Là một giáo viên, tôi cũng là người luôn kịch liệt phản đối những thầy cô giáo nào dùng quyền lực, tạo sức ép để buộc học sinh phải tới lớp học thêm.
Phụ huynh tất tả đưa con đến các lớp học thêm tại thị trấn Phúc Thọ Báo Giaoduc.net.vn) |
Khi nhìn thấy học sinh ùn ùn tới lớp học thêm sau mỗi giờ tan trường mà đặc biệt là vào những ngày hè, nhiều người đều nghĩ ngay đến việc giáo viên ép buộc học trò đi học.
Thầy cô đang vi phạm chuyện dạy thêm trái phép chỉ vì những khoản tiền thu nhập vốn không chính đáng.
Thế nhưng trong thực tế hiện nay, ép học sinh đi học thêm nhất là vào những ngày hè chủ yếu là cha mẹ của các em.
Học thêm trong năm học, có nhiều lý do để buộc tội giáo viên.
Nào là ém kiến thức dạy trên lớp để dành cho lớp học thêm.
Nào là kiểm tra bài cũ, kiểm tra 1 tiết, kiến thức toàn ở lớp học thêm nếu không đi học sẽ không thể làm.
Nào là không học thêm sẽ bị thầy cô giáo làm khó…Những lý do này, đều có cả vì vẫn còn không ít thầy cô giáo làm thế.
Thế nhưng hè về, học sinh đã lên lớp.
Sang năm học mới chính thầy cô còn chưa biết mình được phân công dạy khối lớp nào ở trường?
|
Điều này có thể nói, thầy cô không thể dùng quyền lực để buộc học sinh phải đi học thêm trong thời gian nghỉ hè.
Có thể khẳng định rằng, cho con đi học hè là nhu cầu của nhiều bậc cha mẹ hiện nay (dù đôi khi đó là nhu cầu bắt buộc).
Người sợ con mải chơi quyên kiến thức. Người muốn tách con ra khỏi ti vi, vi tính suốt ngày.
Người muốn cho con có một chỗ vui chơi, học tập an toàn trong ngày vì gia đình quá bận bịu không thể trông nom.
Có phụ huynh còn khẳng định, học nhiều gây áp lực cho con nhưng giữa việc suốt ngày chơi game với học thì học thêm vẫn lợi hơn nhiều.
Thế nên, vừa mới nghỉ hè nhưng bản thân tôi cũng nhận được khá nhiều lời yêu cầu dạy hè của các phụ huynh (người là phụ huynh cũ, người chưa hề quen biết, người có con học tại trường, người lại ở một vùng khác…).
Và nhiều đồng nghiệp của tôi cũng nhận được những lời đề nghị như thế.
Có người không dạy vì muốn mình nghỉ ngơi, cũng muốn học sinh thật sự có một mùa hè không sách vở.
Thế nhưng, có phụ huynh lại thiết tha:“Mong cô giúp đỡ gia đình tôi để cháu được học”; “Thầy không dạy sang năm học lớp cao hơn, chương trình khó hơn, sao con tôi theo nổi? Thầy thương tình giúp gia đình tôi với!”…
Trong trường hợp này nếu giáo viên chúng tôi dạy, không thể nói thầy cô bắt buộc học trò đi học thêm.
Là phụ huynh tự nguyện tìm đến năn nỉ thầy cô dạy đó chứ.
Nhiều khi vì cái tình, thương học sinh ấy học yếu nhưng ham học, thương gia đình ấy bận rộn suốt ngày không thể lo cho con…dạy vì tình thương trách nhiệm lớn hơn dạy vì tiền.
Nhiều giáo viên nhờ uy tín của mình nên được phụ huynh tin yêu.
Vì thế, lớp học luôn đông học trò dù đa phần những học sinh ấy không phải học sinh của thầy cô giáo ấy trên trường.
Thế là có kẻ ganh người ghét, thế là có đơn kiện thưa khi thì nặc danh, lúc lại mang tên một vài phụ huynh nào đó.
Kiểu này đa phần là người cùng nghề ném đá giấu tay. Họ “đội lốt” mang danh một vài phụ huynh nào đấy.
Phải khẳng định luôn rằng, phụ huynh chỉ kiện thưa khi con họ bị chính thầy cô nào đấy trù dập, gây áp lực vì không đi học thêm.
Còn việc thầy cô dạy thêm nhiều hay ít, chẳng bao giờ họ quan tâm.
Người quan tâm, ganh ghét và đố kị chính là những giáo viên muốn dạy nhưng chẳng phụ huynh nào tin tưởng gửi con.
Với áp lực học hành, thi cử như hiện nay thì nhiều phụ huynh tình nguyện “cướp” đi mùa hè của con chứ tuyệt nhiên không phải thầy cô giáo.