Chuyển học sinh để lên chuẩn, vậy danh hiệu trường chuẩn quốc gia để làm gì?

29/06/2022 09:06
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đang có các loại chuẩn, tiêu chuẩn trong giáo dục không phát huy được tính sáng tạo, tính chủ động của cơ sở giáo dục.

Mới đây, nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tỏ ra vô cùng bất ngờ và bức xúc sau khi nhận được thông báo về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023 để sắp tới nhà trường đủ điều kiện lên chuẩn quốc gia.[1]

Theo đó, nhiều phụ huynh cho biết, các học sinh thuộc diện bị điều chuyển đang theo học tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt là đúng tuyến hộ khẩu đã được phân từ năm 2019 đến nay.

Chia sẻ trên Danviet.vn, một phụ huynh cho biết nhà trường còn lấy lý do Trường Tiểu học Hoàng Liệt thực hiện chủ trương lên trường chuẩn quốc gia nên bắt buộc phải giảm số lượng học sinh hiện có của trường, trong khi đó kế hoạch chuyển các con sang Trường Tiểu học Chu Văn An đến thời điểm này chưa có và Trường Tiểu học Chu Văn An nhiều năm nay vốn đã quá tải khi sĩ số học sinh luôn duy trì từ 55-60 học sinh/một lớp, các học sinh của trường Chu Văn An chỉ được học bốn ngày (8 buổi)/một tuần, và các lớp thay nhau nghỉ luân phiên các ngày trong tuần.

"Nếu chỉ vì 1 trường lên chuẩn mà đẩy các trường khác phải chịu áp lực trong giảng dạy và học tập do không đủ điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ...), cách xa chuẩn sẽ không nâng cao được chất lượng giáo dục nói chung. Do vậy chúng tôi không đồng ý với cách làm này", một phụ huynh bức xúc.[1]

Thực tế không phải đến vụ việc xảy ra tại Trường Tiểu học Hoàng Liệt mà danh hiệu trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay cũng đang là vấn đề gây nên tranh cãi.

Danh hiệu này có mang tính hình thức, cứng nhắc, có phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn hay không là vấn đề cần phải có đánh giá, xem xét của cơ quan quản lý.

Là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, người viết kiến nghị nên xem xét lại có cần duy trì danh hiệu trường chuẩn quốc gia.

Dư luận trong thời gian qua đã phản ánh "góc khuất" mang tên "trường chuẩn quốc gia", báo tuoitre.vn viết "Bằng mọi giá để đạt “chuẩn quốc gia”, giáo viên bị quá tải?", "Ám ảnh trường "chuẩn quốc gia"!"....

Khi trường học nào đó được khoác trên mình danh hiệu “trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3” như một điều hiển nhiên phải nổi trội hơn các trường khác, dù thực chất không có được điều đó.

Thế là mọi hoạt động ở trường phải chạy đua, phải gồng mình lên để theo kịp những cái danh vừa đạt được. Cứ như việc trường lên hạng, mọi thứ bỗng chốc buộc phải lên hạng theo. Như tỉ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%...[2]

Không ít tiêu chí, tiêu chuẩn để đạt trường chuẩn quốc gia đang được xem là quá khó thế nhưng các địa phương trên cả nước “thi đua” "xây dựng" trường chuẩn quốc gia. Vụ "hàng trăm học sinh bị "đẩy" đi nơi khác để trường lên chuẩn quốc gia" là "minh chứng" điển hình. Thực tế, ở khu vực đô thị như Thành phố Hà Nội, để có sĩ số đạt được tiêu chuẩn 35 học sinh/lớp, không quá 30 lớp/trường là điều không dễ.

Bệnh thành tích mang tên trường chuẩn quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn)

Bệnh thành tích mang tên trường chuẩn quốc gia. (Ảnh minh hoạ: Sggp.org.vn)

Và khi đã đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, các cơ sở giáo dục tìm mọi cách để duy trì danh hiệu, đây là lúc “bệnh thành tích” được các cơ sở chủ động “nuôi nấng”, học sinh không còn quyền ở lại lớp, tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá, giỏi năm sau... phải cao hơn năm trước.

Vô hình trung, danh hiệu trường chuẩn quốc gia là nguyên nhân gây bệnh thành tích, khi đó danh hiệu này không có tác dụng nâng cao chất lượng giáo dục

Khi trường học nào được công nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia, nhà trường được cấp kinh phí, long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Đây cũng là một sự lãng phí.

Theo quan điểm của người viết, trường công lập phải đảm bảo quyền học tập cơ bản cho học sinh.

Cùng là trường công, trường chuẩn quốc gia thì 35 học sinh/lớp, trường chưa đạt chuẩn có thể đến 40-50 học sinh/lớp ở các khu vực thành thị. Vậy nó có đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục công?

Lớp học sĩ số 40-50 học sinh chắc chắn giáo viên không thể quan tâm tới từng học sinh bằng lớp sĩ số 35 học sinh. Không phải thầy cô không tâm huyết mà thời gian tiết dạy, buổi học chỉ có thế, thầy cô không thể "phân thân" được.

Điều mà không ít người lo ngại là việc chạy "đua" lên trường chuẩn quốc gia sẽ nảy sinh bệnh thành tích mang tên "trường chuẩn quốc gia".

Đã có hiệu trưởng vi phạm pháp luật, lạm thu, lấy danh hiệu trường chuẩn quốc gia làm "bình phong", ở địa phương là xã nghèo như ở Trường Tiểu học Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên)[3].

Thực trạng này cũng đã được phản ánh qua qua loạt bài viết "Dấu hỏi lớn cho 22 trường đạt chuẩn quốc gia ở Vĩnh Thuận", "Vì danh hiệu “trường chuẩn quốc gia”, Trưởng phòng giáo dục chấp nhận vi phạm"... đã từng được phản ánh trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Vì vậy, theo người viết đã đến lúc, cần nghiêm túc đánh giá lại việc có cần duy trì danh hiệu trường chuẩn quốc gia? Nếu bỏ danh hiệu này sẽ giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục, cho giáo viên, chắc chắn nhận được sự đồng thuận của giáo viên nói riêng, xã hội nói chung, góp phần xây dựng nền giáo dục trung thực.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://danviet.vn/thong-tin-moi-vu-hang-tram-hoc-sinh-bi-day-sang-noi-khac-de-truong-len-chuan-quoc-gia-20220627055846045.htm

[2]https://tuoitre.vn/bang-moi-gia-de-dat-chuan-quoc-gia-giao-vien-bi-qua-tai-1076224.htm https://tuoitre.vn/am-anh-truong-chuan-quoc-gia-1075393.htm

[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hieu-truong-truong-tieu-hoc-thu-trai-quy-dinh-hon-3-ty-dong-406053.html

- Chỉ thị số 08/CT-TTg, Thông tư số 59/2012/TT-BGDĐT, Thông tư Số: 18/2018/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai