Hải Dương: Thiếu giáo viên, có hiệu phó phải dạy tăng 18 tiết/tuần

18/10/2022 06:50
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, một số trường học tại Hải Dương đã phải phân công cán bộ quản lý dạy tăng tiết, có hiệu phó dạy tăng thêm 18 tiết/tuần.

Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, năm 2022, toàn tỉnh tuyển dụng 1.737 chỉ tiêu giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục công lập, nhưng chỉ có 1.443 thí sinh đủ điều kiện dự thi vòng 2.

Tại ngày thi viết bài nghiệp vụ chuyên ngành vào ngày 9/10/2022, cũng chỉ có 1.298 thí sinh đến thi (145 thí sinh đủ điều kiện dự thi không tham gia thi).

Qua thống kê, thành phố Chí Linh có số thí sinh không dự thi nhiều nhất tỉnh với 29 thí sinh, huyện Nam Sách vắng 18 thí sinh, huyện Thanh Miện vắng 15 thí sinh, thành phố Hải Dương và huyện Thanh Hà vắng 14 thí sinh… Huyện Gia Lộc có số thí sinh vắng ít nhất tỉnh (vắng 2 thí sinh).

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, số lượng thí sinh dự thi thấp hơn chỉ tiêu tuyển dụng là do không có nguồn để tuyển dụng.

Việc này khiến cho ngành giáo dục tỉnh thêm đau đầu bởi tình trạng thiếu giáo viên càng trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, sĩ số học sinh các lớp đều tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý, chuyên môn cũng như chất lượng dạy và học.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tuấn Việt (huyện Kim Thành) đang dạy tăng thêm 13 tiết/tuần (Ảnh: LT)
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tuấn Việt (huyện Kim Thành) đang dạy tăng thêm 13 tiết/tuần (Ảnh: LT)

Đứng trước thực trạng đó, nhiều đơn vị trường học đã phải “giật gấu, vá vai” tìm mọi cách khắc phục để bảo đảm việc dạy và học.

Tại Trường Tiểu học Tiên Động (huyện Tứ Kỳ), năm học 2022-2023, nhà trường có 677 học sinh được chia thành 21 lớp.

Tuy nhiên, với toàn trường có 28 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó chỉ có 16 giáo viên văn hoá, nên trong năm học này, nhà trường đã dồn học sinh từ 21 lớp xuống còn 20 lớp.

Với số lớp hiện tại thì Trường Tiểu học Tiên Động đang thiếu 4 giáo viên làm chủ nhiệm các lớp còn lại và giảng dạy. Trong khi đó, mới đây 1 giáo viên hợp đồng của trường lại xin nghỉ việc.

Do thiếu giáo viên nên lãnh đạo Trường Tiểu học Tiên Động đều đang tham gia giảng dạy tăng tiết so với quy định.

Cô giáo Ngô Thị Vân Chi, Phó Hiệu trưởng nhà trường dạy tăng 18 tiết/tuần và tham gia chủ nhiệm 1 lớp.

Trường cũng đang phải hợp đồng với 3 giáo viên đã nghỉ hưu. Các giáo viên này vừa giảng dạy vừa chủ nhiệm lớp.

"Việc cán bộ quản lý phải dạy tăng tiết làm công tác quản lý vất vả. Ngoài giảng dạy, mọi công việc chuyên môn khác đều phải tranh thủ làm thêm ngoài giờ hành chính, làm buổi tối ở nhà và cả ngày nghỉ cuối tuần.

Nếu có giáo viên nghỉ thai sản, ốm đau thì nhà trường còn vất vả hơn trong việc bố trí giáo viên dạy thay", cô Chi nói.

Tại Trường Tiểu học Tuấn Việt (huyện Kim Thành), năm học này trường có 1.216 học sinh, 52 cán bộ, giáo viên và nhân viên.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với bậc tiểu học mỗi lớp không quá 35 học sinh thì trường sẽ có 37 lớp.

Nhưng do thiếu giáo viên nên trường đã dồn học sinh khối lớp 3 và khối lớp 5, nên toàn trường chỉ còn 35 lớp, sĩ số nhiều lớp lên đến gần 40 học sinh.

Theo cô giáo Đồng Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tuấn Việt, hiện trường đang thiếu 8 giáo viên theo chỉ tiêu biên chế giao và đã hợp đồng được với 5 giáo viên.

Khó khăn nhất là thiếu 1 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên văn hoá do 2 vị trí này không có nguồn tuyển; 1 giáo viên hợp đồng dạy môn văn hoá chưa đủ điều kiện dự thi tuyển giáo viên năm nay do chưa có bằng đại học.

“Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhà trường đã phân công giáo viên phải dạy tăng từ 5-8 tiết/tuần, hiệu trưởng dạy tăng 5 tiết/tuần, còn 2 Phó Hiệu trưởng, 1 người dạy tăng 8 tiết/tuần, người còn lại dạy tăng 13 tiết/tuần.

Hai giáo viên tiếng Anh của trường đã dạy tăng tối đa 10 tiết/tuần nhưng vẫn không dạy đủ số tiết theo quy định đối với khối lớp 4 và lớp 5.

Ngoài ra, trường cũng đang phải hợp đồng với 1 giáo viên đã về hưu. Do giáo viên dạy vượt giờ nên ít có thời gian nghiên cứu Chương trình giáo dục phổ thông mới”, cô Hương chia sẻ.

Trường Trung học cơ sở An Phụ (thị xã Kinh Môn) đang có 629 học sinh chia thành 15 lớp với 28 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

Năm học này tăng lên 2 lớp, dự kiến năm học tới còn tăng tiếp 2 lớp. Trường đang thiếu 3 giáo viên nhưng chưa được giao tăng thêm chỉ tiêu biên chế.

Để khắc phục, nhà trường đang nhờ 2 giáo viên của Trường Tiểu học An Phụ, 1 giáo viên của Trường Tiểu học Thượng Quận (cùng ở thị xã Kinh Môn) tham gia giảng dạy cho trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ các trường ở trên mà nhiều trường trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng đang trong tình trạng “giật gấu, vá vai” khi thiếu giáo viên.

Có trường phải hợp đồng với giáo viên đã về hưu, có trường phải huy động cán bộ quản lý và giáo viên đều dạy vượt giờ; có nhà trường phải hợp đồng giáo viên dạy liên trường, hợp đồng với giáo viên mới ra trường...

LÃ TIẾN