Đi tìm bàn xoay gốm ở Bát Tràng

29/05/2012 16:31
Hoàng Phương Thảo, lớp Báo In K29A1
(GDVN) - Đi vào những con ngõ sâu, Bát Tràng vẫn lặng lẽ như cái vẻ ngoài trầm lặng của những nghệ nhân gốm, dành hết tâm trí vào đôi bàn tay tài hoa của mình.
Khi làm gốm là trò chơi
Xe buýt số 47 dừng lại trước cổng chợ gốm Bát Tràng - nơi từ lâu đã trở thành thiên đường của gốm sứ, nơi hiện là địa điểm du lịch nổi tiếng cho những ai muốn khám phá nét đẹp văn hóa của một làng cổ Việt. Riêng tôi ngoài gốm và du lịch ra, tôi còn muốn được tận mắt nhìn thấy bàn xoay gốm và hình ảnh người thợ gốm tự tay tạo hình cho sản phẩm của mình. Nhưng trước khi tôi tìm được thì...

- Em ơi, về nhà chị nặn gốm đi. Nặn trước rồi mới đi chơi cũng được.
- Cháu ơi về nhà cô chơi gốm, vào từ bây giờ đi các cháu nặn xong nhà cô còn nung nữa, xong các cháu cứ đi chơi thoải mái lúc quay về lấy sản phẩm là vừa. 

Vừa nói bà vừa đưa cho chúng tôi một xấp danh thiếp, chứng tỏ người Bát Tràng làm dịch vụ cũng khá chuyên nghiệp đấy chứ. Chỉ có điều cứ đi một bước chúng tôi là bị một "đội quân sân chơi gốm" bủa vây thì không biết độ chuyên nghiệp của họ đến đâu hay mới chỉ dừng lại ở chỗ học lỏm được chiêu "danh thiếp".

Trước sự "mến khách" quá nhiệt tình của những chủ kinh doanh dịch vụ nặn gốm, chúng tôi đành ghé vào nơi được gọi là "Sân chơi gốm". Gọi là sân chơi gốm bởi đây là nơi người ta nghĩ ra để dành cho du khách đến "nghịch đất". Một gian nhà đủ để bày 5 tới 10 chiếc bàn xoay. Gian phía ngoài dùng để bày các sản phẩm đã làm sẵn dành cho những ai không thích nặn thì chỉ ngồi tô, vẽ. Gian phía trong là nơi để các "thượng đế" trổ tài nặn gốm của mình.

Các em nhỏ sẽ không hiểu hết về gốm Bát Tràng nếu chỉ dừng lại ở "sân chơi gốm" như thế này. (ảnh: Hoàng Phương Thảo)
Các em nhỏ sẽ không hiểu hết về gốm Bát Tràng nếu chỉ dừng lại ở "sân chơi gốm" như thế này.
(ảnh: Hoàng Phương Thảo)

Khi đã yên vị trước bàn xoay, những người "chơi gốm" sẽ được thử cảm giác xoay, be, vuốt, nặn của người thợ làm gốm. Người ta đem đến một cục đất dùng để nặn gốm và làm cho khách xem một số hình dạng như chai, lọ, bát. Rồi sau đó sẽ để cho người chơi tha hồ mà nghịch. Khách sẽ không có cơ hội để hỏi người hướng dẫn đất này là đất gì, tại sao lại dùng nó để nặn gốm bởi người hướng dẫn còn bận mời chào, hướng dẫn và thu tiền.

