Đa số GV trình độ cao của Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp đều là thỉnh giảng

15/09/2023 06:33
Hải Trọng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê của Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, hầu hết các giảng viên trình độ cao của trường đều là giảng viên thỉnh giảng.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp (Hà Nội) là trường công lập chuyên đào tạo Mỹ thuật công nghiệp tại thành phố Hà Nội, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp xác định rõ sứ mệnh và tầm nhìn đến năm 2030, là cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu về lĩnh vực thiết kế Mỹ thuật ứng dụng trong hệ thống giáo dục Việt Nam. Cung cấp nguồn nhân lực – Họa sĩ có trình độ đại học, sau đại học chất lượng cao, đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Tầm nhìn của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hướng đến: “Trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành về Mỹ thuật và Mỹ thuật ứng dụng trong cả nước, ngang tầm các cơ sở đào tạo đại học cùng ngành có uy tín trong khu vực, với chương trình đào tạo tiên tiến và có khả năng hợp tác quốc tế”.

Hiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp là Tiến sĩ Phạm Hùng Cường, Chủ tịch Hội đồng trường là thầy Bùi Trung Dũng.

Theo báo cáo 3 công khai và Đề án tuyển sinh qua từng năm mà Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp công bố cho thấy, quy mô đào tạo của nhà trường có tăng lên, tuy nhiên, số lượng sinh viên tăng không nhiều.

Theo Báo cáo 3 công khai năm học 2021-2022, quy mô đào tạo đại học chính quy của nhà trường là 1.942, trong đó khối ngành II là 1.419 sinh viên, khối ngành V là 523 sinh viên.

Đến ngày 30/3/2022, quy mô đào tạo đại học chính quy của trường là 1.950, chỉ tăng 8 sinh viên, sinh viên khối ngành II là 1.440 em, sinh viên khối ngành V là 510 (số liệu từ Đề án tuyển sinh năm 2022).

Đến ngày 31/12/2022, quy mô đào tạo đại học chính quy của trường tăng lên 90 sinh viên (số liệu cập nhật từ đề án tuyển sinh năm 2023).

Đến ngày 30/6/2023, quy mô đào tạo đại học chính quy là 2.129 sinh viên (số liệu từ Báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024).

Trong khi đó, quy mô đào tạo đại học hệ vừa học vừa làm từ tháng 3/2022 đến tháng 6/2023 tăng 120 người, quy mô đào tạo sau đại học (trình độ thạc sĩ) tăng 21 người.

Về tỷ lệ sinh viên có việc làm, theo công bố của nhà trường, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm.

Cụ thể như sau:

Khối ngành Năm 2021 Năm 2023
Khối ngành II 90,44% 100%
Khối ngành V 93,55% 99%

Báo cáo 3 công khai năm học 2021 - 2022, số liệu thống kê đến 6/2021 cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của khối ngành II đạt 90,44%, của khối ngành V là 93,55%.

Đến tháng 6/2023, tỷ lệ này còn cao hơn so với năm trước, cụ thể, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm ra trường của khối ngành II là 100%, khối ngành V là 99% (Báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024).

Về số lượng giảng viên của trường, số liệu thống kê của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp cho thấy, hầu hết các giảng viên trình độ cao của trường đều là giảng viên thỉnh giảng. Với đặc thù của cơ sở đào tạo khối ngành nghệ thuật, trường không có giáo sư là giảng viên toàn thời gian, chỉ có 1 phó giáo sư là giảng viên toàn thời gian.

Số lượng giảng viên thỉnh giảng là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đều cao hơn số giảng viên trình độ tương ứng toàn thời gian.

Cụ thể, Đề án tuyển sinh năm 2022 công bố, số lượng giảng viên toàn thời gian chủ trì giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh đại học là 114 người, trong đó có 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ và 101 thạc sĩ.

Số lượng giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy và tính chỉ tiêu tuyển sinh đại học là 68 người, trong đó có 1 giáo sư, 9 phó giáo sư, 15 tiến sĩ và 43 thạc sĩ.

Đến Đề án tuyển sinh năm 2023, tổng số lượng giảng viên toàn thời gian là 113 người (giảm 1 người so với năm trước), trong đó có 1 phó giáo sư, 12 tiến sĩ, 100 thạc sĩ.

Tổng số lượng giảng viên thỉnh giảng và tính chỉ tiêu tuyển sinh đại học là 85 người (tăng 17 người so với năm trước), trong đó có 1 giáo sư, 8 phó giáo sư, 18 tiến sĩ, 55 thạc sĩ và 3 giảng viên trình độ đại học.

Cụ thể số lượng giảng viên toàn thời gian của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp qua 2 năm như sau:

Trình độ giảng viên Số liệu từ Đề án tuyển sinh năm 2022 Số liệu từ Đề án tuyển sinh năm 2023
Giáo sư 0 0
Phó Giáo sư 1 1
Tiến sĩ 12 12
Thạc sĩ 101 100
Đại học 0 0

Số lượng giảng viên thỉnh giảng của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp qua 2 năm như sau:

Trình độ giảng viên Số liệu từ Đề án Tuyển sinh năm 2022 Số liệu từ Đề án tuyển sinh năm 2023
Giáo sư 1 1
Phó Giáo sư 9 8
Tiến sĩ 15 18
Thạc sĩ 43 55
Đại học 0 3

Về tài chính, nguồn thu chủ yếu của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp chủ yếu là từ học phí và từ nguồn ngân sách (kinh phí chi thường xuyên).

Có thể so sánh nguồn thu của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp qua 2 năm qua biểu đồ sau:

Năm 2020, tổng thu của trường là 38,755 tỷ đồng (trong đó, nguồn thu từ học phí của trường là 22,34 tỷ đồng), năm 2022, con số này tăng lên 44,03 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 năm, nguồn thu của trường tăng lên hơn 5 tỷ đồng.

Năm 20223, nguồn thu từ học phí của trường là 28,23 tỷ đồng; nguồn thu từ ngân sách Nhà nước (kinh phí chi thường xuyên) là 11,5 tỷ đồng, nguồn thu khác là 4,3 tỷ đồng.

Với đặc thù của một trường đại học đào tạo lĩnh vực mỹ thuật, nhà trường không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. So với nhiều trường đại học khác, quy mô đào tạo của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng thấp hơn. Đó là lý do nguồn thu của trường vẫn còn hạn chế so với một số cơ sở giáo dục đại học khác.

Hải Trọng