Tá hỏa với Kế hoạch bài dạy lớp 6 của giáo viên theo Công văn 5512

07/04/2022 06:57
Nguyễn Nguyên Lương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kế hoạch bài dạy (giáo án) phải mang tính cá nhân của mỗi giáo viên, phù hợp với đối tượng học sinh, không thể “đồng phục” được.

Theo Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, quy định về các loại hồ sơ sổ sách mà giáo viên hiện nay gồm có 04 loại cơ bản, đó là:

Với giáo viên tiểu học bao gồm:

a) Kế hoạch bài dạy.

b) Sổ ghi chép sinh hoạt chuyên môn, dự giờ và theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh.

c) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên chủ nhiệm).

d) Sổ công tác Đội (đối với Tổng phụ trách Đội).

Đối với giáo viên trung học bao gồm:

a) Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học).

b) Kế hoạch bài dạy (giáo án).

c) Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.

d) Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Bên cạnh đó cũng quy định dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.

Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ngoài quy định, hồ sơ giáo viên vẫn còn đó sổ dự giờ, sổ hội họp... (Ảnh: Nguyên Lương)

Ngoài quy định, hồ sơ giáo viên vẫn còn đó sổ dự giờ, sổ hội họp... (Ảnh: Nguyên Lương)

Thực tế hồ sơ giáo viên có giảm?

Vừa qua, người viết được tham gia đoàn thanh tra, thấy hồ sơ giáo viên ngoài 4 loại quy định trên, vẫn còn đó Sổ dự giờ, Sổ tự học tự rèn, Sổ hội họp, Sổ báo giảng …

Tại sao giáo viên vẫn còn phải có các loại sổ đã bị “khai tử” trong hồ sơ giáo viên? Cô giáo M. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Trong quy chế thi đua, có mục “Giáo viên tự học, tự rèn từ các nguồn kiến thức khác và đồng nghiệp”, vì thế, bắt buộc mỗi người phải có Sổ dự giờ, Sổ tự học tự rèn để làm minh chứng.

Quy chế thi đua, có mục “Ghi chép nội dung các cuộc họp đầy đủ", nên ai cũng phải có thêm sổ hội họp.

Còn Sổ báo giảng làm riêng cho nó tiện, vì nếu làm chung trong Kế hoạch giáo dục của giáo viên, thì phải in theo tuần, nên không ai bảo ai, làm Sổ báo giảng theo tuần cho tiện.

Không làm các Sổ dự giờ, Sổ tự học tự rèn, Sổ hội họp, Sổ báo giảng thì cũng phải có minh chứng để xét, xếp thi đua hàng tháng, vì thế chúng em làm luôn cho nó đẹp”.

Như vậy, dù văn bản quy định của Bộ không có các loại Sổ dự giờ, Sổ tự học tự rèn, Sổ hội họp… nhưng vẫn còn, do đó là minh chứng để xét, xếp thi thi đua theo quy chế thi đua nội bộ.

Vì thế, muốn đơn giản, giảm bớt hồ sơ cho giáo viên, phải bỏ bớt các tiêu chí thi đua, minh chứng thi đua, còn không giáo viên vẫn còn khổ vì sổ sách.

Tá hỏa với hồ sơ giáo viên theo 5512

Cầm trên tay Kế hoạch bài dạy Toán 6 của thầy giáo Tr. (đề nghị không nêu tên), quả thật tôi tá hỏa.

Thầy Tr. chia sẻ: “Mỗi tuần 4 tiết Toán, tính đến hôm nay là tuần 28, vị chi là 112 tiết thầy ạ.

Trung bình mỗi tiết, kế hoạch bài dạy 8 đến 9 trang, nên riêng “con” Toán 6 này của em gần 2 ram giấy A4 rồi đấy, hết năm học chắc phải mất 3 ram A4 chứ chẳng chơi.

So với giáo án môn toán 6 cũ, em phải đầu tư gấp 6 lần tiền giấy in đấy, làm theo 5512 đúng là tốn kém thật”.

Chẳng riêng gì môn Toán, các môn khác của lớp 6 giáo viên đều phải soạn kế hoạch bài dạy theo Công văn 5512, nên đều có “độ dày” khủng so với bài soạn của lớp 7, lớp 8, lớp 9.

Nếu mỗi tiết dạy phải soạn 8 trang, mỗi tuần thầy giáo Tr. phải đánh máy 32 trang giáo án, ngoài ra còn bao nhiêu việc không tên khác, vậy còn đâu thời gian để “tự học, tự rèn”?

Chia sẻ về cách “soạn giáo án nhanh, gọn” cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Trên mạng xã hội có các hội nhóm giáo viên dạy theo bộ môn, bộ sách lớp 6, mình tham gia làm thành viên.

Các hội nhóm đó đều có bán kế hoạch bài dạy theo đúng công văn 5512, mình bỏ vài trăm nghìn, mua về sửa lại đôi chút là được thôi.

Thực tế, có ai sử dụng kế hoạch bài dạy để lên lớp đâu, chủ yếu là để nộp cho đủ hồ sơ thôi. Nếu lên lớp mà cứ làm theo “ba rem” như thế, sao mà dạy được.

Em nghĩ, kế hoạch dạy học mà theo cùng “ba rem” như thế này, chỉ để “làm màu” thôi, không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục”.

Dư luận đã lên tiếng nhiều về kế hoạch bài dạy (giáo án) theo phụ lục Công văn 5512, thế nhưng Bộ vẫn kiên quyết thực hiện ở lớp 6.

Việc kế hoạch bài dạy dài lê thê, vô hình trung đã “kích hoạt chợ giáo án” trên mạng xã hội. Người viết không bàn đến vấn đề tiền bạc giáo viên bỏ ra mua giáo án, mà bàn đến hệ lụy vô hình của nó.

Thực tế, thời gian qua, không ít bài báo phản ánh về "chợ giáo án". Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà giáo viên phải tham gia “chợ giáo án”, chính vì quy định của giáo án theo Công văn 5512 mang tính hình thức, đã làm mất niềm tin của giáo viên.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần nhìn nhận thực tế, nghiêm túc xem xét “mẫu” giáo án 5512 có tác dụng với chương trình giáo dục 2018 hay không, để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.

Kế hoạch bài dạy (giáo án) phải mang tính cá nhân của mỗi giáo viên, phù hợp với đối tượng học sinh, không thể “đồng phục” được.

Vì thế, người viết mong muốn, Bộ hãy trả lại tự do sáng tạo cho mỗi giáo viên trong soạn thảo kế hoạch bài dạy cho mình.

Được tự do, sáng tạo theo cách riêng của mình, giáo viên sẽ không mua bán giáo án, sẽ không còn ai phải bán tư cách người thầy, không còn hình ảnh xấu xí mua bán giáo án trên mạng.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nguyên Lương