Đại học công chỉ nên làm những gì luật cho phép, tập trung vào sứ mệnh

02/10/2021 06:39
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Võ Văn Tuấn cho rằng, trường công lập nên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép còn trường tư thục được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

LTS: Hiện nay, đa số các trường đại học công lập đều hướng tới đào tạo đa ngành vì nhiều nguyên nhân khác nhau và điều đáng nói là ở nhiều trường chỉ tiêu tuyển sinh của những ngành mới mở cao hơn rất nhiều so với ngành học mũi nhọn truyền thống.

Để hiểu hơn về bức tranh giáo dục đại học, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang.

Phóng viên: Xu hướng là phát triển đại học đa ngành tuy nhiên điều này đặt ra lo ngại rằng, liệu các trường đại học công lập mở nhiều ngành nghề đào tạo như vậy có còn phù hợp với sứ mệnh thành lập và chiến lược phát triển hay mục tiêu chính là tuyển được nhiều người học trong bối cảnh tự chủ tài chính. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn: Việc các trường đại học công lập mở đa ngành đào tạo đã được dự báo từ nhiều năm trước. Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung (Luật 34/2018) cho phép các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.

Tuy nhiên, theo tôi mỗi trường vẫn cần xác định trọng tâm và sứ mệnh đào tạo của mình để định hướng quy mô ngành nghề phù hợp. Chưa kể, việc nghiên cứu mở rộng ngành là một chuyện còn việc đào tạo giảng dạy, cung cấp cơ sở vật chất phù hợp, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi ra trường là một chuyện khác.

Bởi với cơ sở vật chất và đội ngũ giảng dạy nguyên bản, tập trung vào các chuyên ngành đặc trưng, nếu không nâng cấp, điều chỉnh thì không đáp ứng được yêu cầu đối với các ngành mới. Đồng thời, cũng cần xem xét yếu tố thương hiệu của trường trong mỗi lĩnh vực để đảm bảo cơ hội việc làm cho sinh viên khi ra trường.

Thời gian qua, dư luận phản ánh về việc nhiều trường công lập mang sứ mệnh đào tạo và nổi danh với một nhóm ngành, chẳng hạn kỹ thuật, công nghệ; nay mở thêm khối ngành kinh tế với chỉ tiêu tuyển sinh cao. Điều này khiến phụ huynh/ sinh viên đặt câu hỏi, cũng như có thể ảnh hưởng đến uy tín của trường nếu không đáp ứng đầy đủ điều kiện giảng dạy và việc làm cho sinh viên.

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang (ảnh: NVCC)

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn – Phó Hiệu trưởng thường trực Trường Đại học Văn Lang (ảnh: NVCC)

Cần đánh giá toàn diện để xác định một trường đại học mở ngành mới phù hợp hay không nhưng trước mắt, nếu đại học mở rộng mã ngành chỉ để chạy theo xu hướng thu hút tuyển sinh thì quan điểm cá nhân tôi không ủng hộ. Dù trường công hay tư thì đều cần nhìn nhận về mặt vĩ mô, xác định sứ mệnh, chuyên môn và hiệu quả đào tạo trước khi quyết định mở ngành mới để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho xã hội, cho đất nước.

Được biết điều kiện khi mở ngành là khả năng đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để đảm bảo chất lượng đào tạo rồi tỷ lệ việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp... Vậy khi tuyển vượt 5-8 lần so với chỉ tiêu được duyệt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ra sao, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn: Như tôi đã chia sẻ, các trường đại học công lập được phép tự chủ mở rộng ngành đào tạo, chỉ cần đảm bảo đầy đủ các điều kiện: chương trình đào tạo; quy mô đào tạo; chất lượng và năng lực đào tạo theo quy định của nhà nước.

Vấn đề đặt ra là, ngành đào tạo mới có phù hợp với chiến lược phát triển, sứ mệnh thành lập và chuyên môn giảng dạy của trường hay chỉ là chạy theo xu hướng, thu hút tuyển sinh trong bối cảnh các trường công lập tự chủ tài chính.

