Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm này tại phiên thảo luận của Quốc hội về Nội quy kỳ họp sáng nay (14/11).
Bà Tâm đề nghị ghi trong nội quy dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời chất vấn, có thể dành một buổi cho Thủ tướng trả lời chất vấn, một trong hai kỳ họp cũng được không nhất thiết phải hai kỳ họp.
“Cử tri rất mong muốn được nghe ý kiến của Chính phủ không chỉ trả lời làm rõ trách nhiệm mà vấn đề giải pháp, vấn đề đại sự của quốc gia, tiếng nói của Chính phủ có sự tác động rất lớn tạo sự đồng thuận của xã hội, tôi nghĩ rằng tạo cơ hội để đồng bào được nghe tiếng nói của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp của Quốc hội.
Tôi đề nghị ghi thẳng vào trong nội quy kỳ họp, giành ít nhất một buổi. Tôi thấy thời gian vừa qua giành thời gian không thỏa đáng, Thủ tướng chuẩn bị nhưng không có thời gian để trả lời hoặc không có thời gian để đưa ra những thông điệp quan trọng mà Chính phủ cần phải nói với nhân dân, đồng bào, với Quốc hội”, bà Tâm bày tỏ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, thời gian dành cho Thủ tướng trả lời trước Quốc hội quá ít. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Liên quan tới vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) đề nghị, cần bổ sung quy định người được chất vấn nếu trả lời chưa hết các nội dung câu hỏi của đại biểu thì sau phiên họp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản các nội dung chưa trả lời hết.
“Trong dự thảo nội quy chưa quy định rõ vấn đề này, trong khi trên thực tế xảy ra nhiều. Bản thân tôi đã gặp là nhiều phiên chất vấn cảm thấy chưa trả lời hết. Người được trả lời cũng cảm thấy chưa trả lời hết thì sau phiên họp phải có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho đầy đủ”.
Ủng hộ quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng, câu hỏi đã được nêu ra nhưng người bị chất vấn chưa trả lời hết thì sau đó cần phải có văn bản để trả lời, tôi rất đồng tình với vấn đề đó.
“Tôi đề xuất thêm là ngoài trả lời bằng văn bản cho người trực tiếp chất vấn, đề nghị phải công bố văn bản trên các phương tiện thông tin báo đài để cho tất cả toàn thể nhân dân theo dõi giám sát vấn đề này. Vì đây phiên họp trực tiếp trong toàn dân, do đó cần công bố bằng văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng để tất cả người dân theo dõi để tham gia giám sát”, ông Đức nói.
Không bấm nút thông qua thì không được, bấm nút thì ấm ức
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, Quốc hội cần chuyển dần từ thảo luận sang tranh luận để làm rõ các nội dung ở từng dự án luật, sau đó đi đến tổng kết và thông qua thì sẽ đạt được hiệu quả cao hơn.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, khi nói về những nội dung thảo luận tôi thấy trong phiên thảo luận tại phiên họp toàn thể hiện nay có một tình hình rất phổ biến đó là phiên truyền hình trực tiếp cử tri nghe, nhận xét đại biểu Quốc hội nào phát biểu cũng rất hay, bài rất hoàn chỉnh và hình như là cơ cấu giống nhau. Chủ tọa kỳ họp nhiều khi cũng đã nhắc nhở nhưng cuối cùng bài đã chuẩn bị sẵn cho nên vẫn phát biểu.
Doanh nghiệp nhà nước được xóa nợ thuế, công bằng ở đâu? |
Ông Sơn nói: “Cử tri nhận xét các bác đại biểu Quốc hội phát biểu hay lắm nhưng giống như chúng em đi xem ca nhạc, các nghệ sỹ hát cùng một bài. Có người có giọng nam, có người giọng nữ, có giọng cao, giọng thấp, giọng bổng, giọng thanh nhưng toàn một bài.
Cho nên nghe một lúc là thôi tắt ti vi vì biết ngay sau là các bác khác phát biểu như vậy. Chúng tôi đề nghị có nên quy định Đại biểu Quốc hội phát biểu tập chung về vấn đề gì đó, nhưng cố gắng không trùng những ý kiến người khác.
Tôi cũng có một suy nghĩ nói điều này các Đại biểu Quốc hội cũng thông cảm cho tôi, tôi thấy ít đại biểu dũng cảm rút bài phát biểu của mình khi thấy giống hệt người khác. Nếu dũng cảm rút đi để cho người khác nói những điều mới thì hay quá, vì cơ hội được đứng ở diễn đàn Quốc hội nói những điều mình canh cánh, nói những điều mà cử tri gửi gắm cho mình thì cũng ít, cho nên người ta nói rồi mình vẫn phải nói lại”.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn đoàn Nam Định. ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội. |
Đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh thì cho biết, khi biểu quyết thông qua một luật, với quy trình hiện nay, không bấm nút không được, mà bấm nút thì ấm ức, bởi vì không được trực tiếp đối thoại với ban soạn thảo, mà chỉ được nghe giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình xong, đồng ý hay không đồng ý cũng không được nói lại, chỉ bấm nút. Thí dụ, chúng ta thông qua phân bổ ngân sách, đọc thấy rất nhiều điều còn muốn làm rõ, nhưng không có cơ hội để làm rõ và phải bấm nút, và không biết trả lời thế nào khi người ta hỏi vấn đề này.
"Con người có ý thức, tư duy làm ra của cải, trụ sở chỉ là hình thức" |
Ông Lịch chia sẻ: "Tôi tham gia Quốc hội từ khóa 9 giai đoạn 92 -97, mới đổi mới. Thời đó quá thiếu mọi thứ, muốn phát biểu cầm cái bản phất phất lên, người nào phất càng mạnh thì chủ tọa chỉ người đó, biết người đó sẽ tranh luận chứ không xếp hàng.
Tôi nhớ khi tôi tranh luận với Bộ trưởng Tư pháp - ông Nguyễn Đình Lộc, khi tôi phất liên tục thì Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Văn Tửu buộc phải gọi tôi phát biểu rồi tranh luận vấn đề. Bây giờ thì không có cơ hội.
Giải quyết thế nào, cách nào để có chuyện đó, để làm sao một vấn đề rất quan trọng mà tranh luận tới cùng. Nhiều vấn đề tôi không biết nhưng tôi nghe những người tranh luận, tôi biết rằng bên nào đúng bên nào sai để tôi ủng hộ, nhưng với điều kiện phải tranh luận đến cùng. Chúng ta có nhiều vấn đề còn rất sống, Quốc hội biểu quyết nhưng vẫn tâm tư.
Đây là vấn đề phải giải quyết nâng cao chất lượng, tôi đề nghị như vậy. Kể cả vấn đề kinh tế - xã hội, việc chất vấn cũng vậy. Chúng ta hành chính hóa cứ quy định 7 phút, 3 phút, 2 phút, 1 phút và xếp hàng thế này thì vô cùng".
Ông Lịch cũng nói rằng: "Nói thật là không biểu quyết thì thiếu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Nhưng biểu quyết một luật mình không đồng ý có 2, 3 điều nhưng phải thông qua, như vậy là không ổn. Tôi xét vấn đề đó, tôi xin thưa rằng, so với Quốc hội Khóa 9 tôi tham gia thì bây giờ chúng ta thụt lùi về phương diện tranh luận làm rõ vấn đề".