Đại biểu HĐND Đà Nẵng: Học sinh Đà Nẵng còn dùng bàn ghế từ thời bao cấp để lại

15/12/2022 06:45
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc thiếu thốn cơ sở vật chất, trường lớp, thiếu giáo viên là những vấn đề "nóng" của ngành giáo dục Đà Nẵng được Hội đồng nhân dân “mổ xẻ”, chất vấn.

Trường học xuống cấp, bàn ghế có từ thời bao cấp

Ông Lê Văn Nghĩa – Tổ đại biểu quận Liên Chiểu cho rằng, việc đầu tư xây dựng trường lớp và việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 còn gặp nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đào tạo.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng trả lời các chất vấn của đại biểu về những vấn đề "nóng" của ngành giáo dục. Ảnh: AN

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng trả lời các chất vấn của đại biểu về những vấn đề "nóng" của ngành giáo dục. Ảnh: AN

“Hiện thành phố đang triển khai đề án "xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025" và đến nay tiến độ đã triển khai 2/5 thời gian thực hiện đề án. Nhưng hầu hết các công trình chỉ mới dừng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Số công trình thực hiện ước đạt là 350 tỷ đồng (tương đương 8% giá trị đề án được phê duyệt).

Được biết, hiện nay việc triển khai đề án gặp nhiều khó khăn như là nguồn vốn, quỹ đất… Một số trường học đã xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa. Không đạt được mục tiêu ban đầu của đề án và phát triển trường mới để giảm tải cho các trường cũ”.

Ông Nghĩa cũng chỉ ra việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới rất khó khăn. Nhất là việc sĩ số lớp vượt quá quy định. Cụ thể như trường học ở quận Liên Chiểu, sĩ số lớp ở bậc tiểu học quy định là 35 học sinh/lớp. Nhưng hiện nay có trường đã vượt quá 47 học sinh/lớp như trường Ngô Sĩ Liên, trường Võ Thị Sáu, trường Trưng Nữ Vương…

Còn ở bậc Trung học cơ sở quy định là 45 học sinh/lớp, nhưng có trường như: Nguyễn Lương Bằng là 52-53 học sinh/lớp. Bên cạnh đó còn thiếu phòng học để học 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.

Ông Nguyễn Thành Tiến (Tổ đại biểu quận Hải Châu) cho rằng, qua tiếp xúc cử tri và trực tiếp đi giám sát cho thấy, hiện nay hệ thống bàn ghế học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn đã quá cũ.

Có những bộ bàn ghế có tuổi đời gấp đôi, gấp ba tuổi học sinh, được thiết kế và đầu tư từ thời bao cấp đến nay chưa được thay đổi, không còn phù hợp với thể chất học sinh hiện nay.

“Điển hình như việc học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 1. Học sinh lớp 9 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 6. Ở đây có sự chênh nhau về thể chất mà ngồi cùng một loại bàn như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của học sinh. Bởi như số liệu thống kê thì có đến 15-20% học sinh bị cong vẹo cột sống. Như vậy, nó tác động rất rõ ràng”, ông Tiến nói.

Vấn đề thứ hai mà ông Tiến đề cập là vệ sinh của các trường học xuống cấp nghiêm trọng. Ông Tiến cũng dẫn chứng việc con mình không dám vào nhà vệ sinh, gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ.

“Giám đốc Sở Giáo dục đã trực tiếp đi kiểm tra vấn đề này chưa? Và thời gian đến nghiên cứu giải pháp bố trí nguồn lực bổ sung để đầu tư cơ sở vật chất ra sao?”, ông Tiến nói.

Phản hồi vấn đề này, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng cho biết, về việc thực hiện đề án "xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025" thì hiện nay thành phố đã bố trí vốn. Trong đó đã thực hiện sửa chữa, mở rộng một số trường. Một số khác thì đang triển khai các bước thủ tục để hoàn thành.

Về việc bố trí bàn ghế học sinh cũng như nhà vệ sinh, bà Thuận cho rằng, đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

“Trong thời gian qua, ngành giáo dục và Ủy ban nhân dân các quận huyện đã rất quan tâm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư thì cần có giai đoạn, có tiến độ để phân bổ vốn cho phù hợp.

Trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với quận huyện rà soát tất cả các trường học trên địa bàn thành phố, cụ thể là về bàn ghế học sinh tiểu học, trung học cơ sở, để báo cáo lãnh đạo thành phố, từ đó đầu tư nâng cao chất lượng học tập cho học sinh”, bà Thuận nói.

Đối với vấn đề nhà vệ sinh, bà Thuận cho hay, vào cuối mỗi năm học, Sở cùng Ủy ban nhân dân các quận huyện bố trí các đoàn kiểm tra rà soát cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới. Trong quá trình nâng cấp, sửa chữa trường học thì sẽ quan tâm đến sữa chữa, làm sạch, làm mới nhà vệ sinh.

Sẽ xem lại quy trình tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh

Ông Huỳnh Bá Cử (tổ Sơn Trà – Hoàng Sa) chất vấn, hiện nay công tác tuyển dụng giáo viên để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học tại các quận huyện, qua theo dõi còn nhiều khó khăn.

Đà Nẵng sẽ xem xét lại quy trình tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh để thu hút nguồn lực. Ảnh: AN

Đà Nẵng sẽ xem xét lại quy trình tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh để thu hút nguồn lực. Ảnh: AN

Cụ thể, nhiều nơi chưa tuyển đủ số lượng giáo viên chủ nhiệm theo chỉ tiêu giao hoặc tuyển đủ nhưng khi phân bổ về trường nhận công tác thì thí sinh không đến trường nhận nhiệm vụ.

Ở một số bộ môn như: Âm nhạc, Tin học, thể chất… số thí sinh đăng ký tuyển dụng chưa đủ theo chỉ tiêu giao nên chưa đảm bảo tính ổn định đội ngũ dạy cấp bộ môn này.

Ngoài ra, ông Cử cũng dẫn ra một thực tế là trong khi thành phố đang thiếu giáo viên thì việc tiếp nhận các giáo viên từ các tỉnh thành khác về Đà Nẵng giảng dạy đòi hỏi những điều kiện rất khắt khe.

Do đó, khó đáp ứng được khi có người muốn chuyển về Đà Nẵng công tác. Với vai trò cơ quan quản lý giáo dục, Giám đốc Sở có giải pháp gì?

“Hiện nay việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai ở lớp 1, 2, 3 và lớp 6,7. Tuy nhiên, thiết bị dạy học chưa được mua sắm đủ để phục vụ công tác dạy học.

Tại nhiều trường, các giáo viên phải tự làm hoặc tận dụng các thiết bị chương trình cũ để dạy học, dẫn đến thiếu đồng bộ, ảnh hưởng đến chất lượng. Vậy giải pháp của Sở là gì?”, ông Cử nói.

Về vấn đề tuyển dụng giáo viên, bà Thuận cho biết: “Đến thời điểm hiện tại thì biên chế giáo viên tại các trường học cơ bản được đảm bảo. Sở cũng đã phối hợp với Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân các quận huyện rà soát, cân đối để phân bổ giáo viên với tỷ lệ 1,47 giáo viên/lớp đối với bậc Tiểu học. Đảm bảo cho học sinh được học đủ 2 buổi/ngày.

Từ đầu năm học, do sắp xếp bố trí lại giáo viên nên những tuần đầu tiên thì tại một số trường tiểu học còn lúng túng trong việc bố trí giáo viên dẫn đến thiếu. Sau đó, ngành giáo dục đã sắp xếp lại đội ngũ giáo viên lớp 1, 2 để đảm bảo đủ đội ngũ”.

Bà Thuận cũng thông tin thêm, về việc các trường chủ động tính toán đội ngũ giáo viên để có thể hợp đồng với giáo viên (nếu thiếu) trong chỉ tiêu biên chế được giao nhưng chưa tuyển được.

Ngoài ra, Sở cũng đã làm với Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng để đảm bảo nguồn giáo viên Tiểu học sau này học ra có đủ điều kiện để giảng dạy

Liên quan đến vấn đề tuyển dụng giáo viên ngoại tỉnh, bà Thuận cho hay, trong thời gian tới, Sở sẽ cùng với Sở Nội vụ điều chỉnh một số chỉ tiêu thuyên chuyển giáo viên ngoại tỉnh để thu hút được nguồn lực từ ngoại tỉnh về Đà Nẵng công tác. Theo đó, tất cả những chỉ tiêu, quy định đều đảm bảo công khai minh bạch rõ ràng.

AN NGUYÊN