Trường đại học công lập không chỉ là nơi đào tạo sinh viên, cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho xã hội, mà còn là nơi đại diện cho nền giáo dục Việt Nam, bộ mặt nước nhà. Nếu các trường công lập cứ tuyển sinh ồ ạt, ngành nghề mơ hồ nhưng chất lượng đầu ra không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn và kéo dài.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, trường đại học công lập chủ trương chính sách đào tạo chuyên về khối ngành nào, cần tiếp tục duy trì và phát triển khối ngành đó. Đó là ưu tiên đầu tiên để tạo nên những mũi nhọn đào tạo cho quốc gia. Việc mở rộng đa ngành nghề cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự điều phối tổng thể của cơ quan quản lý giáo dục nếu cần.

Xu hướng, hoạt động giảng dạy đa ngành ở các trường tư nhân có những đặc điểm riêng. Bởi trường tư có nguồn vốn từ các doanh nghiệp riêng lẻ, đa phần đào tạo theo định hướng ứng dụng, được mở rộng ngành đào tạo theo quy định của pháp luật khi đáp ứng đầy đủ năng lực đào tạo, điều kiện giảng dạy. Trường tư phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc đào tạo sinh viên bởi khi xảy ra bất kỳ vấn đề tiêu cực nào, hình ảnh, thương hiệu và lo lắng lớn nhất là nguồn thu của các trường sẽ bị ảnh hưởng .

Tôi ví dụ, như khi Trường Đại học Văn Lang quyết định tuyển sinh ngành Răng Hàm Mặt, chúng tôi đã phải suy xét và đầu tư rất nhiều để đảm bảo yêu cầu chất lượng ngay từ khóa đầu tiên với các thiết bị, máy móc triệu đô, đội ngũ giảng dạy đầu ngành, chương trình đào tạo tiên tiến, công nghệ giảng dạy hiện đại, để có thể đào tạo một thế hệ sinh viên chất lượng. Nếu không có sự đầu tư tính toán kỹ lưỡng, khi có một vấn đề nào đó xảy ra, trường chúng tôi sẽ phải chịu tổn thất nặng nề về uy tín và hình ảnh.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, trường công lập nên chỉ được làm những gì pháp luật cho phép còn trường tư thục được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

Ngân hàng Thế giới đã từng đưa ra khuyến cáo, để phát triển trường tư thì nên hạn chế quy mô trường công. Khi đó một trong những giải pháp là các trường công nên tuyển sinh đúng ngành theo sứ mệnh của trường đó, bỏ bớt những ngành không thiết yếu, không đảm bảo chất lượng, “dành đất” cho trường tư phát triển. Nếu làm được như vậy thì theo ông bức tranh giáo dục đại học sẽ có chuyển biến tích cực như thế nào?

Tiến sĩ Võ Văn Tuấn: Như quan điểm ban đầu, tôi cho rằng các trường đại học công lập trước tiên vẫn cần đầu tư, phát triển các ngành đào tạo chuyên môn theo đúng sứ mệnh nhà nước giao phó, để cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng, mũi nhọn.

Với bức tranh giáo dục tổng thể như khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới thì trường đại học công lập và trường đại học tư nhân có thể cùng nhau hoạt động và phát triển. Trong đó, các trường đại học công lập chủ trương đào tạo nhóm ngành đặc thù, mũi nhọn quốc gia còn trường đại học tư nhân thúc đẩy phát triển các nhóm ngành đa dạng khác nhau theo nhu cầu thị trường.

Như vậy, cả hai nhóm trường đều có những cộng hưởng, phô bày thế mạnh và thúc đẩy tích cực cho nhau. Tôi nghĩ đây là một mô hình đáng để cho cơ quan quản lý giáo dục tham khảo và hoạch định.

Về bản chất, rõ ràng, để có sự cạnh tranh công bằng, trường đại học công lập và tư nhân đều phải ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, uy tín chuyên môn, hình ảnh thương hiệu, đội ngũ giảng viên… Theo đó, trường nào đào tạo tốt, chất lượng ổn định, tạo dựng được niềm tin thì sinh viên sẽ lựa chọn học tập. Bối cảnh tự chủ giáo dục đại học cũng đang tạo ra xu hướng phát triển như thế.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Võ Văn Tuấn.

Thùy Linh