Năm 2022, nguồn thu của Trường ĐH Luật Hà Nội tăng 55 tỷ đồng so với năm 2021

24/08/2023 06:28
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tổng thu năm 2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội là 235 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2021.

Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh là 2 trường thuộc đề án xây dựng trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật.

Quy mô đào tạo sau đại học có xu hướng tăng qua các năm

Theo đề án tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội, tính đến ngày 31/12/2022, Trường Đại học Luật Hà Nội đang đào tạo 200 nghiên cứu sinh, 1249 học viên cao học, 10825 sinh viên chính quy và 2853 sinh viên hệ đại học vừa học vừa làm.

Nhìn chung, quy mô đào tạo sinh viên đại học chính quy hàng năm không có nhiều biến động lớn, mỗi năm đều duy trì trên 10.000 sinh viên. Trong khi đó, hệ đại học vừa học vừa làm lại có xu hướng giảm quy mô đào tạo. Cụ thể, giai đoạn 2019-2022, có khi tổng số sinh viên đại học hệ vừa học vừa làm lên gần 5000 sinh viên. Tuy nhiên, năm 2022, số lượng này chỉ còn 2853 sinh viên, giảm khoảng gần 16% so với năm liền kề trước đó (năm học 2021-2022 quy mô đào tạo hệ này là 3392 sinh viên).

Quy mô đào tạo hệ sau đại học có sự biến động nhẹ giữa các năm, tuy nhiên nhìn chung cả giai đoạn 2019-2022 xu hướng chung là tăng. Năm 2022, quy mô đào tạo tiến sĩ tăng khoảng 70,94% so với năm 2021, quy mô đào tạo thạc sĩ tăng 47,46% so với năm 2021.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn có ngành chỉ trên 20%

Trường Đại học Luật Hà Nội đào tạo lĩnh vực chính là pháp luật, bên cạnh đó còn một ngành thuộc lĩnh vực nhân văn là ngành Ngôn ngữ Anh.

Về lĩnh vực pháp luật, trường đào tạo 3 chuyên ngành chính: Luật, Luật kinh tế và Luật Thương mại quốc tế. Quy mô tuyển sinh hàng năm lớn nhất là chuyên ngành luật, tiếp đến là Luật kinh tế và cuối cùng ít nhất là Luật Thương mại quốc tế.

Đề án tuyển sinh năm 2023 và năm 2022 có thống kê số liệu kết quả khảo sát tỷ lệ có việc làm của sinh viên. Số liệu này được tính từ kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh. Đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm. Như vậy, các khóa được khảo sát trong đề án tuyển sinh năm 2023 và 2022 lần lượt là khóa tuyển sinh năm 2017 và năm 2016. Cũng từ số liệu này, chúng ta nhìn được tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn như sau:

Tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của Trường Đại học Luật Hà Nội là khoảng trên 85%. Trong đó, đáng chú ý, sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và Luật kinh tế, Luật thương mại quốc tế có tỷ lệ việc làm trên 90%, trong khi đó ngành Luật lại có tỷ lệ việc làm thấp hơn, trên 80%.

Tuy nhiên, nếu tính tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, sinh viên ngành Luật lại có tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn cao nhất, 93,97% (khóa 2017). Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn thấp nhất: 21,24% (khóa 2017), 21,88% (khóa 2016). Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn của sinh viên ngành Luật Thương mại quốc tế là khoảng trên 50%, sinh viên ngành Luật kinh tế khoảng trên 60%.

Nhìn chung, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn ở tất cả các ngành của Trường Đại học Luật Hà Nội đều đang có xu hướng tăng lên: Khóa năm 2016 là 70,75% sinh viên tốt nghiệp đúng hạn, khóa sinh viên 2017 tỷ lệ này tăng lên gần 80%.

Số lượng giảng viên có chức danh Phó giáo sư giảm dần qua các năm

Về giảng viên, thống kê số lượng giảng viên cơ hữu tính đến ngày 31/12/2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội là 297 giảng viên, trong đó có 3 Giáo sư, 30 Phó giáo sư, 264 giảng viên trình độ Tiến sĩ và Thạc sĩ, không có giảng viên trình độ đại học.

Năm 2022 2021 2020 2019
Giáo sư 3 3 3 4
Phó giáo sư 30 31 36 37
Tiến sĩ +Thạc sĩ 264 266 267 261
Đại học 0 4 5 6
Tổng 297 304 311 308

Đáng chú ý, khi so sánh với thống kê giảng viên các năm trước, tổng số giảng viên của trường có xu hướng giảm. Trong đó, giảm 1 Giáo sư, giảm 7 Phó giáo sư so với năm 2019.

Năm 2022, nguồn thu của Trường Đại học Luật Hà Nội tăng hơn 30% so với năm 2021

Về tài chính, tổng thu năm 2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội là 235 tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2021. Các năm 2021, 2020, 2019 tổng thu của trường không có nhiều biến động lớn, dao động trên dưới 180 tỷ đồng.

Năm 2022 2021 2020 2019
Tổng nguồn thu hợp pháp (tỷ đồng) 235 180 175 175
Chi phí đào tạo 1 SV/năm (triệu đồng) 11,5 11,5 11,2 11,2

Phóng viên tìm kiếm số liệu báo cáo 3 công khai về tài chính của trường nhưng không thấy có. Tại đề án tuyển sinh chỉ cho biết tổng thu, không công khai chi tiết số liệu các nguồn (nguồn thu của trường đại học thường đến từ ngân sách nhà nước, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ và nguồn thu hợp pháp khác).

Được biết, hiện chi phí đào tạo 1 sinh viên/năm của Trường Đại học Luật Hà Nội là 11,5 triệu đồng.

Theo đề án tuyển sinh năm 2023, dự kiến mức thu học phí năm học 2023-2024 là 3.595.500 đồng/tháng/học viên (thu 5 tháng/kỳ, 25 tháng/khoá học) tương đương 3.595.500 đồng x 25/109 = 825.000 đồng/tín chỉ. Lộ trình tăng học phí năm học 2024-2025 là 4.293.000 đồng/tháng/học viên, năm học 2025-2026 là 5.101.500 đồng/tháng/học viên.

Về cơ sở vật chất, tổng diện tích đất của Trường là 112.159 m2 , trong đó cơ sở chính có 14.009m2, phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk là 97.700m2. Số chỗ ở ký túc xá sinh viên gồm 1600 chỗ, trong đó cơ sở chính 700 chỗ ở, Phân hiệu 900 chỗ ở.

Diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy là 60.365 m2, trong đó cơ sở chính 36.465 m2, phân hiệu tại tỉnh Đắk Lắk là 23.900 m2.

Trường Đại học Luật Hà Nội được thành lập vào năm 1979 dựa trên cơ sở hợp nhất Khoa Pháp lí của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Cao đẳng Pháp lí Việt Nam. Lúc đó, Trường có tên là Trường Đại học Pháp lí Hà Nội với nhiệm vụ: “Quyết tâm đưa Trường Đại học Pháp lý Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo cán bộ pháp lý, trung tâm nghiên cứu khoa học pháp lý và trung tâm truyền bá pháp lý”.

Bắc Sơn