Đã hoàn thành bồi dưỡng có chứng nhận, sao giáo viên còn phải đi học trực tiếp?

16/08/2022 06:43
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chỉ nói lý thuyết suông, xin đừng làm mất thời gian của giáo viên, mất kinh phí của các cơ sở giáo dục.

Để chuẩn bị thực hiện Chương trình 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lý và giáo viên trên cả nước.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn cho giáo viên thực hiện Chương trình mới gồm 9 mô đun. Các sở giáo dục và đào tạo đã triển khai bồi dưỡng theo hình thức trực tuyến, tự học, qua hệ thống LMS (hệ thống bồi dưỡng trực tuyến).

Sau khi thực hiện tự học, với sự hỗ trợ chuyên môn của các giảng viên chủ chốt từ các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình ETEP, kết hợp sinh hoạt chuyên môn theo nhóm tại trường, cụm trường, giáo viên phải nộp sản phẩm lên hệ thống LMS, các báo cáo viên sẽ chấm, đánh giá, các trường đại học sư phạm sẽ cấp giấy chứng nhận hoàn thành các mô đun.

Chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên thực hiện Chương trình mới, trong thời gian vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Báo Thanhnien.vn viết “Tập huấn sách giáo khoa: Xin đừng “cưỡi ngựa xem hoa”[1], báo nld.com.vn viết “Bồi dưỡng giáo viên, thay sách: Mới chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa””,[2] …

Trong bài viết, Giáo sư Đinh Quang Báo cho rằng: “Trong quá trình bồi dưỡng, nhiều giảng viên cốt cán bồi dưỡng một cách quá tràn lan, mà chưa “gãi đúng chỗ ngứa” của người được bồi dưỡng”.

Giáo sư Báo còn cho biết, ông đã từng được mời tham gia bồi dưỡng ở rất nhiều địa phương và thực tế là, điều mà giáo viên mong muốn là các báo cáo viên dự giờ của họ để góp ý, phân tích cái được và chưa được từ ngay chính thực tế sinh động của một giờ dạy cụ thể, chứ không chỉ nói lý thuyết suông.

Không ít các giáo viên đã tỏ ra rất bức xúc vì phải tiêu tốn thời gian vào việc vô bổ, chẳng giúp ích gì cho họ trong việc dạy theo chương trình - sách giáo khoa mới”.

Ông Lê Công Chiêm (Đại học Huế) bức xúc: “Có những giáo viên khi bồi dưỡng không tập trung vào nội dung bồi dưỡng mà lại vòng vo, sa đà vào những chuyện thanh minh điều này, điều kia trong sách giáo khoa”.

Bà Phạm Thu Hà, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp, thẳng thắn cho rằng: “Không phải giáo viên cốt cán nào đi bồi dưỡng về cũng thực hiện tốt việc bồi dưỡng lại cho giáo viên đại trà.

Đồng Tháp là tỉnh đã từng tham gia thí điểm chương trình sách giáo khoa cấp trung học phổ thông, vậy mà cũng không tránh khỏi lúng túng khi thực hiện triển khai đại trà.

Thậm chí, nhiều giáo viên vẫn áp dụng phương pháp cũ, cách làm cũ khi dạy Chương trình mới. Vì vậy, đã đến lúc phải xem lại hiệu quả của việc bồi dưỡng thay sách”.[2]

Hiệu quả chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên thực hiện Chương trình mới đến đâu chưa có đánh giá cụ thể của Bộ, nhưng phần lớn giáo viên tham gia đều đã hoàn thành và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành mô đun 4, mô đun 9…

Giấy Chứng nhận hoàn thành mô đun bồi dưỡng chương trình mới của thầy Ngô Văn - Ảnh Lê Mai

Giấy Chứng nhận hoàn thành mô đun bồi dưỡng chương trình mới của thầy Ngô Văn - Ảnh Lê Mai

Bên cạnh đó, chương trình bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới đã “đẻ” ra nghề học hộ, trên các trang mạng xã hội "nở rộ" dịch vụ học hộ, làm bài tập thay giáo viên tập huấn trực tuyến.

Đã cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng lại bắt giáo viên học lại?