Sản phầm của người chơi sẽ được cho vào một cái lò dạng hộp để làm cho cứng hơn, gọi theo thuật ngữ chuyên môn là nung gốm. Nhưng nếu ai có đọc qua về lò nung gốm thì chắc chắn sẽ biết người ta không chỉ nung gốm với một cái hộp như vậy. Mong là sau này các em bé chơi ở đây sẽ không gọi đó là cái lò nung gốm. Trong thời gian một tiếng chờ đợi gốm được "nung", chúng tôi đi tham quan chợ gốm và làng gốm cổ nổi tiếng Bát Tràng.
Thời của khuôn mẫu

Đúng với tên gọi chợ gốm lớn nhất miền Bắc. Vào chợ Bát Tràng là vào thế giới của gốm, thế giới của màu sắc và hình dạng. Ông Tuấn, chủ cửa hàng gốm có tên Tuấn Ngọc nói với chúng tôi: "Việc làm gốm và bán gốm là công việc cha truyền con nối nhiều đời, hầu hết các vửa hàng ở đây đều như vậy. Trước đây Bát Tràng chỉ tập trung làm một vài sản phẩm truyền thống còn giờ nhờ cải tiến cách làm, Gốm Bát Tràng đa dạng, phong phú hơn về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách. Khách hàng muốn thứ gì chúng tôi có thứ đó, nhờ thế mà việc buôn bán cũng thuận lợi hơn. Làm kinh doanh là phải chiều theo ý khách, họ thích đẹp thì mình làm đẹp, thích rẻ thì mình làm rẻ".

Người Bát Tràng giờ đã thức thời như thế. Chúng tôi rời khỏi chợ gốm để vào làng mà không khỏi chạnh lòng cho sự thức thời của người làm gốm ở Bát Tràng.
Luồn lách trong những con ngõ sâu hút hun với những bức tường rêu phong đặc trưng của làng cổ Việt, không giống như ấn tượng ban đầu về một làng gốm ồn ào khi bước chân xuống chợ gốm. Đi sâu vào trong, Bát Tràng vẫn lặng lẽ như cái vẻ vốn trầm lặng của những người làm gốm, chỉ tập trung hết sức cho đôi bàn tay tài hoa của mình. Vì hầu như nhà nào cũng đóng cửa hết nên để có thể tận mắt thấy hoạt động của một xưởng gốm thật sự chúng tôi đã định nhờ đến một "hướng dẫn viên nghiệp dư" là người làng khi thấy chị đang chỉ dẫn rất nhiệt tình một đoàn đi phía trước chúng tôi. Đi theo đoàn khách du lịch một quãng, chúng tôi mới biết giá của sự nhiệt tình xởi lởi ấy là 100 ngàn đồng. Cũng được thôi, cái gì bây giờ có thể làm được dịch vụ thì nên làm nhưng: "Dịch vụ kiểu gì mà chỉ thấy dẫn vào một xưởng gốm duy nhất, tự ngắm tự xem rồi được cho một xấp tài liệu mang về. Bọn mình thấy phí số tiền vừa bỏ ra". Bạn Nguyễn Việt Hùng, sinh viên trường Đại học Thành Đô, một thành viên trong đoàn nói.
Bàn xoay điện và khuôn thạch cao- sản phẩm của "công nghệ khuôn mẫu" ở Bát Tràng.
Bàn xoay điện và khuôn thạch cao- sản phẩm của "công nghệ khuôn mẫu" ở Bát Tràng.
Vậy là chúng tôi quyết định tự đi. Loanh quanh một hồi cũng tìm được một xưởng gốm đang mở cửa, khá im ắng. Người đàn ông không rời mắt khỏi chiếc bàn xoay, giới thiệu với chúng tôi đây là xưởng gốm H. chuyên sản xuất bình, lọ loại nhỏ, vừa và chân nến. Vừa quan sát ông làm, chúng tôi vừa lân la hỏi ông về kĩ thuật làm gốm của riêng Bát Tràng - một câu hỏi mà khi đến bất kì làng nghề truyền thống nào người ta cũng hỏi và người trả lời bao giờ cũng ra sức quảng cáo cho bằng hết cái hay, cái đẹp, cái độc đáo không đâu có được của mình.
Chủ một xưởng gốm H. cho chúng tôi biết: "Nói chung kĩ thuật làm gốm bây giờ ở đâu cũng na ná nhau, khó phân biệt lắm. Ngay cả những người làm ra nó còn khó phân biệt nữa là. Nếu khác thì chỉ khác về nguyên liệu thôi, nguyên liệu của Trung Quốc thường độc hại hơn. Đều là gốm thương mại cả thôi". 

