Tân Chủ tịch, các Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ra mắt tại Đại hội II. ảnh: Tùng Dương |
Tham dự Đại hội của Hiệp hội có Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Phan Thanh Bình; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Phạm Tất Thắng.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Hoàng Minh Sơn.
Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - Vũ Minh Đức.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) - Nguyễn Đắc Hưng.
Đại diện Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Cựu giáo chức Việt Nam cùng các chuyên gia giáo dục và hơn 300 đại biểu đến từ các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên cả nước.
Các đại biểu tham dự Đại hội Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương) |
Khai mạc Đại hội, Giáo sư Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020 cho biết, Hiệp hội hiện nay đã tập hợp được gần 400 đại học, trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc.
Giáo sư Trần Hồng Quân kỳ vọng: "Ở nhiệm kỳ 2, Hiệp hội mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên, sự ủng hộ các bộ, ban ngành để Hiệp hội làm tốt hơn nữa công việc của mình".
Các đại biểu tham dự Đại hội (ảnh: Tùng Dương) |
Tại Đại hội, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã thống kê lại những dấu ấn của Hiệp hội trong nhiệm kỳ 2015-2020.
Tới chúc mừng đại hội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu bày tỏ tin tưởng rằng, ở nhiệm kỳ 2020-2025 Hiệp hội sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả, hiệu quả hơn nữa trong sự nghiệp phát triển hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng Việt Nam.
Đại hội II diễn ra trong tình hình dịch Covid 19 vẫn chưa chấm dứt tại Việt Nam, đồng thời tình hình lũ lụt ở miền Trung Tây Nguyên vẫn bị ảnh hưởng nặng nề, vì vậy số đại biểu về dự đại hội không được đông đủ như Đại hội lần I, chỉ đạt 80% số hội viên.
Ngày 3/12, phiên chính thức Đại hội toàn thể lần thứ II của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. (ảnh: Tùng Dương) |
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 93 thành viên, giảm 54 thành viên so với số ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ I. Đây là chủ trương của Đại hội II nhằm cơ cấu Ban Chấp hành gọn nhẹ hơn, thực chất hơn. Đại hội cũng bầu Ban Kiểm tra gồm 7 vị.
Ban Chấp hành Khóa II đã họp phiên đầu tiên để bầu Ban Thường vụ gồm 44 ủy viên, giảm 19 người so với số ủy viên Ban Thường vụ nhiệm kỳ I. Tinh thần cũng theo phương châm gọn nhẹ, hiệu quả hơn.
Ban Chấp hành đã bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hiệp hội nhiệm kỳ II. Theo đó.
Chủ tịch là: Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương;
11 Phó Chủ tịch gồm:
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ; Phó giáo sư Hoàng Minh Sơn; Phó giáo sư Trần Quang Quý; Tiến sĩ Lê Trường Tùng; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến; Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo; Phó giáo sư Nguyễn Hoàng Hải; Phó giáo sư Nguyễn Minh Tâm; Phó giáo sư Lê Quang Sơn; Giáo sư Hà Thanh Toàn; Viện sỹ Trình Quang Phú.
Nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội đặt ra một số phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - tân Chủ tịch Hiệp hội cho biết:
Trong 5 năm tới, Hiệp hội đặt phương hướng tập hợp lực lượng từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và hoạt động xã hội, phối hợp với các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận và Đoàn thể, chủ động tham gia xây dựng và thúc đẩy thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đại học ngày càng có chất lượng và hiệu quả cao hơn của một nền giáo dục Việt Nam: nhân bản - khoa học - khai sáng và phát triển. Trong đó, cần bám sát các chủ trương của Đảng và Nhà nước, cập nhật kịp thời tri thức thời đại về khoa học giáo dục.
Còn về nhiệm vụ, Hiệp hội sẽ tích cực hỗ trợ và chia sẻ về thông tin, tri thức, góp phần xây dựng môi trường và điều kiện phát triển, thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ các quyền lợi chính đáng và môi trường bình đẳng cho các tổ chức thành viên.
