Đã sang năm 2021 vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục hướng dẫn bỏ chứng chỉ cho giáo viên?

06/01/2021 07:07
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tháng 12/2020 đã qua, mọi việc vẫn chưa có gì mới, đội ngũ nhà giáo vẫn trông chờ từ phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về việc bỏ chứng chỉ cho giáo viên.

Ngày 26/11/2020, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã có cuộc tiếp xúc cử tri thị xã An Nhơn. Tại đây, Bộ trưởng đã trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến giáo dục và đào tạo đang được dư luận quan tâm.

Điều đặc biệt là trong buổi tiếp xúc cử tri ở thị xã An Nhơn, trước mong mỏi của cử tri về việc xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên và chứng chỉ ngoại ngữ 2 đối với giáo viên dạy tiếng Anh, Bộ trưởng thông tin, thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này.

Bộ trưởng cho hay, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực. Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp. [1]

Tuy nhiên, tháng 12 của năm 2020 đã lặng lẽ trôi qua, tháng 1/ 2021 cũng đã được 1 tuần rồi nhưng đến nay vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo có những hướng dẫn cụ thể về vấn đề này như những lời thông tin từ Bộ trưởng.

Bộ trưởng Nhạ nói dự kiến tháng 12/2020 sẽ có văn bản bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Bộ trưởng Nhạ nói dự kiến tháng 12/2020 sẽ có văn bản bỏ chứng chỉ tin học,

ngoại ngữ cho giáo viên (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Giáo viên trông chờ Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Hiện nay, ở ngành giáo dục đang có rất nhiều các Thông tư của Bộ Giáo dục, Thông tư liên tịch giữa Bộ Giáo và Đào tạo với một số Bộ khác liên quan đến giáo viên có yêu cầu chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Chính vì nhiều văn bản quy định giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học khi tuyển dụng, xét (thi) thăng hạng, xét chuẩn giáo viên…nên những năm qua thì một bộ phận nhà giáo trên cả nước đã bỏ rất nhiều công sức, tiền bạc để hoàn thiện các chứng chỉ này theo quy định.

Những bất cập này tiếp tục được thể hiện trong các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên từ cấp mầm non đến trung học phổ thông công lập đã được Bộ công bố để lấy ý kiến trong năm 2020.

Vẫn là yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với những giáo viên từ hạng III trở lên nên nhiều thầy cô giáo ở các địa phương đã phải tranh thủ đi học để lấy chứng chỉ vào dịp hè hoặc các buổi tối ở trung tâm.

Trong khi, chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều giáo viên khi tham gia học tập, ôn thi vì nó tốn tiền và nội dung kiến thức quá cao so với thực tế đa phần giáo viên không dạy ngoại ngữ.

Nhưng, cho dù có thi đạt được chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam thì cũng ít khi phải sử dụng vì giáo viên không dạy ngoại ngữ thì đâu nhất thiết phải dùng trình độ chứng chỉ A2, B1...để giảng dạy.

Bất cập đó là điều mà nhiều năm qua giáo viên đã phải lên tiếng và những tiếng than vãn, những lời tâm tư ấy đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục lắng nghe.

Chính vì thế, khi nghe Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin là tháng 12/2020 thì Bộ sẽ ban hành quy định cụ thể về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên khiến đội ngũ nhà giáo thấp thỏm mừng vui và chờ đợi.

Nhưng, tháng 12 của năm 2020 giờ đây thì đã qua rồi…mọi chuyện vẫn chưa thấy có gì mới, đội ngũ nhà giáo vẫn trông chờ phát biểu chia sẻ của Bộ trưởng thành hiện thực!

Mong chờ Bộ nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể

Chúng tôi cũng biết rằng thời điểm cuối năm 2020 thì lãnh đạo Bộ và các Vụ cũng đang rất bận với rất nhiều công việc của ngành, nhất là việc đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với muôn vàn công việc khác nhau.

Nhưng, có lẽ điều quan trọng hơn cả là những thông tin, lời nói trước cử tri của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ- người đứng đầu ngành giáo dục đã nói ra hôm 26/11/2020 ở Bình Định và sự việc này đã được báo chí phản ánh khá nhiều.

Vì thế, giáo viên vẫn đang chờ đợi lời nói của Bộ trưởng trở thành hiện thực, càng sớm càng tốt.

Thực ra, không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và tin học thì giáo viên cũng đang phải tự học, không học sẽ khó đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành giáo dục.

Chẳng hạn như việc tập huấn trực tuyến mà Bộ đang triển khai hoặc việc dạy trực tuyến trong học kỳ II của năm học 2019-2020 vừa qua.

Nếu không có trình độ tin học, chắc chắn giáo viên sẽ không thực hiện được nhiệm vụ. Và, có lẽ cái cần nhất đối với nhà giáo là kiến thức ngoại ngữ, tin học của họ đã và đang làm được gì cho ngành giáo dục chứ không hẳn là những chứng chỉ họ có được.

Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học sẽ giảm đi áp lực cho đội ngũ nhà giáo và Bộ cũng nên chủ trương đào tạo, công nhận cho sinh viên khi đang học đại học để đỡ tốn tiền bạc, thời gian và không gây rắc rối cho đội ngũ nhà giáo khi họ đã được tuyển dụng.

Vì thế, chúng tôi hy vọng, lãnh đạo ngành Giáo dục mà đứng đầu là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cố gắng, nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên càng sớm càng tốt vì thời gian “dự kiến” đã qua rồi.

Bỏ được chứng chỉ ngoại ngữ và tin học sẽ không gây áp lực cho đội ngũ giáo viên để họ đỡ phải tốn kém về tiền bạc, công sức mà điều quan trọng là sẽ làm tăng uy tín về “lời nói” của Bộ trưởng trước cử tri, trước hàng triệu giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7093

NGUYỄN CAO