Giáo viên ứa nước mắt nhận trợ cấp thất nghiệp đúng ngày khai giảng
Trong không khí ngày khai giảng đầu năm học mới, thầy Nguyễn Viết Tiến nhận được thông báo cấp thất nghiệp.
Bắt đầu từ năm học mới, thầy Viết Tiến và một số giáo viên tại thị xã Sơn Tây bị chấm dứt hợp đồng.
Sau gần 20 năm công tác, thầy Tiến nhận được món quà “tri ân” to đùng từ ngành giáo dục– trợ cấp thất nghiệp sau khi bị chấm dứt hợp đồng.
Khai giảng có hoa và quà, cơm có thịt của học sinh vùng cao |
Đáng buồn hơn, ngày nhận thông báo lại cũng chính là ngày khai giảng năm học mới.
Nhìn đồng nghiệp xúng xính quần áo đẹp, nô nức đến trường khai giảng, nhận hoa và những lời chúc mừng, thầy Tiến không khỏi xót xa.
Có lẽ đây là ngày khai giảng “đáng nhớ” nhất trong từng ấy năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen.
Chẳng hiểu, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội nghĩ gì mà lại gọi giáo viên lên nhận thông báo trợ cấp thất nghiệp trong đúng ngày khai giảng. Chẳng lẽ lại không nghĩ đến cảm nhận của những giáo viên này hay sao?
Thầy Viết Tiến buồn, chẳng nói thành lời khi cầm trong tay Quyết định: Về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đáng lẽ trong ngày đầu năm học mới, cũng là ngày chung vui của thầy trò trên cả nước, cách xử lý của Thị xã, của Sở nên khéo léo hơn một chút: Sở có thể gửi quyết định đến giáo viên chậm hơn 1-2 ngày. Điều này sẽ giúp giáo viên bớt tủi thân phần nào.
Thầy Tiến tâm sự: “Hôm nay mọi người nô nức, xúng xính quần áo đẹp đi khai giảng còn tôi đi quyết định hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp.
Buồn lắm nhà báo ạ! Có lẽ đây là ngày khai giảng cay đắng và đáng nhớ nhất của tôi sau từng đấy năm công tác”.
Thành phố chưa xét tuyển, giáo viên đã bị cắt hợp đồng (Ảnh:V.N) |
Nỗi buồn không nói thành lời, thầy Tiến đành gửi gắm những dòng tâm sự trên những trang giấy. Bức tâm thư của thầy có đoạn:
“Hằng năm, cứ vào dịp cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường.
Đó là tâm trạng của nhân vật tôi trong những trang viết của nhà văn Thanh Tịnh và cũng là tâm trạng của những cô bé, cậu bé lần đầu tiên đến trường. Và đó cũng là tâm trạng của các thầy giáo, trong đó có tôi khi đến ngày khai giảng.
Tôi lớn lên ở vùng xứ Đoài mây trắng. Từ nhỏ đã yêu nghề giáo, yêu phấn trắng, bảng đen. Lớn lên tôi chọn vào ngành sư phạm.
Từ những ngày đầu đi dạy, năm 2002, với đồng lương ít ỏi, tôi vẫn cố gắng hết sức mình truyền đạt kiến thức cho học sinh. Tôi nhận nhiệm vụ mà không hề than vãn.
Và cho đến nay, đúng ngày 5/9/2019, ngày khai giảng, tròn 17 năm, tôi nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp. Thật là cay đắng vô cùng”.
Một trường hợp khác cũng nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp trong đúng ngày khai giảng đó chính là cô V.T.H.
Cô H. cũng là một giáo viên công tác hơn 20 năm trong ngành giáo dục. Đi dạy từ thuở tóc còn xanh, đến ngày khai giảng năm học mới cô H. đi nhận trợ cấp thất nghiệp.
Một số giáo viên nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp đúng ngày khai giảng (Ảnh:V.N) |
Khó có thể diễn tả hết nỗi cay đắng trong lòng của những giáo viên hợp đồng lâu năm nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp vào đúng ngày khai giảng.
1.700.000 đồng/ tháng là số tiền trợ cấp thất nghiệp mà một giáo viên nhận được dựa trên mức đóng bảo hiểm xã hội của họ.
Nhưng số tiền này không phải là điều giáo viên quan tâm nhất. Bởi, không có 1.7 triệu đồng thì họ cũng xoay sở đủ cách để lo cho gia đình, lo cho bản thân.
Tuy nhiên điều làm giáo viên buồn nhất đó chính là nhận được quyết định vào đúng ngày khai giảng – một ngày mà đối với giáo viên vô cùng thiêng liêng.
Cũng bởi, có những cậu bé, cô bé vì yêu cái chớm thu lành lạnh, yêu tiếng trống trường và không khí của ngày khai giảng nên mới quyết định chọn gắn bó với ngành sư phạm (như thầy Tiến).
Vậy mà nỡ lòng nào lại để họ nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp vào đúng ngày mà họ luôn tôn thờ?
Thành phố Hà Nội lỗi hẹn với giáo viên hợp đồng
Vậy là, Thành phố Hà Nội không thể giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới như đã hứa. Điều này khiến hàng nghìn giáo viên vô cùng thất vọng.
Khai giảng cận kề, Hà Nội vẫn chưa giải quyết xong vấn đề giáo viên hợp đồng |
“Đấu tranh thì tránh đâu, những tưởng sau khi chúng tôi lên tiếng vì quyền lợi của mình, Thành phố sẽ giải quyết chuyện giáo viên hợp đồng.
Nhưng vậy mà không? Chúng tôi chờ đợi mòn mỏi.
Trong khi đó những hệ quả từ việc đấu tranh thì đúng là tránh đâu.
Người thì bị xã hội nhìn vào, người thì bị đồng nghiệp, cấp trên đè nén.
Tôi chỉ mong Thành phố sớm giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng để chúng tôi đỡ khổ”.
Đó là những lời tâm sự trong nước mắt của cô giáo L.T.X, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức.
Năm học mới, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức vẫn tiếp tục đi dạy với đồng lương còm và không được đóng bảo hiểm.
Xã hội ái ngại, người thương cảm, người xót xa thế nhưng nguyện vọng của họ vẫn không được giải quyết.
Trải qua gần 6 tháng biến động, có những lúc tưởng chừng như mọi chuyện được giải quyết đến nơi rồi.
Thầy Viết Tiến mong Thành phố sớm giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng như đã hứa (Ảnh:V.N) |
Đến thời điểm này, dư luận đặt câu hỏi: Thành phố thực sự đang suy tính điều gì? Khi quyết định ở trên cũng được thể hiện bằng văn bản; khi mà Phó giám đốc Sở, Chủ tịch Thành phố phát biểu trước sóng truyền hình đại ý: Sẽ thực hiện xét tuyển số giáo viên hợp đồng (hơn 800 giáo viên); sau khi xét tuyển xong sẽ tổ chức thi viên chức; giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng trước thềm năm học mới.
Ngày 5/9/2019 đã qua trong sự tủi hổ, đau buồn của giáo viên đi nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp.
Vậy còn lời hứa: Xét tuyển 2 vòng đối với giáo viên hợp đồng sẽ ra sao? Rất cần một câu trả lời có trách nhiệm.
Cô Nguyễn Thị Thơm, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn bày tỏ: “Trong ngày vui khai giảng, chúng tôi tạm gác mọi chuyện sang một bên để đón ngày tựu trường ý nghĩa.
Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh và mong Thành phố sớm giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng như đã hứa”.
Vậy giáo viên cả nước có biết được rằng? Trong ngày lễ trọng đại, có những kiếp người - giáo viên, lặng lẽ đi nhận trợ cấp thất nghiệp.
Phải chăng sẽ có thầy giáo nào đó sửa đoạn văn của Thanh Tịnh: Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi thất nghiệp (nguyên tác: Hôm nay tôi đi học).