Đánh giá môn Ngữ văn: Theo tôi không nên kiểm tra tự luận kết hợp trắc nghiệm

03/09/2022 06:46
Nguyễn Văn Lự
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Môn Ngữ văn có những đặc thù riêng cho nên ranh giới khái niệm và ngữ nghĩa của từ khóa câu hỏi và đáp án đôi khi rất mờ, khó xác định được đúng sai.

LTS: Trong thời gian vừa qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều với hình thức kết hợp trắc nghiệm và tự luận khi kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Với tư cách là giáo viên dạy môn Ngữ văn trung học phổ thông, thầy giáo Nguyễn Văn Lự (giáo viên ở Vĩnh Phúc) đã có bài viết bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề có nên sử dụng phương pháp trắc nghiệm trong đánh giá môn văn hay không.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo Hướng dẫn số 3175/BGD-ĐT, ngày 21/7/2022, hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn theo Chương trình 2018 đã thay đổi toàn diện theo năng lực người học.

Thông tư 22/2021 về đánh giá học sinh phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hình thức linh hoạt kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh phù hợp theo điều kiện thực tế của đơn vị.

Trước thềm năm học mới, giáo viên Ngữ văn và dư luận tranh luận sôi nổi về hình thức kiểm tra Ngữ văn tự luận kết hợp trắc nghiệm.

Ngày 18/8/2022, trả lời báo chí, Vụ Giáo dục trung học khẳng định, “Bộ Giáo dục và Đào tạo không có văn bản nào hướng dẫn, chỉ đạo bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra, đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn". [1]

Người viết cho rằng hình thức trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn kết hợp tự luận mỗi bài kiểm tra gồm nhiều câu hỏi môn Ngữ văn không phù hợp và không đánh giá khách quan năng lực tiếng Việt và văn học của học sinh.

Theo người viết, không nên sử dụng áp dụng kiểm tra định kì trắc nghiệm kết hợp tự luận môn Ngữ văn vì những lẽ sau:

Do thời gian kiểm tra định kì, cuối kì không quá 90 phút, giờ nghỉ giữa 2 tiết từ 5-10 phút, thầy cô khó bề kiểm soát được học sinh gian dối với lớp học trên 40 em, ngay cả dùng đề chẵn lẻ hay nhiều mã đề.

Mỗi học kì chỉ có 1 bài kiểm tra giữa kì và 1 bài kiểm tra cuối kì và 4 bài kiểm tra thường xuyên bằng nhiều hình thức linh hoạt [2].

Theo Thông tư 22, không tính điểm trung bình cả năm các môn; xếp loại học lực xét theo 4 mức Giỏi, Khá, Đạt và Chưa đạt; không có môn chính môn phụ; đánh giá toàn diện năng lực học sinh đã triệt tiêu dần áp lực điểm số. Vì thế, điểm một môn Ngữ văn cũng quan trọng như các môn tính điểm khác. Với các trò ngại học Ngữ văn, các em chỉ cần mức Đạt hạnh kiểm và văn hóa, không nghỉ học quá 45 buổi là đủ điều kiện lên lớp [2].

Ảnh chụp Thông tư 22/2021, phần xếp loại học lực. Ảnh: Văn Lự

Ảnh chụp Thông tư 22/2021, phần xếp loại học lực. Ảnh: Văn Lự

Mục tiêu của môn Ngữ văn 2018 chủ yếu trang bị cho học sinh các kỹ năng đọc hiểu, học hiểu và dùng tốt tiếng Việt trong 4 hoạt động Đọc - Nghe - Nói - Viết, từng bước loại bỏ tư duy cũ học thuộc, nhớ nhiều và giới hạn vài chục văn bản văn học sách giáo khoa.

Ưu điểm kiểm tra nhiều vùng kiến thức, kỹ năng của hình thức trắc nghiệm chỉ phù hợp với học sinh học chuyên sâu ngành Khoa học Xã hội.

Một phần đề thi Ngữ văn 9 kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Ảnh: Văn Lự

Một phần đề thi Ngữ văn 9 kết hợp tự luận và trắc nghiệm. Ảnh: Văn Lự

Thông tư 22/2021 cho phép giáo viên được linh hoạt hình thức kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của bộ môn. Thầy cô giáo Ngữ văn đã được tập huấn làm đề trắc nghiệm và làm tốt mấy năm qua.

Dù có ý kiến không ủng hộ trắc nghiệm môn Ngữ văn, nhưng đến nay (tháng 8/2022) nhiều nơi vẫn dùng trắc nghiệm kết hợp tự luận trong đề thi chính thức tuyển sinh vào lớp 10, đề kiểm tra thường xuyên và định kì.

Hình thức kiểm tra trắc nghiệm - với ưu điểm và nhược điểm - được thực hiện nhiều năm qua, ngày càng được hoàn thiện và phát huy hiệu quả. 7 môn thi tốt nghiệp 12 trắc nghiệm, nhưng riêng Ngữ văn thi tự luận.

Hiện nay, một số trường đại học tuyển sinh tự nguyện đánh giá năng lực và tư duy bằng hình thức trắc nghiệm, trong đó có phần kiểm tra năng lực cơ bản về tiếng Việt của thí sinh.

Hình thức thi trắc nghiệm thi viết hoặc trên hệ thống máy tính này khác hoàn toàn với kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp trong lớp học đông ở trường phổ thông của nước ta.

Mặt khác, câu hỏi đọc hiểu khác hẳn câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra khả năng ghi nhớ và tư duy. Môn Ngữ văn đặc thù, một số khái niệm và ngữ nghĩa của từ khóa câu hỏi và đáp án có ranh giới mờ, khó xác định được đúng sai, nên khó thống nhất trong giám khảo dẫn đến tranh cãi không hồi kết. Nếu dùng câu hỏi dễ hoặc ma trận gây nhiễu ít, học sinh sẽ làm đúng hết, điểm bài không phân hóa được năng lực người học và ngược lại.

Theo người viết, câu hỏi trắc nghiệm Ngữ văn không phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh. Ảnh chụp màn hình.

Theo người viết, câu hỏi trắc nghiệm Ngữ văn không phát huy được năng lực sáng tạo của học sinh. Ảnh chụp màn hình.

Đổi mới toàn diện môn Ngữ văn theo Văn bản số 3175, trong đó đổi mới kiểm tra, đánh giá sẽ làm thay đổi cách dạy, cách học và từng bước đánh giá năng lực sử dụng tiếng Việt với 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết.

“Đối với môn Ngữ văn, cần tập trung nhiều hơn cho môn tiếng Việt, cần tiếp cận môn tiếng Việt với mục tiêu bất kỳ người Việt nào cũng có trình độ và năng lực tiếng Việt tốt không chỉ ở bậc phổ thông, mà ở cả các cấp học cao hơn.

Khẳng định quan điểm cần triệt tiêu văn mẫu, Bộ trưởng nhấn mạnh, văn học phải củng cố vị trí của một môn học nghệ thuật. Môn học cần phát triển tư duy nghệ thuật, trong đó đặc biệt lấy phát triển tư duy hình tượng, lấy văn học làm rộng mở trí tượng tưởng, phát triển các cảm xúc.

“Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo quy định. Làm được như thế mới giải phóng được tinh thần cho con người”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn từng phát biểu nhấn mạnh.”[3]

Với môn Ngữ văn, kiểm tra viết hoặc hỏi đáp, thuyết trình buộc học sinh phải tư duy, chọn lựa tri thức và kỹ năng tiếng Việt để trình bày (viết hoặc nói) ý hiểu và thái độ, cảm xúc.

Việc coi thi nghiêm túc có thể hạn chế được copy, tiến tới loại bỏ văn mẫu bằng những câu hỏi sáng tạo, không cần dùng tài liệu, từng bước hình thành năng lực học sinh tự nói và viết theo gợi ý của thầy cô.

Chúng ta kỳ vọng đề Ngữ văn năm 2025 sẽ theo hướng mở, chỉ nêu đề tài và viết bài luận khoảng 600-800 chữ như một số quốc gia đang làm (nếu dài/ngắn quá mức cho phép thì phạm quy, loại bỏ).

Trong thời quá độ này, theo cá nhân tôi, các lớp chưa thay sách vẫn theo cấu trúc đề Ngữ văn tốt nghiệp hiện nay, các lớp 6, 7, 10 chọn cấu trúc đề mới, tự do và sáng tạo, từng bước loại bỏ tư duy học thuộc, nhớ lâu và dùng văn mẫu, đề mẫu.

Thầy cô giáo dạy Ngữ văn rất mong, trong thời gian sớm nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn thống nhất hình thức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn, đặc biệt là phương thức thi vào năm 2025.

Môn Ngữ văn, nói cho cùng, dù kiểm tra, đánh giá theo hình thức nào cũng đều phải bảo đảm nguyên tắc học sinh được bộc lộ, thể hiện phẩm chất, năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học, tư duy hình tượng và tư duy logic, những suy nghĩ và tình cảm của mình, không vay mượn, sao chép; khuyến khích các bài viết có cá tính và sáng tạo.

Học sinh cần được hướng dẫn tìm hiểu để có thể nắm vững mục tiêu, phương pháp và hệ thống các tiêu chí dùng để đánh giá các phẩm chất, năng lực này.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd

[2] https://moet.gov.vn/van-ban/vanban/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1411

[3] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8051

Nguyễn Văn Lự