Dân tộc không thể đứng vững nếu thiếu nền tảng tri thức

08/11/2012 20:28
Xuân Trung
(GDVN) - Một dân tộc không thể đứng vững nếu không có nền tảng tri thức. Một xã hội khó có thể tồn tại và phát triển nếu không có những người thầy – những người “chở đạo”, “trồng người”, ươm mầm tri thức. Vì vậy, “tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học đã trở thành một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Việt, là thước đo phẩm chất nhân bản của dân tộc, thước đo giá trị đạo đức của mỗi con người.
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm trở thành ngày lễ quan trọng, không phải chỉ với những người làm công tác giáo dục và đào tạo mà còn là dịp để các thế hệ học trò, cũng như toàn xã hội thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thầy cô giáo. 
Một dân tộc không thể đứng vững nếu không có nền tảng tri thức. Một xã hội khó có thể tồn tại và phát triển nếu không có những người thầy – những người “chở đạo”, “trồng người”, ươm mầm tri thức. Vì vậy, “tôn sư trọng đạo”, truyền thống hiếu học đã trở thành một trong những nét đẹp nhất của văn hóa Việt, là thước đo phẩm chất nhân bản của dân tộc, thước đo giá trị đạo đức của mỗi con người. Nét đẹp ấy được kết tinh, hun đúc từ trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc và vẫn tiếp tục được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Vinh danh 30 thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, có đóng góp lớn cho công tác đoàn, hội.
Vinh danh 30 thầy cô giáo trong sự nghiệp trồng người, có đóng góp lớn cho công tác đoàn, hội.

Tiếp bước các thế hệ đi trước, trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, chính các thầy cô giáo là những người từng ngày nuôi dưỡng và phát triển văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc, khai trí, luyện đức, rèn tâm cho hơn 20 triệu học sinh và sinh viên nước nhà. Chính các thầy cô giáo với sứ mệnh vẻ vang của mình đã góp phần đắc lực trong việc đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, để đất nước phát triển nhanh và bền vững bằng trí tuệ Việt Nam.

Sáng nay (8/11), Thành đoàn Hà Nội đã long trọng kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo cách mạng Việt Nam (20/11/1982-20/11/2012). Buổi vinh danh 30 nhà giáo đến từ các trường đại học, các trường THPT, THCS trên địa bàn Hà Nội là một sự tri ân sâu sắc nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. 

Anh Trần Anh Tuấn – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội cho biết, phía sau mỗi thành công của đời người bao giờ cũng là bóng dáng của những người thầy, phía sau vinh quang của những học trò chính là tâm huyết của những người thầy. Tri ân tấm lòng và công lao của các thầy cô giáo, không gì khác hơn là thành quả học tập, những bước trưởng thành của mỗi chúng ta. 

Cô giáo Nguyễn Thúy Nga, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) bên học sinh của mình, em Nguyễn Phương Linh.
Cô giáo Nguyễn Thúy Nga, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) bên học sinh của mình, em Nguyễn Phương Linh.

Trong buổi tuyên dương sáng nay, cô giáo Nguyễn Thúy Nga, giáo viên Trường THPT Trương Định (Hà Nội) không khỏi xúc động khi nói về nghề dạy người của mình “Nghề giáo là nghề có nhiều vất vả, không đơn thuần chỉ là 1-2 giờ lên lớp. Những nghề khác xong việc có thể về nhà nghỉ ngơi nhưng với nghề giáo, đi làm về còn nhiều điều phải lo. Tuy vậy, cũng có những niềm vui từ học trò của mình, mỗi khi nhận được tin nhắn chúc mừng”.

Theo cô Nga, nghề giáo vất vả như vậy nên tôn chỉ xuyên suốt phải có lòng thương yêu, biết chia sẻ với người khác mới có thể vượt qua được khó khăn. Nhất là đối với học sinh cấp 3, ở lứa tuổi này các em đang độ lớn, có nhiều tác động từ bên ngoài, nhiều lúc các em có những hành động rất bột phát, mặc dù trong lòng các em không nghĩ thế. Tuy vậy, đừng vì thế mà ghét bỏ các em, làm như vậy nghề giáo sẽ không thành công được. 

Cũng trong sáng nay, Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó của Thủ đô Hà Nội cũng đã trao 260 suất học bổng cho HSSV nghèo, vượt khó trong cuộc sống (137 suất dành cho sinh viên, mỗi suất 1 triệu đồng và 123 suất cho học sinh trung học, mỗi suất 500.000 đồng). 
Bà Chu Thị Anh Đào (thứ hai từ trái qua - Giám đốc Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó Thủ đô nhận bằng khen do có những đóng góp lớn vào sự nghiệp trồng người.
Bà Chu Thị Anh Đào (thứ hai từ trái qua - Giám đốc Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó Thủ đô nhận bằng khen do có những đóng góp lớn vào sự nghiệp trồng người.

Chia sẻ với những nhà giáo có mặt tại đây, bà Chu Thị Anh Đào – Giám đốc Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó cho biết, xuất phát từ lòng yêu thương người nghèo khổ, với những trẻ mồ côi, ngay bản thân bà cũng có một thời thơ ấu vất vả nên đã thành lập quỹ này. 

Đã 15 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó của Thủ đô đã đến với nhiều tập thể, cá nhân, hàng nghìn suất học bổng bằng các hình thức đã được trao. 

“Làm sao trong lúc khó khăn như thế này mong mọi người mở tấm lòng một chút, tôi chỉ mong cho xã hội được yên bình, đời sống mọi người được yên vui, việc làm của tôi cũng chỉ mong cho các em HSSV nghèo khó không bỏ dở sự nghiệp đến trường” bà Đào nhấn mạnh. 

Nhân dịp này, Ngân hàng Vietinbank thông qua Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó đã trao 200 suất học bổng trị giá 2 trăm triệu đồng. Bà Lê Chu Thùy Quyên – Chủ tịch HĐQT Công ty AIC trao tặng các em HSSV nghèo 50 triệu đồng.

Trong 15 năm hoạt động, Quỹ hỗ trợ HSSV nghèo, vượt khó đã vận động quyên góp các tổ chức cá nhân, nước ngoài với số tiền 9 tỷ đồng. Lập nhà tình thương nuôi 30 trẻ mồ côi đến từ các tỉnh trong cả nước với trị giá hơn 80.000 USD.

Xuân Trung