Năm học tới, đề Ngữ văn tự luận hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm đều được

19/08/2022 07:11
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Tài liệu tập huấn môn Ngữ văn của Bộ được gửi đi nhiều nơi, giáo viên nhiều tỉnh đã được tập huấn và yêu cầu áp dụng cho năm học tới.

Thông tin từ năm học 2022-2023, đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn sẽ được kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm khách quan đối với những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều thầy cô giáo dạy Ngữ văn trên cả nước trong những ngày gần đây.

Bài viết "Đề Ngữ văn sẽ được kết hợp với trắc nghiệm khách quan từ năm học 2022-2023" của tác giả Thanh An được Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Nhiều thầy cô cho biết, ở địa phương họ cũng đã tập huấn.

Suy cho cùng, bên cạnh việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa thì việc thay đổi về phương pháp, cách tiếp cận, cùng với việc thay đổi về cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay là cần thiết.

Chính vì thế, ngày 18/8, thông tin với báo chí, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Không bắt buộc kiểm tra môn Ngữ văn tự luận hay trắc nghiệm. Vì thế, có thể hiểu đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn có thể tự luận hoặc kết hợp với trắc nghiệm đều được.

Giáo viên nhiều địa phương đã được tập huấn ma trận và thực hành đề kiểm tra mới (Ảnh minh họa: Thanh An)

Giáo viên nhiều địa phương đã được tập huấn ma trận và thực hành đề kiểm tra mới

(Ảnh minh họa: Thanh An)

Đề Ngữ văn chương trình mới thực hiện theo hình thức tự luận hoặc tự luận kết hợp với trắc nghiệm đều có thể được

Trước thềm năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hànhCông văn số 3175/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông nhằm khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu ở các nhà trường.

Điều này cho thấy sự mong muốn môn Ngữ văn sẽ có những thay đổi về phương pháp giảng dạy, học tập và đặc biệt là đổi mới cách kiểm tra, đánh giá người học để từ đó không còn lệ thuộc vào văn mẫu, bài mẫu…

Tuy nhiên, thông tin chuyển hình thức kiểm tra môn Ngữ văn từ tự luận hoàn toàn sang kết hợp với trắc nghiệm khách quan đối với những lớp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đang khiến cho giáo viên băn khoăn.

Giáo viên một số tỉnh, thành khẳng định họ đã được bộ phận chuyên môn của sở, phòng giáo dục tập huấn bảng ma trận, đặc tả đề kiểm tra chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã có một số viết về vấn đề này và đưa ra những minh chứng khá cụ thể.

Thế nhưng, trên một số tờ báo mấy ngày qua lại thông tin đại diện Vụ Giáo dục Trung học thông tin chưa chỉ đạo về việc này, có lẽ đó là “đề xuất từ một hội thảo nào đó” [1]. Điều này khiến rất nhiều thầy cô băn khoăn. Đến ngày 18/8, thông tin với báo chí, Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

“Để triển khai thực hiện Chương trình chương trình giáo dục 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).

Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT”.

Từ những thông tin này, chúng ta có thể thấy những lớp Ngữ văn thực hiện chương trình 2018 có thể dùng hình thức tự luận hoàn toàn hoặc có thể dùng hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan đều đúng vì Bộ đã “giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn”.[2]

Bởi thực tế, tài liệu tập huấn của Bộ đã được gửi đi nhiều nơi, giáo viên nhiều tỉnh đã sở hữu, đã được tập huấn đại trà và yêu cầu áp dụng hình thức kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn kết hợp giữa tự luận với trắc nghiệm từ năm học 2022-2023 tới đây. Đặc biệt, trong tài liệu tập huấn về ma trận, bảng đặc tả môn Ngữ văn mà Bộ gửi cho các địa phương có rất nhiều đề kiểm tra minh họa cho từng khối lớp cụ thể.

Cấu trúc đề kiểm tra thay đổi không nhiều khi chuyển sang hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan

Hình thức kiểm tra trắc nghiệm hoặc trắc nghiệm kết hợp với tự luận đang được áp dụng gần hết các môn học ở các cấp học phổ thông hiện nay và thực tế môn Ngữ văn cũng đã áp dụng hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm trong một số năm học trước đây.

Việc kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm dễ dàng can thiệp bằng các kỹ thuật phù hợp nhằm tăng cường tính chính xác và độ tin cậy bởi hình thức điển hình của câu trắc nghiệm khách quan như câu trả lời Đúng/Sai; câu nhiều lựa chọn; câu ghép đôi; câu điền khuyết...rất rõ ràng theo định lượng.

Hơn nữa, khi kiểm tra hình thức trắc nghiệm sẽ bao quát được nội dung kiến thức đã học của học sinh vì có nhiều câu hỏi, hỏi được nhiều kiến thức khác nhau.

Hình thức kiểm tra tự luận hoàn toàn đối với môn Ngữ văn cũng có những lợi thế là giúp cho học sinh viết được trọn vẹn câu, đoạn, bài văn. Qua đó, giáo viên đánh giá được khả năng viết, cảm thụ ngữ liệu văn bản mà học trò đã thực hiện trong bài văn của mình.

Nhìn chung, hình thức ra đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn bằng hình thức tự luận hòan toàn hay tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan cũng đều có những lợi thế và hạn chế nhất định.

Tuy nhiên, nhìn từ thực tế ma trận đề, phần đặc tả câu hỏi đề kiểm tra chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà giáo viên đã được tập huấn vừa qua, chúng tôi nhận thấy về cơ bản các câu hỏi trong đề kiểm tra kết hợp trắc nghiệm có nhiều lợi thế hơn.

Thứ nhất: phần làm văn (bây giờ gọi là phần viết) vẫn là một bài viết trọn vẹn, có bố cục đầy đủ như trước đây. Chỉ khác là thang điểm bài viết trước đây là 5,0- 6,0 điểm thì bây giờ còn 4,0 điểm.

Tuy nhiên, vì Bộ hướng dẫn là không dùng ngữ liệu trong sách giáo khoa mà lấy một văn bản tương đương nên sẽ giúp cho học sinh hạn chế dùng văn mẫu.

Những học sinh có khả năng cảm thụ sẽ “có đất” để trình bày khả năng của mình. Cách kiểm tra này giúp cho học sinh giỏi không bị nhàm chán mà tính trung thực cao hơn khi không còn sử dụng được văn mẫu.

Nhưng, những học sinh yếu thì phần viết (làm văn) sẽ khó làm được bài vì các em này không có gì để bấu víu, không thể nào sử dụng văn mẫu và học tủ như trước đây được.

Thứ hai: phần đọc hiểu của đề Ngữ văn khi dùng hình thức tự luận hoàn toàn cũng chỉ có thể hỏi từ 4-6 câu hỏi nhỏ. Quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có thể hỏi về tác giả, tác phẩm, phương thức biểu đạt, thể thơ, biện pháp tu từ, nội dung chính của ngữ liệu…mà thôi. Trong khi, đáp án chấm thiên nhiều vào chủ ý của người ra đề nên dù đề yêu cầu là “theo em” nhưng khi chấm vẫn phải “theo thầy”.

Khi áp dụng hình thức trắc nghiệm phần đọc hiểu thì lợi thế những câu trả lời đã có sẵn, học sinh chỉ cần lựa chọn câu đúng nhất để trả lời nên giảm bớt được thời gian mà khả năng tư duy, phán đoán sẽ tốt hơn. Câu trả lời đúng là đúng, sai là sai chứ không theo quan điểm, chủ ý người chấm

Chính vì thế, có người lo lắng nếu áp dụng hình thức kiểm tra tự luận kết hợp với trắc nghiệm thì sẽ giảm đi “chất văn” và không đúng với đặc trưng môn học. Nhưng, thực tế phần làm văn (viết) vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi ở phần đọc hiểu mà phần đọc hiểu thì dù tự luận hay trắc nghiệm cũng chỉ có thể dừng lại ở câu hỏi kiểm tra kiến thức nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp mà thôi.

Việc trung thực hay không trung thực trong kiểm tra thì đó là trách nhiệm của thầy cô và các nhà trường khi tổ chức kiểm tra định kỳ cho học sinh.

Trước thông tin với báo chí của Vụ Giáo dục trung học ngày 18/8, có lẽ những tỉnh đã tập huấn đại trà về ma trận, bảng đặc tả đề kiểm tra định kỳ bằng hình thức tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan có thể vẫn áp dụng theo hướng này. Những địa phương chưa tập huấn có thể không cần tập huấn và áp dụng theo hình thức cũ- tự luận hoàn toàn.

Hình thức kiểm tra nào cũng đều được cả vì Vụ Giáo dục trung học thông tin: “không bắt buộc kiểm tra môn Ngữ văn tự luận hay trắc nghiệm” nên các nhà trường tổ chức kiểm tra theo hình thức nào cũng đều đúng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://plo.vn/thuc-hu-viec-kiem-tra-danh-gia-mon-ngu-van-bang-hinh-thuc-trac-nghiem-post694149.html

[2] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-khong-bat-buoc-kiem-tra-mon-ngu-van-tu-luan-hay-trac-nghiem-post228939.gd#228939|zone-timeline-5|2

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI