Bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình phổ thông mới không có "F1, F2"

24/04/2021 07:00
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- So với lớp 1 thì việc triển khai chương trình – sách giáo khoa mới lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết, am hiểu chương trình.

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Độ - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại “Hội nghị sơ kết bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng ngày 23/4.

Bồi dưỡng giáo viên không có F1, F2

Theo Thứ trưởng Độ thì việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phải có sự đổi mới trong giảng dạy, trong đó có vai trò giáo viên.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hiệu quả việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua. Ảnh: AN

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao hiệu quả việc bồi dưỡng giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới thời gian qua. Ảnh: AN

“Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chất lượng giáo dục – đào tạo, quyết định sự thành công của việc đổi mới giáo dục phổ thông.

Do đó, Bộ rất coi trọng việc bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông”.

Ông Độ cũng đánh giá, các đợt tập huấn, bồi dưỡng giáo viên vừa qua tại các địa phương cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu qua việc triển khai với chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.

“Sau một thời gian triển khai, chúng tôi thấy giáo viên có sự chủ động hơn trong nắm bắt chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, giúp cho học sinh tự tin hơn trong học tập.

Kết quả đi kiểm tra tại các trường tiểu học cho thấy học sinh đọc tiếng Việt nhanh hơn, tư duy ngôn ngữ tốt thì các em học các môn khác như Toán, khoa học tự nhiên cũng thuận lợi hơn”, ông Độ nói.

Thứ trưởng phân tích thêm, điểm mới trong bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không có F1, F2.

“Trước đây bồi dưỡng cán bộ là giáo viên ở cấp trung ương rồi chuyển giao cho giáo viên cấp tỉnh rồi đến cấp quận huyện.

Cứ mỗi một lần chuyển giao lại rơi mất đi một ít. Ở đây, dù là giáo viên cốt cán hay giáo viên đại trà đều được nghiên cứu một tài liệu như nhau.

Sau khi cùng nghiên cứu thì có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán cùng đội ngũ giảng viên sư phạm ở các tỉnh sẽ giúp đỡ.

Giáo viên cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn. Bên cạnh giáo viên cốt cán sẽ có một giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ thêm để giáo viên được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Trước kia là bồi dưỡng theo đợt, giờ là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt”.

Nhiều thách thức khi thực hiện chương trình – sách giáo khoa lớp 6

“Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sau sáu năm chờ đợi. Lẽ ra, học sinh đã hưởng lợi sớm một vài năm. Thời gian đầu triển khai thực hiện, chúng ta gặp không ít khó khăn.

Nhưng đến nay, những phản hồi từ các trường học, từ xã hội, từ các sở Giáo dục về việc thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất tích cực.

Học sinh dễ học được bài hơn, đọc trơn tiếng Việt nhanh, vốn từ phong phú đã hỗ trợ cho các em học những môn khác rất tốt. Học sinh và giáo viên tự tin, chủ động khi thực hiện chương trình mới”, Thứ trưởng Độ chia sẻ.

Hội nghị có sự tham dự của các Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường đào tạo Sư phạm trên cả nước. Ảnh: AN

Hội nghị có sự tham dự của các Sở Giáo dục và Đào tạo và các Trường đào tạo Sư phạm trên cả nước. Ảnh: AN

Cũng theo Thứ trưởng thì việc xây dựng chương trình bồi dưỡng vì vậy phải rõ ràng, minh bạch, giúp giáo viên triển khai thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông mới.

Những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, có những vấn đề, địa phương phải có sự linh động trong vận dụng.

Đơn cử như việc các trường có thể tăng số lượng giáo viên cốt cán tham gia tập huấn thì có thể chủ động thêm từ kinh phí địa phương. Bộ đã làm việc với Bộ Tài chính để sớm có thông tư về hỗ trợ bồi dưỡng trực tuyến.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng lưu ý, trong năm học 2021 – 2022 sẽ bắt đầu triển khai chương trình – sách giáo khoa mới với lớp 6.

So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, như không còn môn Lý, Hóa, Sinh nữa mà là môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử, Địa lý không còn là môn riêng mà là môn tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác.

Đầu vào của học sinh lớp 6 năm tới không học được trọn chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Tiểu học.

Vì vậy, Bộ đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp học sinh tiểu học được bổ trợ các kiến thức để đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để sẵn sàng đón nhận chương trình lớp 6. Tuy nhiên, thách thức khi triển khai chương trình – sách giáo khoa ở lớp 6 là rất lớn.

"Giáo viên giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc", Thứ trưởng nhấn mạnh.

AN NGUYÊN