Cùng nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục như nhau, sao GV lại có hạng cao hạng thấp?

10/06/2022 06:26
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Còn một chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì giáo viên vẫn phải bỏ tiền túi ra để học. Việc phân hạng nhà giáo trong một cấp học cũng đang tạo ra nhiều bất cập.

Ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 01-04) về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Giáo viên cùng cấp chỉ nên xếp cùng một hạng (ảnh minh họa: P.L)

Giáo viên cùng cấp chỉ nên xếp cùng một hạng (ảnh minh họa: P.L)

So với chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT ban hành ngày 02/02/2021 đã có tới 5 điểm mới mà đáng chú ý nhất là đã bỏ quy định giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo hạng.

Dù có nhiều điểm mới nhưng dự thảo thông tư sửa đổi theo người viết vẫn có nhiều điều bất cập. Đó là việc, giáo viên đã học 4 năm đại học thậm chí có người đã giảng dạy gần 30 năm nhưng vẫn phải đi học khoảng 1 tuần để có chứng chỉ.

Lấy ví dụ ngay bản thân người viết đã học đại học và đi dạy 28 năm cũng vừa đăng ký học 1 tuần để có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Học 1 tuần mất gần 3 triệu đồng mà cũng chẳng hiểu biết hơn được gì vì gần như các nội dung, các kiến thức kỹ năng giáo viên đã có, đã biết, đã dạy trong bao nhiêu năm.

Vì những lý do như vậy, tôi xin được có ý kiến đóng góp cho dự thảo của chùm Thông tư 01-04.

a/ Tất cả giáo viên trong một cấp sẽ cùng chung một hạng

Việc xếp hạng giáo viên đang bộc lộ quá nhiều sự vô lý. Giáo viên cùng trình độ như nhau, cùng đảm nhiệm công tác giảng dạy, cùng thực hiện chung các nhiệm vụ giáo dục, cùng chịu chung một kết quả giáo dục… nhưng lại được xếp hạng khác nhau.

Trong thực tế, không phải giáo viên ở hạng cao lại giảng dạy tốt hơn, lại nhiệt tình hơn, lại có nhiều kỹ năng tốt hơn giáo viên ở hạng thấp.

Minh chứng là ở nhiều trường học hiện nay, nhiều giáo viên chỉ ở hạng III nhưng lại là giáo viên cốt cán cấp huyện, thị, cấp tỉnh, là tổ trưởng chuyên môn, là nòng cốt ôn luyện học sinh giỏi trong khi giáo viên ở hạng II lại chưa đủ tín nhiệm để giao những trọng trách này.

Hay như việc, nhiều thầy cô giáo chỉ được xếp ở hạng III nhưng kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, lòng nhiệt huyết với học sinh lại hơn hẳn một số thầy cô giáo đang ở hạng II.

Việc xếp hạng nhà giáo ở các trường học hiện nay, chưa có một thước đo làm chuẩn mà phần lớn đang căn cứ nhiều vào tờ chứng nhận chứng chỉ chức danh, vào những thành tích bề nổi, vào vị trí đang đảm nhận mà xuất phát từ sự tín nhiệm của hiệu trưởng nhưng đôi khi đó chỉ là sự ưu ái.

Mỗi hạng giáo viên có mức lương khá chênh lệch, đồng nghĩa với việc giáo viên hạng cao sẽ ăn lương cao hơn nhiều giáo viên ở hạng thấp. Trong khi đó, chất lượng giáo dục của giáo viên hạng cao chưa hẳn đã vượt trội hơn.

Bất công rồi sẽ xảy ra ngay trong môi trường giáo dục. Và như thế, chắc chắn sẽ nảy sinh sự phân bì, tỵ nạnh của nhiều nhà giáo.

Bên cạnh đó, vẫn chưa có một quy định thế nào sẽ được trụ hạng, vì sao sẽ phải xuống hạng nên dễ dàng dẫn đến việc tự mãn, tự bằng lòng với kết quả của mình mà chẳng cần nỗ lực, phấn đấu làm gì nữa.

Trong khi, Luật Giáo dục 2019 quy định nhiệm vụ của nhà giáo là giảng dạy và giáo dục học sinh theo kế hoạch, theo chương trình giáo dục. Vì thế, thầy cô giáo nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục như nhau nên phân hạng giáo viên là bất hợp lí.

Bởi thế, mong mỏi của đại bộ phận giáo viên hãy bỏ việc xếp hạng nhà giáo, tất cả giáo viên cùng bằng cấp, cùng chung nhiệm vụ giảng dạy thì cần nên xếp chung một hạng, tránh việc người yếu kém hơn được xếp hạng cao, người nổi trội lại ở hạng thấp. Điều này, sẽ dễ dàng nảy sinh nhiều bất mãn, dẫn đến nhiều hệ lụy trong giáo dục về sau.

b/ Nên đưa nội dung kiến thức về chứng chỉ chức danh vào trường đại học như một học phần

Nếu khẳng định, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp rất cần cho nhà giáo thì Bộ Giáo dục cần yêu cầu các trường đại học sư phạm, các trường đại học có khoa sư phạm đưa nội dung kiến thức vào giảng dạy xem như một học phần.

Bởi, học ở trường đại học sẽ chất lượng hơn nhiều kiểu đăng ký học online dăm bảy ngày như hiện nay. Khi sinh viên tốt nghiệp đại học là đã có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ đúng yêu cầu mà không buộc phải đóng tiền để lấy chứng chỉ như hiện nay.

Để có dự thảo thông tư sửa đổi lần 2 như thế, chắc chắn Bộ Giáo dục đã phải nỗ lực rất nhiều. Bộ đã phải lắng nghe, phải nhìn nhận, phải rà soát để thấy được những phản ánh của các thầy cô giáo là đúng để sửa đổi cho phù hợp.

Có điều, những thay đổi của dự thảo thông tư lần này vẫn chưa có sự bứt phá thật sự như mong muốn của đại đa số các nhà giáo.

Dù chỉ còn một cái chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì giáo viên vẫn phải bỏ tiền túi ra để học. Việc phân hạng giáo viên trong một cấp học cũng đang tạo ra nhiều điều bất cập.

Bởi thế, mong mỏi của đại bộ phận giáo viên hãy bỏ việc xếp hạng nhà giáo, tất cả giáo viên cùng bằng cấp, cùng chung nhiệm vụ giảng dạy thì cần nên xếp chung một hạng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên