Đại gia cũng "ăn mày" cửa Phật?

08/03/2019 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Doanh nghiệp xây chùa, sau đó tung dịch vụ bủa vây trong chùa để kiếm lợi từ tâm linh. Kiểu làm kinh tế này có khác nào "ăn mày" cửa phật.

Các cụ ta có câu “Ăn mày cửa Phật” – một thành ngữ chỉ hành vi lương thiện của những người do hoàn cảnh phải vào nương nhờ nơi chùa chiền hoặc kiếm chút ăn độ nhật. Tương tự với hành vi này, người lên chùa để “xin lộc rơi, lộc vãi”.

Những câu đó bộc lộ bản chất khiêm nhường của người thành tâm, đó là từ ngữ của xứ thiền.

Thượng toạ Thích Minh Quang, Uỷ viên Hội đồng Trị sự, Phó ban kiêm Chánh thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Phó trụ trì thường trực chùa Bái Đính cho biết, Chùa Bái Đính mỗi tháng trả tiền điện hết 700 triệu đồng, một năm gần 10 tỷ đồng tiền điện và 400 con người làm việc tại chùa.

Kinh phí duy trì hoạt động của chùa rất lớn. Mỗi năm, chùa Bái Đính cần 70 đến 80 tỷ đồng để duy trì hoạt động. Số tiền công đức, tiền giọt dầu và các nguồn thu khác chẳng được đến 1/3, vì vậy mà doanh nghiệp Xuân Trường hàng năm vẫn phải đài thọ…

Thế nhưng, cửa phật ngày nay dường như đang trở thành một nơi hái ra tiền với nhiều người khi dịch vụ đi kèm với chùa đang công nhiên thu tiền từ người hành hương bái phật.

Những “siêu dự án” về xây chùa, xây cơ sở thờ tự của doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường thời gian gần đây khiến dư luận, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đã bày tỏ sự lo lắng và đặt ra câu hỏi:

Những cơ sở thờ tự đang phát triển một cách ồ ạt thời gian gần đây tại nhiều vùng trên cả nước có giúp gì cho đời sống của nhân dân hay không?

Có mang lại nguồn thu cho ngân sách cho nhà nước tương xứng với diện tích đất doanh nghiệp được cấp không, hay doanh nghiệp hưởng lợi nhiều nhất?

Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Pháp luật Việt Nam không có cơ sở tôn giáo, chùa chiền nào thuộc sở hữu tư nhân. Các hoạt động thương mại hóa các hoạt động tâm linh đều đi ngược với giáo lý nhà phật.

Tuy nhiên, những công trình nghìn tỷ, rộng hàng trăm, hàng nghìn héc-ta đang có dấu hiệu thương mại hoá, kinh doanh dịch vụ dựa vào tâm linh trở thành một "mảnh ruộng đầy tiềm năng và màu mỡ".

Các khu đất được giao cho doanh nghiệp để xây dựng khu du lịch đều có gắn yếu tố tâm linh, nó cũng đang có biểu hiện mập mờ công, tư, thậm chí đang có biểu hiện lách luật để trục lợi.

Chùa Bái Đính mỗi năm trả gần 10 tỷ đồng tiền điện. (Ảnh:AKA)
Chùa Bái Đính mỗi năm trả gần 10 tỷ đồng tiền điện. (Ảnh:AKA)

Theo thông tin từ phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình, trong dự án Khu du lịch sinh thái Tràng An có khu tâm linh chùa Bái Đính do doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng.

Qua nhiều lần điều chỉnh đến ngày 9/4/2008 dự án này được điều chỉnh diện tích lên đến 2.68,53 ha tổng mức đầu tư là 2.614 tỷ đồng. Đến ngày 15/5/2015, dự án tiếp tục được bổ sung thêm 18 ha tổng đầu tư và vốn đầu tư 17.780 tỷ đồng.

Đại gia cũng "ăn mày" cửa Phật? ảnh 2Đại gia Xuân Trường bán vé dân đi lễ Phật, sao lại đóng dấu Giáo hội Phật giáo?

Không chỉ khu sinh thái Tràng An có diện tích lên đến hàng ngàn héc-ta, khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) lấy tới 5.100 héc-ta; Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) lấy 18.940 héc-ta; Khu du lịch tâm linh tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng)… cũng đều gắn với doanh nghiệp Xuân Trường.

Những dự án này đều có những khu tâm linh với những ngôi chùa hoặc tháp Phật giáo rất lớn.

Và dường như những ngôi chùa trong các dự án du lịch ấy chính là một điểm nhấn rất quan trọng để thu hút hàng vạn du khách, là cơ hội để doanh nghiệp kiếm lời thông qua nhiều dịch vụ khác nhau.

Tuy vậy, các dịch vụ đi kèm do doanh nghiệp tổ chức “bao vây” quanh chùa đang khiến người ta cảm thấy có sự mập mờ “công – tư”.

Đơn cử như tại chùa Bái Đính, khi du khách vào bái phật đã cảm thấy tính thương mại giăng ở khắp nơi.

Đến với chùa Bái Đính bái phật không có gì là miễn phí vì tất cả được tận thu bởi các dịch vụ khác nhau do doanh nghiệp bày ra.

Ma trận dịch vụ bắt đầu từ vé gửi xe (40 nghìn đồng với ô tô, 15 nghìn đồng với xe máy). Vị trí để xe cách chùa tới gần 4km nên buộc du khách phải mua vé xe điện (khứ hồi) là 60 nghìn; dịch vụ hướng dẫn viên từ 300 - 500 nghìn; để vào được bảo tháp bái phật cũng phải trả 50 nghìn mua vé và thậm chí ngay cả đi vệ sinh cũng phải trả tiền. 

Đến nơi cửa Phật còn phải mua vé là hình ảnh hết sức phản cảm, nhưng thực tế ấy đã và đang diễn ra khi doanh nghiệp đang thu tiền ở chốn tâm linh một cách rất trần trụi theo kiểu "tiền trao cháo múc".

Chùa Bái Đính không làm dịch vụ nhưng dịch vụ trong chùa Bái Đính rất nhiều và do doanh nghiệp thu. (Ảnh LC)
Chùa Bái Đính không làm dịch vụ nhưng dịch vụ trong chùa Bái Đính rất nhiều và do doanh nghiệp thu. (Ảnh LC)

Những kiểu móc túi du khách từ dịch vụ trong chùa đang khiến người ta đặt câu hỏi doanh nghiệp Xuân Trường xây chùa to, rước phật lớn về để làm gì?

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch: "Lẽ thường, không ai kinh doanh trên lĩnh vực tâm linh. Cũng không thể có chuyện doanh nghiệp chấp nhận bỏ “tiền tấn” ra đầu tư mà không có lãi...".

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng đã đặt câu hỏi: Trong kinh tế thị trường, chỉ cần không vi phạm pháp luật thì mọi hoạt động đầu tư đều là hợp pháp. Tuy nhiên, trong những dự án đầu tư du lịch gắn với tâm linh hiện nay, cần phải xem xét cái hợp pháp ấy có hợp lý hay không và mục đích là gì? Rất nhiều người đặt câu hỏi chủ đầu tư bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng vào các dự án tâm linh thì nguồn vốn từ đâu, lợi nhuận thu như thế nào?

Kiểu dựa vào chùa để làm ăn, kiếm lời dường như đang rất thịnh hành thời gian gần đây. Đành rằng doanh nghiệp đầu tư vào làm du lịch thì cũng phải tính tới giá trị kinh tế.

Đại gia cũng "ăn mày" cửa Phật? ảnh 4Ma trận dịch vụ khi đến chùa Bái Đính, không có tiền đừng mong lễ Phật

Thế nhưng, “ăn mày cửa Phật”, nhặt lộc rơi, lộc vãi cũng vì mục đích kinh tế đấy mà nó an nhiên, thánh thiện biết bao nhiêu, thì những kiểu làm ăn dựa vào cửa Phật để kiếm lợi đang khiến người ta cảm giác niềm tin của mình bị biến thành phương tiện lợi dụng và bị móc túi một cách công nhiên mà chẳng biết trách ai.

Bên cạnh đó, chính đại diện nhà chùa vẫn đang kêu khó vì phải duy trì hoạt động một cơ sở thờ tự hoành tráng với hàng trăm con người đang lao động, mỗi năm phải mất ngót trăm tỷ đồng kinh phí.

Nhà chùa kêu khó nhưng doanh nghiệp vẫn thu tiền du khách rất... bình thường.

Cố Trưởng lão Thích Thông Lạc (Viện trưởng Tu Viện Chơn Như) đã từng nói: “Vì lấy con người làm gốc, nên Phật giáo phải xây dựng con người. Xây dựng con người để trở thành những kỳ quan thế giới bằng chất liệu đức hạnh không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh....

Phật giáo chủ trương như vậy, vì lấy con người làm gốc, nên người nào đi ngược lại, xây dựng chùa to, Phật lớn thì không phải Phật giáo, mà là Thần đạo, là đạo mê tín, là đạo lường gạt con người”…

Đại gia đang xây chùa to, chùa lớn để tạo hiếu kì và lợi dụng đức tin của phật tử để kiếm lời?

Hơn 50 người nhận lương chỉ để viết công đức

Thượng toạ Thích Minh Quang, phó trụ trì chùa Bái Đính nói: “Toàn bộ mấy chục người để viết công đức đều phải trả lương hết. Tất cả là hơn 50 người, được trả lương hàng tháng, mua bảo hiểm bình thường. Trước Tết lương của những người này là 4 triệu đồng/tháng, vừa rồi mới tăng lên 4,5 triệu đồng/tháng. Người viết công đức rất là vất vả, người ta phải ngồi rất nhiều…”.

Tài liệu tham khảo: https://ngaynay.vn/special-today/chua-bai-dinh-thieu-tien-hoat-dong-nen-doanh-nghiep-phai-dai-tho-141278.html

Trần Phương