Ngày 12/6/2020, nguồn tin của phóng viên Giáo dục Việt Nam từ huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long đã xác nhận, Hội đồng kỷ luật của huyện đã vừa họp trong ngày 11/6, xem xét hình thức kỷ luật với những người vi phạm trong vụ 165 bài kiểm tra môn Địa học kỳ 1 ở trường trung học cơ sở Mỹ An bị nâng điểm.
Theo nguồn tin của vị lãnh đạo này cho biết, các thành viên của hội đồng kỷ luật huyện sau khi xem xét vụ việc, bỏ phiếu thì đã đưa ra hình thức kỷ luật của ba người liên quan đến vụ việc này, bao gồm: cô giáo N.T.B.N.và Hiệu trưởng (nay đã xuống làm giáo viên), Phó Hiệu trưởng của nhà trường.
Thông tin cho biết, có hai hình thức kỷ luật đã được thông qua, gồm khiển trách và cảnh cáo.
Vào đầu tuần tới, các quyết định kỷ luật này sẽ được lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long ký.
Vụ việc được phát hiện hồi tháng 4 vừa qua, theo tường trình của cô Phạm Thị Ngọc Thúy – giáo viên trường này, cho rằng 166 bài kiểm tra học kỳ 1 môn Địa của học sinh khối 7 tại trường đã bị nâng điểm.
Ngay sau khi nhận được thông tin này, huyện đã lập hội đồng chấm thẩm định, chấm lại toàn bộ 166 bài kiểm tra học kỳ môn Địa bị phản ánh.
Kết quả: Có 165 bài đã bị nâng điểm, trong đó nâng thấp nhất là 0,25 điểm và cao nhất là 6,5 điểm. Một bài không thay đổi điểm.
Nguyên nhân của vụ việc này đã được xác định, là do nhà trường phân cho một thầy giáo không dạy môn Địa khối 7 ra đề, nên có ra một số câu không nằm trong phần ôn tập.
Khi chấm bài, cô N.T.B.N. thấy kết quả bài kiểm tra quá thấp, do học sinh có một số câu không làm được, nên đã chấm điểm tùy tiện, bất kể học sinh làm bài được phần tự luận nhiều hay ít đều cho 7 điểm, nên điểm của học sinh đã bị lệch so với lần chấm đầu tiên.
Một trong số các bài kiểm tra môn Địa bị nâng điểm (ảnh: CTV) |
Tại báo cáo số 62/BC-UBND ngày 8/5/2020 của Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long về vụ việc này, đã xác định, lãnh đạo trường Mỹ An chưa thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của lãnh đạo tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có phần quản lý chuyên môn, quản lý giáo viên và nhân viên.
Lãnh đạo nhà trường không có chuyên môn về Địa lý, nên chỉ đạo sửa sai trong 2 phiên họp thiếu chính xác về kiến thức chuyên môn.
Lãnh đạo nhà trường chưa quản lý chặt chẽ quy trình chấm bài kiểm tra học kỳ 1 của giáo viên nhất, công tác quản lý còn lỏng lẻo, sai quy chế hoạt động, quy định về chuyên môn phân cấp quản lý của ngành.
Trường giải quyết vụ việc này không triệt để, thiếu kiên quyết, nên dẫn đến sai sót kéo dài, không báo cáo cấp trên để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ, chỉ đạo giải quyết.
Thiếu tổ chức phản biện đề kiểm tra với nhau, nhằm thẩm định lại nội dung, kiến thức đúng hay sai.
Khi phát hiện có sai sót, trường có yêu cầu giáo viên sửa sai, chỉ đạo chấm lại, nhưng thiếu sự phúc tra, đôn đốc xem đối tượng có thực hiện hay không. Trường cũng không cho dừng việc vào điểm môn Địa kiểm tra học kỳ của học sinh trên hệ thống, phiếu liên lạc.
Đối với cá nhân: Cô N.T.B.N. đã chưa thực hiện đúng trách nhiệm được quy định về đánh giá, xếp loại học sinh trung học, không tuân thủ nguyên tắc, quy định trong ôn tập, soạn đề, nộp đề kiểm tra học kỳ 1 môn Địa cho nhà trường đúng theo quy định.
Cô N. còn tự ý soạn đề cương cho học sinh ôn tập có giới hạn nội dung khác với hướng dẫn chung của Phòng, Sở Giáo dục, tự ý giảm tải nội dung, kiến thức.
Khi thấy đề kiểm tra không nằm trong đề cương ôn tập, thì cô N. lại tùy tiện chấm điểm lại, nên điểm của học sinh đã bị chênh lệch so với lần chấm đầu tiên.