Bộ GD&ĐT vừa có công văn gửi Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo địa phương năm 2017.
Theo đó, các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào đội ngũ giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất của mình, từ đó tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Số sinh viên chính quy tính trên một giảng viên quy đổi theo khối ngành được xác định không vượt quá các định mức: Khối ngành I không quá 25 sinh viên/giảng viên; Khối ngành II không quá 10 sinh viên/giảng viên;
Khối ngành III không quá 25 sinh viên/giảng viên; Khối ngành IV không quá 20 sinh viên/giảng viên; Khối ngành V không quá 20 sinh viên/giảng viên; Khối ngành VI không quá 15 sinh viên/giảng viên; Khối ngành VII không quá 25 sinh viên/giảng viên.
Ảnh Bùi Tuấn-VNU |
Bộ Giáo dục nhấn mạnh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo tiêu chí nói trên là năng lực đào tạo tối đa của cơ sở đào tạo. Theo Bộ GD&ĐT, việc làm này theo lộ trình giảm để khắc phục tình trạng sinh viên sư phạm tốt nghiệp không có việc làm.
Trao đổi thêm về chủ trương này, TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nếu chúng ta đào tạo thừa thì phải giảm. Và đây được xem là hậu quả của một chính sách phát triển giáo dục trước đó không có kế hoạch, thậm chí tùy tiện trong nhiều năm nên dẫn đến hậu quả này.
TS. Khuyến cho biết, hậu quả thừa giáo viên đã được cảnh báo từ lâu, gây lãng phí nhưng những người theo quan điểm cục bộ vẫn chỉ muốn phát triển riêng sư phạm nên mới dẫn tới hậu quả như hiện nay.
Theo TS. Khuyến, giải pháp mà Bộ đưa ra là giảm chỉ tiêu ngành sư phạm từ năm 2017 có thể sẽ không giải quyết được vấn đề gì nếu không có quy hoạch cụ thể lại khối ngành sư phạm. Lí do được TS. Khuyến đưa ra là chúng ta chưa quy hoạch được mạng lưới giáo viên, có những giáo viên thừa, nhưng cũng có giáo viên thiếu.
Ví như, có thời kỳ giáo viên dạy nhóm các môn học loại hai (âm nhạc, hội họa, giáo dục thể chất, công nghệ…) thì lại thiếu, nhưng ngược lại giáo viên dạy các môn loại một (toán, lý, hóa, văn…) thì lại thừa.
Đến năm 2020 Việt Nam sẽ thừa khoảng trên 70.000 giáo viên các cấp (GDVN)-Nhận định của PGS.TS Bùi Văn Quân, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội trong Hội thảo “Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục" |
“Tôi cho rằng các lãnh đạo Bộ giáo dục trước kia không tính tới quy mô sinh viên, giáo viên, chất lượng giáo viên. Câu chuyện này nằm hoàn toàn trong tầm tay của Bộ, nhưng không thấy làm nên dẫn tới hậu quả này.
Phải quy hoạch lại sư phạm, kiểu như quy hoạch quân đội, đào tạo sỹ quan đúng theo quy hoạch” TS. Khuyến đề nghị
Ngày 17/5, tại hội thảo khoa học "đào tạo giáo viên tại các trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay" được tổ chức tại Đại học Thủ đô Hà Nội, PGS. Bùi Văn Quân đưa ra số liệu thống kê và dự báo đến năm 2018 số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm bậc tiểu học là 19.200, THCS là 18.700 và THPT là 23.000.
Với số lượng nói trên, dù Việt Nam tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, thì năm 2020 hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết số giáo viên mới tốt nghiệp ra trường.
Cụ thể, vẫn thừa khoảng 41.000 đối với tiểu học, 12.200 với THCS và 16.900 với THPT.
Trước thông tin này, TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, đây là một con số quá lớn và đội ngũ giáo viên hoàn toàn có thể quy hoạch được như bên quốc phòng hay công an.
“Chúng ta có cắt giảm chỉ tiêu đi nữa nhưng không thay đổi quan niệm quy hoạch lại thì việc thừa vẫn thừa, và thiếu vẫn thiếu” TS. Khuyến nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, GS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, câu chuyện giảm số lượng sinh viên sư phạm đã được đề cập trong nhiều năm nay. Và khi nghe tới chủ trương này của Bộ GD&ĐT, GS. Đinh Quang Báo rất ủng hộ, vì thực tế ông cho biết nhiều năm kiến nghị phải giảm quy mô sư phạm.
Tuy nhiên, theo GS. Báo, việc giảm cũng phải có thêm các điều kiện, vì càng đào tạo thì càng “ế” và việc làm không có. GS. Đinh Quang Báo nhận định, nếu đầu ra mà không thông thì đầu vào cũng không ra gì. Do đó phải hạn chế chỉ tiêu để có được đầu vào tốt.
“Hạn chế để đảm bảo sinh viên sư phạm ra là có việc làm. Nhớ lại những năm 1996-1997 sinh viên vào sư phạm thường là tốp đầu của phổ thông, nhưng trong bối cảnh hiện nay quan trọng là học xong phải có việc làm.
Tương tự như lực lượng công an, các trường vũ trang. Các trường sư phạm phải đào tạo theo mô hình này. Nhưng làm theo như thế thì có mâu thuẫn gì? Nếu các trường sư phạm không tăng suất đầu tư/sinh viên thì không thực hiện được, mà tăng lên thì các trường sư phạm cũng chết.
Nhà nước phải tăng giá đào tạo cho mỗi sinh viên sư phạm lên, ví dụ như hiện nay là 6 triệu/năm thì cần phải tăng lên 18 triệu/năm” GS. Đinh Quang Báo nêu ý kiến.
Chủ trương giảm chỉ tiêu sư phạm để sinh viên sư phạm ra trường có việc làm hay không thì GS. Báo không dám chắc. Tuy nhiên giáo sư tin rằng chủ trương này sẽ tiệm cận với việc đào tạo bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu.
“Dứt khoát đầu vào sư phạm phải nâng lên, đầu vào sư phạm không giỏi thì đố ai làm ra được giáo viên giỏi, còn việc quá trình đào tạo cũng chỉ giúp ích trong phạm vi của người học, chứ không thể kỳ vọng có giáo viên giỏi nếu đầu vào không giỏi, trong sinh học người ta gọi đó là “mức phản ứng” GS. Đinh Quang Báo cho hay.
Tỷ lệ sinh viên sư phạm nói riêng và cử nhân nói chung đang rơi vào tình trạng thất nghiệp ngày càng nhiều vẫn đang là câu chuyện nóng. Nhiều cử nhân nhân sư phạm học xong đi làm trái nghề, những người may mắn được đi dạy hợp đồng nhưng tương lai của họ cũng mờ mịt. Độc giả quan tâm có thể gửi bài viết của mình hoặc những câu chuyện sư phạm theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn |