Nguyên Phó GĐ Sở GD TP.HCM: Cần thiết phải duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh

21/10/2022 06:55
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nếu để xảy ra lạm thu thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm, không được đổ lỗi.

Hàng năm, cứ vào dịp đầu năm học, ngay sau buổi họp phụ huynh học sinh ở các trường, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam lại nhận được rất nhiều phản ánh trong đó có phụ huynh Thành phố Hồ Chí Minh về những khoản thu mà họ cho là không hợp lý, có biểu hiện của tình trạng lạm thu.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Nguyễn Văn Ngai – nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về tình trạng lạm thu, vai trò của lãnh đạo và Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các trường.

Phóng viên: Theo thầy, đâu là lý do khiến mỗi khi đầu năm học này lại xảy ra tình trạng nhiều trường bị phụ huynh phản ánh về những khoản thu không hợp lý?

Thầy Nguyễn Văn Ngai: Lạm thu là đưa ra các khoản thu không hợp lý, không nằm trong các quy định hiện tại. Việc xuất hiện những khoản thu không hợp lý ở một số trường dịp đầu năm học này không phải là mới, mà vài năm gần đây đều có thông tin dư luận như vậy. Những trường này có dấu hiệu lạm thu, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh.

Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, nên thành phố luôn quan tâm và đầu tư nhiều cho giáo dục, từ việc xây dựng trường lớp, sửa chữa và nâng cấp phòng học…

Thành phố luôn dành 20% kinh phí ngân sách chi thường xuyên dành cho giáo dục, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì trong đó đã dành một tỷ lệ rất lớn để chi lương cho các thầy cô, cán bộ và nhân viên làm trong ngành giáo dục.

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L)

Thầy Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L)

Do đó, việc chi cho các hoạt động dạy và học cũng còn có nhiều giới hạn, nên cũng cần thực hiện việc xã hội hóa, nhất là sự đóng góp của cha mẹ học sinh.

Quan điểm giáo dục của chúng ta là lấy trẻ làm trung tâm, chịu tác động của ba môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội. Chính vì vậy, việc phối hợp giữa gia đình và nhà trường là rất cần thiết, nhưng cách làm ở một số trường chưa đúng lắm với việc này.

Đúng lý ra, buổi họp đầu năm giữa phụ huynh học sinh và giáo viên chủ nhiệm, hay giữa phụ huynh và lãnh đạo trường là dịp để thông tin các hoạt động của trường, của lớp, để các phụ huynh biết và nắm thông tin.

Thế nhưng, cách làm của một số nơi đã gây ra cho phụ huynh học sinh hiểu lầm, họ nghĩ rằng đến họp phụ huynh chỉ để đóng tiền. Như vậy là chưa hợp lý.

Ban đại diện cha mẹ học sinh là nơi kết nối giữa phụ huynh và giáo viên trong lớp, để chăm lo, quan tâm học sinh. Tất nhiên, muốn Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động được thì cần có kinh phí, nhưng mức độ kinh phí phải là hợp lý, vừa phải.

Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quy định về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh, nói rất rõ về vai trò và trách nhiệm của phụ huynh học sinh ở lớp và ở trường.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có rất nhiều văn bản, hướng dẫn cụ thể, nhưng tình trạng lạm thu vẫn xảy ra trong thời gian gần đây.

Thông tư 55 này được ban hành từ năm 2011, có thể có một số điều đến nay là chưa hợp lý, cần phải điều chỉnh, các trường học xuất phát từ thực tiễn hoạt động của mình cần có ý kiến, đề xuất với Sở để kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung.

Dù thế, trong khi chờ điều này thì các trường cần thực hiện nghiêm túc các quy định được nêu trong Thông tư 55.

Tất nhiên, các quy định thì không thể nào đầy đủ hết. Có điều, trong quá trình thực hiện chúng ta hoàn thiện, bổ sung các hướng dẫn. Nhìn chung, các văn bản chỉ đạo về vấn đề của Ban đại diện cha mẹ học sinh không thiếu, chỉ có cách hiểu và xử lý trên thực tế của một số trường có vấn đề.

Về lâu về dài, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nên phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan có liên quan thực hiện việc khảo sát ở một số trường học tại một số khu vực, xem nhu cầu tài chính của trường này để phục vụ cho việc dạy và học như thế nào, những vấn đề tối thiểu, cấp thiết để duy trì cho hoạt động dạy và học ra sao.

Từ thực tiễn khảo sát, có thể đề xuất lên cấp trên, có thể là Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thực hiện theo hình thức xã hội hóa.

Thực ra các quy định trong Thông tư 55 ban hành năm 2011 đã cơ bản đầy đủ. Khi bầu xong Ban đại diện cha mẹ học sinh ở các lớp, trường thì hiệu trưởng các trường cũng nên có trao đổi về các văn bản liên quan đến Ban đại diện cha mẹ học sinh. Những vấn đề nào đã làm tốt thì nên phát huy.

Hiệu trưởng các trường nên có sự theo dõi hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu có xảy ra tình trạng lạm thu, thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên, không được đổ thừa trách nhiệm cho Ban đại diện cha mẹ học sinh. Còn với giáo viên chủ nhiệm thì vấn đề nào quá tầm cũng phải báo cáo cho hiệu trưởng.

Với ngành giáo dục thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phải là người chịu trách nhiệm. Những trường hợp nào cố tình vi phạm, tái phạm thì cần xử lý thật nặng, đúng theo quy định thì mới có tính răn đe, cần thiết vẫn phải kỷ luật các trường vi phạm về lạm thu.

Nguyên tắc thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là tự nguyện, có nghĩa là chúng ta không thu cào bằng, đánh đồng mức từng học sinh. Tùy theo khả năng kinh tế của phụ huynh mà họ đóng, không được nhắc nhở phụ huynh đóng, đó là cách làm chưa đúng.

Phóng viên: Thưa thầy, thời gian gần đây dư luận tiếp tục đặt ra vấn đề nên hay không việc duy trì hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Quan điểm cá nhân thầy về vấn đề này như thế nào?

Thầy Nguyễn Văn Ngai: Giáo dục trẻ là sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi vế đều có chức năng và nhiệm vụ nhất định.

Ngoài ra, Thông tư 55 cũng đã quy định chức năng và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh mà theo tôi là rất rõ. Tôi cho rằng Ban đại diện cha mẹ học sinh có vai trò rất quan trọng, nên cũng cần thiết phải duy trì hoạt động của tổ chức này.

Việc lạm thu, thu không đúng quy định thực ra chỉ xảy ra ở một số ít trường học, nên chúng ta chỉ cần điều chỉnh hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh các trường này cho họ hoạt động đúng theo quy định.

Như tôi đã nói rất rõ, nếu quy định, thông tư đến giờ lạc hậu thì các trường có thể đề xuất các cấp lãnh đạo điều chỉnh, còn khi nào chưa điều chỉnh thì đương nhiên vẫn phải chấp hành nghiêm túc.

Phóng viên: Hiện nay tại một số rất ít trường học, nhất là trường quốc tế không duy trì mô hình hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Theo thầy thì ai sẽ là người đóng vai trò kết nối giữa gia đình và nhà trường?

Thầy Nguyễn Văn Ngai: Tại một số ít trường quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay không có Ban đại diện cha mẹ học sinh, có thể họ sẽ phải có cách làm riêng.

Tất nhiên, trách nhiệm dạy và học vẫn chủ yếu đến từ nhà trường. Nếu không có Ban đại diện cha mẹ học sinh thì có thể áp dụng mô hình quản nhiệm. Đây chính là các thầy cô theo sát, nắm bắt các tâm tư, nguyện vọng của học sinh, kết nối giữa gia đình và nhà trường, làm việc trực tiếp với phụ huynh về tình hình học tập của học sinh.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Việt Dũng