Cương quyết không cho con học trước chương trình lớp 1 như nhiều phụ huynh khác, chị Lan ở Đồng Nai đã phải thốt lên đó chính là một sai lầm lớn.
Bộ Giáo dục cấm các trường dạy trước lớp 1 (Ảnh minh họa VOV) |
Bởi vì, tối nào gia đình chị cũng xảy ra một “cuộc chiến” đánh vật cùng con với bài vở đến tận hơn 10 giờ đêm nhưng kết cục con vẫn thường xuyên bị cô “mắng vốn” con anh chị học chậm quá!
Chị Lan tâm sự, mình vốn là một giáo viên dạy cấp 2 nên cũng phản đối việc cho con đi học chữ từ khi 5 tuổi như nhiều gia đình khác.
Chị nghĩ, học xong chương trình lớp 1, con chị chắc chắn sẽ biết đọc, biết viết như thế là đạt mục tiêu rồi.
Bởi thế, con không cần phải đi học trước. Cái thời của chị có ai đi học trước đâu mà sau một năm lớp 1, ai cũng đọc thông viết thạo.
Thời gian cho con học trước kiến thức để dạy con kĩ năng sống sẽ bổ ích hơn nhiều.
Thế là, trong khi những đứa trẻ khác học đọc, học viết, học làm toán thì con của Lan được ba mẹ cho đi học vẽ, học bơi, học hát múa ở nhà văn hóa.
Nghĩ mình đã đi đúng đường, cho đến khi bé nhập học được 2 tuần, cô giáo liên tục gọi điện cho gia đình nói rằng: “Bé nhà mình học chậm quá, đề nghị anh chị kèm cặp thêm”.
Con bé thì rầu rĩ nói các bạn chê con học dốt, học ngu và không chơi với con.
Chị Lan nói, người mẹ nào không xót, không đau khi nghe người khác nói con mình như thế?
Gia đình chị cũng trở nên bất ổn khi anh chồng xót con nên nặng lời với chị.
Có lần anh còn nói: “Em là giáo viên mà chẳng hiểu gì cả, nếu không nghe lời em thì con bé đâu khổ như thế?”.
Không thể mãi đổ lỗi cho nhau, và đổ lỗi giờ cũng chẳng được gì.
Hai vợ chồng chị Lan bắt đầu lên kế hoạch kèm con.
Sau bữa ăn tối, anh chị bắt con ngồi vào bàn học. Hết đọc âm, ghép vần, tập viết, tập chép rồi làm toán...
Hôm nào cũng hơn 10 giờ đêm mới xong. Nhiều lúc thấy con ngủ gà ngủ gục trên bàn nhưng vẫn phải lay dậy để hoàn thành bài vở xong mới cho đi ngủ.
Tất cả phụ huynh không cho con đi học trước sẽ chẳng phải cùng con học đuổi thế này
Chị Lan cho biết, lớp con chị có 50 học sinh. Qua tìm hiểu, phải đến hơn 40 em đã đi học hè tại nhà cô giáo.
Sau 3 tháng hè, các em đã học gần xong chương trình lớp 1.
Về cơ bản, những học sinh này đã thuộc các âm vần, nhiều em đã đọc thông, viết thạo như học sinh lớp 2.
Thế nên khi vào năm học, giáo viên đã có thể đọc chính tả cho những học sinh này viết.
Do trong lớp còn dăm em không đi học hè nên buộc giáo viên phải dạy đúng quy trình.
Nhưng dạy thế thì mấy chục học sinh khác lại ngồi chơi.
Bởi thế, không ít cô giáo gây áp lực bằng cách buộc gia đình phải kèm cho con mình ở nhà hoặc phải gửi cô dạy thêm vào các buổi tối trong tuần.
Học theo kiểu rượt đuổi các bạn đã làm cho những đứa trẻ đuối sức, làm cho cha mẹ mệt mỏi chạy theo con.
Nhưng không cho trẻ học trước được không?
|
Phải khẳng định luôn rằng, không cho con học trước thì học xong chương trình lớp 1 hầu như trẻ cũng sẽ đạt mục tiêu đọc, viết khá thông thạo.
Nhưng những đứa trẻ chậm, năng lực yếu sẽ khó theo kịp.
Nguyên nhân, lớp học quá đông (sĩ số luôn ở mức 40, 50, 60 thậm chí 70 học sinh/lớp) giáo viên dù nỗ lực bao nhiêu cũng không thể dạy hiệu quả.
Không thể cầm tay từng em nắn từng chữ, hướng dẫn đọc từng âm và sửa sai từng tí.
Vốn đã học yếu, mỗi ngày đuối một ít, dẫn đến rớt lại phía sau.
Cùng với việc học yếu không được ở lại lớp như hiện nay, nguy cơ suốt quãng đời đi học sẽ trở thành đối tượng học sinh ngồi nhầm lớp.
Phụ huynh thường khó yên tâm khi không cho con đi học trước, luôn mang trong mình nỗi lo con sẽ thua thiệt bạn bè, nuôi trong mình khát vọng con sẽ là giỏi nhất.
Bởi thế, trẻ luôn bị cha mẹ ép học từ khi lên 3. Điều này, đã làm khổ các em và gây không ít áp lực cho gia đình.
Từ thực tế trên, chỉ nên cho các em học trước khi đó là những đứa trẻ chậm tiến, năng lực yếu.