Đồng thời, Hiệp hội cần tham gia tư vấn cho các cơ quan liên quan của Đảng và Nhà nước về mặt chiến lược và chính sách, phối hợp và gắn bó với họ để cùng hành động vì lợi ích chung của nền giáo dục nước nhà. Các ý kiến khác nhau cần được thảo luận cởi mở, chân thành, cầu thị và xây dựng.
Đặc biệt, tham gia xây dựng và thực hiện chiến lược Phát triển giáo dục đại học, trong đó có việc quy hoạch mạng lưới đại học và cao đẳng mà Chính phủ đã có chủ trương gần đây, tư vấn và đề xuất về chủ trương chuyển đổi một số trường công lập đang gặp khó khăn lớn về tuyển sinh sang trường hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Góp phần tạo nhận thức chung về vai trò của mạng lưới và hệ thống đại học của một quốc gia, sự quan tâm xây dựng môi trường bình đẳng về đầu tư và cơ chế chính sách.
Nỗ lực góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học. Đây là việc lớn đối với hệ thống đại học. Không có tự chủ hoặc chưa được tự chủ thì coi như chưa có đại học thật sự theo đúng nghĩa. Chỉ có sự tự chủ mới bảo đảm tính năng động, sáng tạo cho hoạt động giáo dục của tập thể nhà trường nhằm tạo ra chất lượng và hiệu quả cao hơn. Quyết tâm thực hiện chủ trương đúng đắn này là việc hết sức cần thiết, đòi hỏi tâm huyết, bản lĩnh và cả phương pháp tốt nữa.
Hiệp hội tham gia xây dựng một hệ thống giáo dục mở, thực học, liên thông và hiệu quả, không bị cắt khúc và khu trú riêng trong từng khối, từng phần, trong đó có tư duy mở, cơ chế mở, dữ liệu mở, cấp phép mở, gắn với công nghệ thông tin, kết nối và số hóa, gắn với tham gia xây dựng xã hội học tập. Đây là vấn đề mới mẻ và rất quan trọng cho trước mắt và cho lâu dài, vì sự phát triển của con người, của các thế hệ và của cả một dân tộc có năng lực ở thứ bậc cao hơn.
Phát triển khoa học giáo dục của Việt Nam là một nhiệm vụ lớn và cấp bách, nhằm tạo nền tảng về nhận thức để từ đó làm cơ sở cho việc giải quyết công việc trong thực tiễn. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng và chia sẻ kiến thức, còn có việc làm sách, viết sách, dịch thuật, hợp tác xuất bản và phát hành, tổ chức truyền thông.
Cùng với phát triển khoa học giáo dục, công tác tư vấn và chuyên gia là yêu cầu khách quan. Hiệp hội sẽ tổ chức một nhóm cán bộ khoa học và quản lý trẻ có triển vọng để họ tham gia vào công việc tư vấn.
Việc xây dựng các câu lạc bộ chuyên ngành, chuyên lĩnh vực từ các tổ chức và cá nhân thành viên, các nhà khoa học và quản lý như đã làm trong nhiệm kỳ I cần tiếp tục thực hiện, vừa củng cố vừa mở rộng thêm, thường xuyên rút kinh nghiệm để uốn nắn và hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động có ích.
Để có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, việc tiếp tục phát triển hội viên, tổ chức xây dựng Hội là công việc rất quan trọng. Trong đó, có vấn đề về phát triển hội viên là các trường quốc tế và các cá nhân người nước ngoài đang sống và hoạt động giáo dục ở Việt Nam. Bộ máy của Hiệp hội cần phù hợp với yêu cầu công việc, tinh gọn và năng động là yêu cầu cần được thảo luận chuyên đề để kế thừa, tiếp tục xây dựng và điều chỉnh hoàn thiện.
Cuối cùng, Quỹ Hội cần được quan tâm xây dựng để có nguồn tài chính cho chi tiêu thường xuyên và hoạt động khoa học. Cần phải có kế hoạch và phương pháp, trước mắt và lâu dài cho việc xây dựng quỹ Hội, tạo thành nề nếp, phù hợp với quy định của luật pháp và xu thế tiến bộ của cộng đồng văn minh, có tầm nhìn chung về giáo dục, cộng với cách tổ chức quản lý minh bạch và hiệu quả.