Nhưng ông chủ xưởng gốm H. lại trả lời chúng tôi với vẻ khá thờ ơ: "Trước đây làm thủ công, chuốt bằng tay, vẽ bằng tay thì còn đòi hỏi nhiều kĩ thuật chứ giờ hầu hết đều làm bằng khuôn có sẵn thì chỗ nào chẳng như chỗ nào. Hàng bây giờ sản xuất đại trà cũng không đòi hỏi tính nghệ thuật cao lắm". Nói rồi ông chỉ cho chúng tôi xem các khuôn thạch cao bày khắp xưởng. Cạnh đó còn rất nhiều các sản phẩm gốm đã đúc xong. Công việc của nặn, chuốt, be gốm của người thợ trước kia giờ chỉ là gọt tỉa lại sản phẩm trên bàn xoay điện sao cho tròn trịa và mịn màng hơn. Có lẽ nhờ thế mà bây giờ một ngày có hàng nghìn sản phẩm ra lò, có chất lượng tốt và đồng đều hơn.Vòng xoay Bát Tràng
Chúng tôi quay trở ra bằng một con đường khác với con đường đã dẫn chúng tôi vào làng. Kết thúc một vòng tham quan làng gốm cổ. Con đường này lớn hơn, đẹp hơn, hai bên đường là những cửa hàng cửa hiệu cửa kính bóng lộn. Những bức tường gạch phủ rêu dần được thay thế bằng tường bê tông, trên tường người ta thay những mảnh gốm sắc thường được cắm lên để chống trộm bằng những song sắt nhọn hoắt. Bên trong kia là Bát Tràng của trầm lặng.

Còn ở đây, người ta đã thấy một Bát Tràng khác, hiện đại hơn, sôi động hơn. Chúng tôi đi qua sân chơi gốm để về bến xe buýt và lấy sản phẩm đã được nung xong. Vì là sân chơi nên sản phẩm cũng chỉ mang tính chất là đồ chơi. Nhưng thứ đồ chơi gốm không ra gốm, đất không ra đất ấy lại có giá còn cao hơn cả những đồ gốm thực thụ cùng loại được bày bán ở đây. Mặc dù biết sự so sánh như thế là khập khiễng nhưng rồi sẽ ra sao đây khi những đứa trẻ kia chỉ dừng lại ở sân chơi gốm và mang về thứ sản phẩm mà các em sẽ vô tư gọi là gốm Bát Tràng?

Dạy cho các em biết về công việc làm gốm là tốt nhưng sao lại chỉ dừng lại ở mức nửa vời như vậy, vô tình đã làm các em mất đi cơ hội được nhìn thấy một sản phẩm gốm thực sự được tạo ra và ra lò hoàn thiện như thế nào. Đến đây tôi cũng mới nhớ ra, tôi đã thấy vô số bàn xoay, tất nhiên là bàn xoay tay ở "sân chơi gốm". Chắc nhiều người thắc mắc vậy sao tôi vẫn phải đi tìm bàn xoay tay ở Bát Tràng làm gì. Nhưng đúng là ở Bát Tràng, bàn xoay tay thật sự đã trở thành của hiếm, bàn xoay ở sân chơi này chỉ là đồ chơi phục vụ cho dịch vụ kinh doanh du lịch.

Và những vòng xoay thị trường dưới đôi bàn tay vụng về, vội vã của cả người chơi lẫn người làm đang cuốn Bát Tràng đi theo những vòng xoay chệch choạc của nó. Con đường mới dẫn vào Bát Tràng dường như đang rộng và dài hơn...
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Hoàng Phương Thảo, lớp Báo In K29A1