Cùng ở TPHCM, tiền phục vụ bán trú ở Quận 1 cao hơn huyện Cần Giờ 6 lần

23/03/2023 06:43
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng nằm tại Thành phố Hồ Chí Minh, tiền phục vụ bán trú cho học sinh ở Quận 1 thu 500.000 đồng/tháng/học sinh, nhưng Cần Giờ thu chỉ 80.000 đồng/tháng/học sinh.

Ngày 21/3/2023, làm việc với Ban Văn hóa – Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về những khoản thu dịch vụ, hoạt động hỗ trợ giáo dục của năm học 2022 – 2023 tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) đã có những báo cáo về các khoản thu chi trong năm học này tại trường.

Nhiều năm nay không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh trường

Cụ thể, thầy Lý Văn Huệ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ nhiều năm học đến nay, hàng tháng, nhà trường đều gửi các thông báo cụ thể khoản thu tới từng phụ huynh học sinh.

Phụ huynh sẽ thanh toán tiền từ ngày 1 đến ngày 10 mỗi tháng, bằng hình thức trực tiếp hay qua các kênh thanh toán.

Đặc biệt, đã từ rất nhiều năm, nhà trường không thu tiền quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Việc tài trợ của các mạnh thường quân, phụ huynh học sinh sẽ thực hiện theo hình thức “chìa khóa trao tay”, tức là phụ huynh sẽ trang bị và bàn giao cho nhà trường sử dụng, chứ không nhận tiền trực tiếp.

Buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội ở Trường Tiểu học Hòa Bình, Quận 1. (Ảnh: P.L)

Buổi làm việc của Ban Văn hóa - Xã hội ở Trường Tiểu học Hòa Bình, Quận 1. (Ảnh: P.L)

Là người trực tiếp phụ trách ngành giáo dục Quận 3, đồng thời cũng là đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đăng Khoa cho hay, nếu qua rà soát và báo cáo từ Quận 1 là có đến hơn 50% trường trên địa bàn quận không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, thì lấy đâu ra kinh phí để tổ chức khen thưởng cho học sinh, tổ chức các hoạt động?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đầy đủ Thông tư 55 ban hành điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, hay Thông tư 16 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, mà nếu các trường làm khó quá thì có thể tự làm khó mình.

Cũng theo đại biểu Phạm Đăng Khoa, việc trường không thu quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, nhưng tại các lớp có thể vẫn thu quỹ này, thì nhà trường quán triệt các quy định đến với giáo viên, cha mẹ học sinh ra sao?

“Cha mẹ học sinh tự thu với nhau, nhà trường không kiểm soát, hướng dẫn thì có thể dẫn đến tình trạng lạm thu?” – ông Phạm Đăng Khoa đặt vấn đề.

Cùng nội dung thu, có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực

Tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra dẫn chứng, cùng một khoản thu nhưng giữa các địa bàn khác nhau của Thành phố Hồ Chí Minh có khi có mức độ chênh lệch lên đến hơn 6 lần.

Ông Cao Thanh Bình lấy ví dụ: Số liệu tổng hợp được tại các trường mầm non công lập, khoản thu phục vụ bán trú cao nhất là tại Quận 1 với 500.000 đồng/học sinh/tháng, nhưng cũng khoản thu này tại huyện Cần Giờ chỉ có 80.000 đồng/học sinh/tháng, Thành phố Thủ Đức từ 200.000 đến 350.000 đồng/học sinh/tháng, Quận Phú Nhuận từ 220.000 đến 320.000 đồng/học sinh/tháng…

“Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phải suy nghĩ tới việc quản lý thu chi tài chính tại các đơn vị, phải kiểm tra, nhắc nhở và chấn chỉnh. Nếu thu lệch như thế về chuyên môn của ngành giáo dục phải tính toán, bởi thêm 1 khoản là thêm một gánh nặng cho phụ huynh” – ông Cao Thanh Bình nói.

Bà Lê Thị Bình - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: P.L)

Bà Lê Thị Bình - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: P.L)

Trả lời về các vấn đề mà đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt ra, bà Lê Thị Bình – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 cho hay, các khoản thu này thực hiện theo đề nghị của các đơn vị, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, trên cơ sở có tham khảo sự đề xuất của đơn vị, đảm bảo hợp lý và phù hợp với khả năng đóng góp của phụ huynh từng đơn vị, không cào bằng mức thu.

Về mức thu tại Quận 1 cao hơn nhiều quận, huyện khác tại thành phố, bà Lê Thị Bình giải thích, sĩ số học sinh tại các lớp học (theo từng cấp) của Quận 1 là tương đối lý tưởng.

Ví dụ như bình quân các trường bậc tiểu học tại quận này chỉ 32 học sinh/lớp, bậc trung học cơ sở là 37 học sinh/lớp, có những trường sĩ số dưới 30.

Với sĩ số này, các trường trên địa bàn phải tính toán mức thu sao cho đủ chi trả các hoạt động, nên mức thu ở Quận 1 phải cao hơn.

“Mức thu đề ra là tối đa, còn tùy vào từng trường, số học sinh tham gia vào hoạt động sẽ có mức thu cụ thể. Trường đông thì mức thu có thể sẽ thấp hơn. Với những trường hợp học sinh khó khăn, nhà trường vận động nguồn hỗ trợ từ mạnh thường quân để giúp đỡ các em” – bà Lê Thị Bình nhấn mạnh.

Kết thúc buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa, Xã hội khẳng định, cần tránh tình trạng lạm thu.

Cha mẹ học sinh đều ủng hộ việc xã hội hóa giáo dục, nhưng thu là phải đúng. Trên thực tế, có những thiết bị được phụ huynh hỗ trợ rất hiện đại, nhưng vấn đề là liệu sau khi con họ học xong, thiết bị này có còn được trường sử dụng cho thế hệ kế tiếp hay không, hay là lại chuyển đến chỗ khác, rồi lại vận động cái mới.

“Điều này, chúng ta cần phải xem xét sao cho thấu đáo” – ông Cao Thanh Bình kết luận.

Việt Dũng