Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết Quy định mức thu học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập năm học 2016-2017 và mức thu học phí đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập từ năm 2016-2017 đến năm học 2020-2021.
Khi Nghị quyết được thông qua đã có không ít ý kiến cho rằng, tăng học phí để tăng chất lượng giáo dục, nhưng thời gian qua chất lượng chưa được cải thiện nhiều.
Khi đã tăng học phí thì Nhà trường không được thu thêm bất cứ khoản nào nữa (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về điều này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ- Phó Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam lý giải:
"Người ta vẫn nói “tiền nào của đấy” nên nếu chúng ta không có đủ tiền thì làm sao có "của" tốt? Giống như giáo viên bây giờ vừa dạy “chân trong”, vừa dạy “chân ngoài”. Chân trong thì ngắn, chân ngoài thì dài làm sao có chất lượng tốt".
"Và tất nhiên bên cạnh vấn đề tăng học phí phải có chế tài cấm dạy thêm học thêm tràn lan, tiêu cực. Bởi học phí tăng thì số tiền đó cũng là để đảm bảo cho giáo viên đủ để yên tâm giảng dạy", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhắc nhở.
Nghị quyết Quy định của TP Hà Nội đưa ra, mức thu học phí trong năm học mới đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn Hà Nội sẽ tăng từ 25% (vùng miền núi) tới 33,3% (vùng nông thôn và thành thị).
Cụ thể, mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng thành thị sẽ tăng từ 60.000 đồng/tháng/học sinh lên 80.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng nông thôn sẽ tăng từ 30.000 đồng/tháng/học sinh lên 40.000 đồng/tháng/học sinh. Mức học phí hệ mầm non và giáo dục phổ thông ở vùng miền núi sẽ tăng từ 8.000 đồng/tháng/học sinh lên 10.000 đồng/tháng/học sinh.
Đề xuất mức học phí mới ở TP.Hồ Chí Minh(GDVN) - UBND TP.Hồ Chí Minh vừa có tờ trình về cơ chế thu, sử dụng học phí trong năm học mới 2016 – 2017 tại các cơ sở giáo dục công lập ở thành phố. |
Cũng theo Nghị quyết đã được UBND TP Hà Nội thông qua, mức học phí của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông của Hà Nội sẽ tiếp tục tăng trong các năm học tới.
Trong đó, mức tăng học phí của các trường ở khu vực thành thị sẽ tăng cao nhất, từ 37,5% (năm học 2017-2018) lên 41,9% (năm học 2019-2020). Mức học phí vào năm học 2020-2021 sẽ là 300.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 275% so với năm học 2016-2017 này.
Đối với khu vực nông thôn, mức học phí vào năm học 2020-2021 là 120.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 200% so với năm học 2016-2017. Đối với khu vực miền núi, mức học phí vào năm 2020-2021 là 30.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 200% so với năm học 2016-2017.
Nhìn nhận về lộ trình và mức thu này, TS.Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định:
“Hà Nội cần nâng cao chất lượng giáo dục nên mức học phí hiện tại 40.000 đồng/tháng là ít, cho nên việc tăng thêm là đúng. Mặc dù mức thu này không thay thế được đầu tư Nhà nước nhưng sẽ đóng góp phần giúp Nhà trường có thêm nguồn lực phát triển.
Mức tăng này đã được Bộ Tài chính căn cứ và tính toán dựa vào thu nhập của người dân và đóng góp thêm phát triển giáo dục theo lộ trình 5 năm (2016-2020).
TP.Hồ Chí Minh tiến hành tăng học phí ngay từ đầu năm 2016 là hoàn toàn đúng đắn nhưng khi đó Hà Nội vẫn“e dè”. Rõ ràng, nếu không tăng hoặc tăng không đáng kể thì Thủ đô sẽ thiếu nguồn lực phát triển”.
Tuy nhiên, TS.Nguyễn Tùng Lâm cũng thẳng thắn nhìn nhận thực tế: “Cái khổ của người dân là học phí tăng không đáng bao nhiêu, họ sẵn sàng đồng ý nhưng vẫn phải nộp nhiều khoản thu khác tăng hàng năm ở trường như quỹ nọ, quỹ kia, tiền bảo vệ, tiền nước uống…
Cho nên, khi đưa ra mức thu này có nghĩa là đã tính toán đâu vào đấy thì Nhà trường không được thu thêm bất cứ khoản nào khác”.