Theo Kế hoạch Số 2320/KH-ĐHSP của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục các mô đun về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang:

Giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông lớp 3, 7, 10 sẽ học trực tiếp 2.5 ngày (25 tiết), các mô đun 1, 2, 3.

Giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông lớp 1, 2, 6 sẽ học trực tiếp 2.5 ngày (25 tiết), các mô đun 4, 5, 9.

Kế hoạch Số 2320/KH-ĐHSP của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Lê Mai

Kế hoạch Số 2320/KH-ĐHSP của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh Lê Mai

Thầy giáo Ngô Văn (đã đổi tên nhân vật) đang dạy trung học ở Kiên Giang cho biết: “Chúng tôi đã học trực tuyến, tự học, hoạt động nhóm theo môn học, hoàn thành mô đun 1, 2, 3, 4, 5 và mô đun 9, được cấp giấy chứng nhận hẳn hoi.

Nay lại nhận được thông báo chuẩn bị học mô đun 1, 2, 3, 4, 5 và mô đun 9 trực tiếp, thật là vô lý.

Việc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục các mô đun về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang khi giáo viên đã có chứng nhận để làm gì?”.

Hình ảnh kết quả ‘tích xanh” của các mô đun do thầy Ngô Văn cung cấp - Ảnh Lê Mai

Hình ảnh kết quả ‘tích xanh” của các mô đun do thầy Ngô Văn cung cấp - Ảnh Lê Mai

Trong Kế hoạch Số 2320/KH-ĐHSP của Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh có ghi rõ:

"Kinh phí do Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang cử học viên tham gia bồi dưỡng chi trả trong năm 2022".

Ý kiến của thầy Ngô Văn không phải không có lý, chương trình bồi dưỡng, tập huấn, giáo viên đã hoàn thành, được xếp “đạt”, được cấp giấy chứng nhận rồi, tại sao lại thêm một lần nữa tập trung học trực tiếp?

Giáo viên băn khoăn, phải chăng chất lượng, hiệu quả, chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên trước đây không đạt yêu cầu nên phải tập huấn trực tiếp lại các mô đun đã học?

Nếu chất lượng, hiệu quả không đạt thì tất cả giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông phải cùng học lại từ mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9; tại sao lại chia hai nhóm như Kế hoạch Số 2320/KH-ĐHSP?

Người viết là giáo viên phổ thông, cũng đã hoàn thành chương trình học các mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9, rất đồng cảm với thầy Ngô Văn ở Kiên Giang.

Sáng ngày 12/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Bộ trưởng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp, giải pháp để ngành Giáo dục làm tốt hơn nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Chính phủ giao cho.

Vì học sinh thân yêu, vì chất lượng giáo dục, người viết đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, các trường đại học sư phạm, Học viện Quản lý Giáo dục tham gia Chương trình ETEP nói chung, khi bồi dưỡng, tập huấn chương trình mới hãy tập trung vào các yếu tố giáo viên cần. Đó là:

Thứ nhất, các tác giả làm chương trình, tác giả viết sách giáo khoa, các báo cáo viên hãy soạn Kế hoạch dạy học 01 bài, các phụ lục khác theo Công văn 5512 làm minh chứng.

Thứ hai, các tác giả làm chương trình, tác giả viết sách giáo khoa, các báo cáo viên, dạy 01 tiết cụ thể, để giáo viên được dự giờ của họ, để góp ý, phân tích cái được và chưa được từ ngay chính thực tế sinh động của một giờ dạy cụ thể, chứ không chỉ nói lý thuyết suông.

Nói dễ, làm mới khó, nói được, làm được, thay vì chỉ nói lý thuyết suông như từ trước đến nay, làm được như thế, giáo viên dù đã có giấy chứng nhận hoàn thành các mô đun sẽ phấn khởi, hồ hởi tiếp tục đi tập huấn, bồi dưỡng chương trình mới.

Nếu chỉ nói lý thuyết suông, xin đừng làm mất thời gian của giáo viên, mất kinh phí, ngân sách của các cơ sở giáo dục, hãy để thầy cô tự học và sáng tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/tap-huan-sach-giao-khoa-xin-dung-cuoi-ngua-xem-hoa-post1452290.html

[2] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/boi-duong-giao-vien--thay-sach-moi-chi-la-cuoi-ngua-xem-hoa-189948.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai