Đăng ký xét tuyển thí sinh cần lưu ý mức học phí, tránh bất ngờ khi vào trường

08/06/2022 06:53
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để giải bài toán học phí, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà cho rằng, các trường cần đẩy mạnh chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên.

Thực hiện cơ chế tự chủ và áp dụng khung mới, năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gấp đôi so với năm 2021.

Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí năm 2022-2023 của chương trình đào tạo chuẩn dao động trong khoảng 22-28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH nằm trong mức 40-45 triệu đồng/năm.

Chương trình đào tạo Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thông tin Việt - Pháp, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí 50-60 triệu đồng/năm, chương trình Tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế 45-50 triệu đồng/năm; chương trình đào tạo quốc tế 55-65 triệu đồng/năm, chương trình TROY (học 3 kỳ/năm) khoảng 80 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, tại khối các trường Y, Dược, học phí dự kiến cũng tăng vọt, thậm chí có trường sẽ tăng trên 70% so với năm học trước như Trường Đại học Y Hà Nội.

Cần có lộ trình tăng học phí phù hợp

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, do tình hình dịch Covid-19 tác động đến nhiều gia đình nên hai năm qua, Nhà trường không thực hiện tăng học phí để chia sẻ cùng với sinh viên. Năm học tới, trường dự kiến tăng học phí nhưng so với năm học trước tăng không đáng kể.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, đề án học phí của trường đã được duyệt theo cơ chế giá và căn cứ vào chi phí đào tạo. Với chương trình riêng lẻ, học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành. Đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8%/năm. Mọi vấn đề thu chi đều được nhà trường thông báo tới người học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

"Việc các trường đại học tăng học phí cũng là quy luật bình thường. Tuy nhiên, mức tăng này cần cân đối, có lộ trình phù hợp. Tăng học phí cũng phải đi kèm với tăng chất lượng đào tạo, nâng cao cơ sở vật chất... Từ đó, sinh viên cảm thấy sẵn sàng và hài lòng với số tiền mình bỏ ra để chi trả cho học phí", Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm.

Cùng chia sẻ về vấn đề học phí, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Năm học này, trường dự kiến tăng học phí nhưng không tăng quá nhiều. Đối với sinh viên khóa cũ, học phí tăng khoảng 5-7%, còn khóa mới sẽ tăng khoảng 10% tùy ngành".

Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khối ngành đào tạo khác nhau. Đối với khối ngành kỹ thuật, sinh viên cần dùng máy móc, thiết bị, hóa chất... để phục vụ cho quá trình học tập nên học phí khối ngành này khá cao. Với các nhóm ngành như xã hội học, công tác xã hội học phí thường ở mức thấp.

"Theo tôi, các trường đại học dần chuyển sang cơ chế tự chủ, không nhận ngân sách từ nhà nước nữa nên người học cũng cần chia sẻ với nhà trường. Việc tăng học phí là điều cần thiết nhưng các trường nên cân nhắc mức tăng sao cho phù hợp, có thể chấp nhận được.

Tăng học phí, trường tái đầu tư cho quá trình đào tạo, nghiên cứu, nâng chuẩn đầu ra, mua sắm trang thiết bị... Theo đó, sinh viên cũng sẽ được hưởng lợi từ việc học phí tăng", vị Hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Đẩy mạnh chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên

Với nhiều sinh viên, học phí tăng là nỗi lo không nhỏ. Để giải bài toán học phí này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà cho rằng, các trường cần đẩy mạnh chính sách tín dụng, chính sách học bổng cho sinh viên.

Đối với chính sách tín dụng, người học sẽ được vay chi phí đi học không lãi suất hoặc lãi suất thấp. Sinh viên có thể vừa học vừa đi làm thêm để trang trải một phần chi phí vay hoặc sau khi ra trường sẽ hoàn trả lại dần.

"Chính sách tín dụng không chỉ giải quyết được phần nào bài toán học phí mà nó còn giúp sinh viên cũng có thêm ý thức, động lực học tập, sớm tốt nghiệp, có việc làm để hoàn trả được khoản vay của mình", vị Hiệu trưởng này cho hay.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh)

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, mỗi năm, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh dành khoảng 30 tỷ đồng cho học bổng. Trường có nhiều loại học bổng với nhiều mức khác nhau như học bổng cho sinh viên vượt khó, học bổng khuyến khích học tập…

Ngoài ra, nhà trường cũng tích cực kết nối với các cựu sinh viên, chủ các doanh nghiệp, ngân hàng tham gia hỗ trợ học bổng cho sinh viên.

Trường không quy định sinh viên phải đóng tất cả học phí trong một đợt mà chia làm 3 đợt đóng. Mỗi lần các em đóng trung bình khoảng 6-8 triệu đồng. Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, trường cũng hỗ trợ giãn thời gian nộp học phí cho sinh viên.

Đối với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền cho biết: "Học phí tăng, trường sẽ tăng mức học bổng dành cho sinh viên. Với những sinh viên có thành tích học tập chưa đủ tốt nhưng gia đình các em khó khăn thì sẽ được xét cấp học bổng Trần Đại Nghĩa.

Học bổng Trần Đại Nghĩa được đóng góp từ các thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, người lao động, thế hệ sinh viên và cựu sinh viên của trường, và được tài trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm khác.

Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ sinh viên trực tiếp bằng những khoản hỗ trợ trong quá trình học tập và tạo điều kiện giúp các em tiếp cận vay vốn tín dụng".

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong mùa tuyển sinh sắp tới, ngoài việc đăng ký xét tuyển vào ngành và trường mình yêu thích, thí sinh phải hết sức lưu tâm đến mức học phí được các trường công khai, tránh tình trạng bất ngờ khi biết mức học phí sau khi trúng tuyển.

"Nếu gia đình thuộc diện khó khăn, các em nên tìm hiểu thông tin về những chương trình vay vốn cho sinh viên. Sau khi tốt nghiệp và có thu nhập, các em hoàn toàn có thể chủ động chi trả khoản vay này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền chia sẻ.

Thiên Nhi