy cái gì trong thời gian ấy". |
Nhiều năm qua, cùng gánh vác “cơn bão” thất nghiệp đang hoành hành trong cả nước, Đồng Nai đã “đón” không ít cử nhân, thạc sỹ từ miền Bắc, miền Trung đổ về, khiến nguồn cung cho thị trường lao động ngày càng vượt cầu.
Hơn nữa, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, khu vực tư nhân đang thiếu vốn và khó khăn về thị trường nên phải thu hẹp sản xuất, các doanh nghiệp lớn trên địa bàn chỉ tuyển dụng nhỏ giọt chứ không còn là nơi “hút” lao động như trước đây. (Theo số liệu từ Cổng thông tin khoa học công nghệ Đồng Nai, cuối năm 2014 có đến 36.000 lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Trong khi đó khu vực Nhà nước đã trở nên quá “chật chội” khiến vấn nạn thất nghiệp là bài toán khó không chỉ riêng Đồng Nai, một nền kinh tế phát triển, một xã hội lành mạnh luôn đi kèm với tỉ lệ thất nghiệp thấp, đặc biệt là đội ngũ lao động có bằng cấp.
Trong bối cảnh tỉnh nhà đang ra sức tạo bước đột phá về kinh tế nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, dù muốn hay không thì Đồng Nai phải giải quyết được bài toán hóc búa này.
Tên nhân vật đã được thay đổi.