Tháng 4/2017, Đại học Quốc gia Hà Nội phát động cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2017” với mong muốn khuyến khích sự sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh, khơi dậy và ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp của cán bộ, giảng viên, sinh viên trong Nhà trường.
Và tạo không gian sáng tạo cho cán bộ, giảng viên, sinh viên thông qua việc lập các dự án từ ý tưởng khởi sự doanh nghiệp khoa học công nghệ, có cơ hội trải nghiệm thực tế để đúc rút kinh nghiệm, kiến thức về khởi nghiệp dựa vào khoa học công nghệ.
Được biết, sau khi nhận được các ý tưởng đăng ký tham dự cuộc thi, Ban tổ chức cuộc thi đã tổ chức họp Hội đồng sơ tuyển dựa trên các tiêu chí: tính độc đáo, sáng tạo; tính khả thi; tính bền vững và ý nghĩa của ý tưởng đối với xã hội, Hội đồng đã lựa chọn được 8 ý tưởng tham dự vòng chung kết của cuộc thi.
Đến ngày 15/5, vòng thi chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2017” chính thức diễn ra, theo thể lệ ở vòng thi này, mỗi đội có 10 phút để thuyết trình về ý tưởng của mình và 10-15 phút để trả lời các câu hỏi của Ban Giám khảo.
Phó giáo sư Lê Quân – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp (Ảnh: VNU) |
Phát biểu tại vòng thi chung kết, Phó giáo sư Lê Quân – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin, giai đoạn từ năm 1991-2000 là những năm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng các doanh nghiệp, đặc biệt khi năm 2016 vừa qua, chúng ta có hơn 100.000 doanh nghiệp được thành lập.
“Đây là tín hiệu tốt của một đất nước đang phát triển”, Phó giáo sư Lê Quân nhấn mạnh.
Giáo sư, cái quần đùi và sự sáng tạo |
Tuy nhiên, ông Quân cũng cho rằng, để hướng đến cạnh tranh và phát triển thì doanh nghiệp phải gắn liền với đổi mới sáng tạo bởi chỉ có sáng tạo mới tạo ra được những doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh, chiếm lĩnh thị trường và thành công nhanh chóng ở cả trong nước và quốc tế.
Giữa bối cảnh công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và phát động phong trào thanh niên khởi nghiệp toàn quốc tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội, lãnh đạo Nhà trường đã xây dựng đề án “Hệ sinh thái khởi nghiệp” trong Đại học Quốc gia Hà Nội trên tinh thần, không phát triển doanh nghiệp sở hữu Nhà nước thay cho doanh nghiệp bao cấp mà dựa vào nền tảng nhân lực, khoa học công nghệ, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, đội ngũ các nhà khoa học và sinh viên để ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp, ý tưởng sáng tạo để các doanh nghiệp dần dần phát triển lớn lên, đóng góp cho xã hội.
Lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng lưu ý rằng: “Chúng tôi không quan trọng Nhà trường sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn trong các doanh nghiệp do Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập mà chúng tôi quan trọng có bao nhiêu doanh nghiệp được thành lập trong đó có vai trò của Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ và tạo điều kiện”.
Sau cuộc thi, kết quả chung cuộc như sau:
- Giải Nhất thuộc về Ý tưởng "Sản xuất Bio-SAP phụ phẩm nông nghiệp" của nhóm Tiến sĩ Phan Thị Tuyết Mai, Phó giáo sư Phạm Ngọc Lân, Nguyễn Anh Ngọc, Ngô Thị Sen, Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
- Giải Nhì: - Ý tưởng "Trung tâm Giáo dục xanh" của nhóm Nguyễn Thị Kim Thanh, Nguyễn Huy Hoàng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên.
- Ý tưởng "Xây dựng phần mềm kết nối nông dân với nhà đầu tư và người tiêu dùng" của nhóm Trần Thị Thanh Tú, Nguyễn Huy Hoàng, Trần Thị Hoàng Yến, Trường Đại học Kinh tế.
- Giải Ba: - Ý tưởng "Thiết kế phần mềm D-SMART tra cứu thông tin thuốc trên điện thoại smartphone" của nhóm Nguyễn Thị Giang, Hồ Thị Thu Hà, Lê Thị Thanh Hoa, Lưu Thị Huyền Trang, Khoa Y dược.
- Ý tưởng "Module điều khiển và giám sát các thông số môi trường phục vụ trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao" của nhóm Bùi Đình Tú, Trần Văn Hiệp, Trường ĐHCN
- Ý tưởng "VNU-SMM: Hệ thống tự động phân tích dữ liệu truyền thông xã hội trực tuyến phục vụ quản lý và hỗ trợ ra quyết định trong kinh tế, chính trị, giáo dục và xã hội" của nhóm Phan Xuân Hiếu, Trần Mai Vũ, Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Minh Đức, Vương Thị Hồng, Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trường Đại học Công nghệ.
Ban giám khảo chụp ảnh lưu niệm cùng các đội thi (Ảnh: VNU) |
Đánh giá về các ý tưởng khởi nghiệp này, Phó giáo sư Lê Quân nêu quan điểm, công nghệ thông tin và ứng dụng khoa học công nghệ là hai lĩnh vực rất tiềm năng để khởi nghiệp và đó cũng là các thế mạnh của các nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội.