Đào tạo nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chất lượng nguồn nhân lực có sụt giảm?

24/09/2021 07:28
Phạm Minh (Thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thạc sĩ Lâm Văn Quản cho biết, sinh viên không thể thực hành, thực tập sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang phải đối mặt với khó khăn, thách thức. Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Nhà giáo Ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đa số thời gian trong chương trình đào tạo nghề là thực hành, nên dạy học trực tuyến chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Nhà giáo Ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: UEH)

Nhà giáo Ưu tú, Thạc sĩ Lâm Văn Quản - Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: UEH)

PV: Thưa ông, dịch Covid-19 kéo dài trong thời gian qua đã gây ra những khó khăn gì đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người học?

Thạc sĩ Lâm Văn Quản: Trong 3 đợt dịch trước cũng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của các trường nghề, nhưng nhờ kiểm soát dịch sớm nên những tác động này là không quá lớn và được các trường khắc phục ngay sau đó.

Tuy nhiên, tính từ cuối tháng 4 đến nay Thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua 5 tháng chiến đấu với dịch bệnh, đây cũng chính là giai đoạn quan trọng đối với mỗi cơ sở đào tạo nghề khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ liên tiếp: kết thúc năm học, tuyển sinh và chuẩn bị năm học mới.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải điều chỉnh lại toàn bộ kế hoạch đào tạo đã xây dựng từ đầu năm để thích ứng và phù hợp với tình hình thực tế.

Hoạt động giảng dạy, học tập của các trường gặp phải nhiều khó khăn. Không như hệ thống giáo dục khác, trong cấu trúc chương trình đào tạo của trường nghề, phần thực hành chiếm từ 60 - 80%.

Sinh viên rất thiệt thòi khi không thể đến trường, không được đến các cơ sở sản xuất kinh doanh để thực hành, rất khó để các em hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp; kế hoạch thực tập, thi tốt nghiệp cũng bị đảo lộn.

Mặc dù các trường, các giảng viên đã nỗ lực hỗ trợ sinh viên, nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quá trình dạy học nhưng cũng chỉ đáp ứng được một phần nào đó.

Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã xây dựng các video hướng dẫn cho sinh viên, trên cơ sở đó các em thực hành tại nhà dưới sự chỉ dẫn của thầy cô giáo. Song nếu không xuất phát từ thực tiễn, không có thiết bị, công cụ thực hành, không được đến các cơ sở sản xuất để thực tập và hoàn thiện kỹ năng, tiếp cận với môi trường làm việc thì hoạt động đào tạo không thể đạt được kết quả như mong muốn.

Đối với một số ngành, một số học phần, sinh viên có thể tự tạo ra những phương thức, dụng cụ, vật tư,... những sản phẩm thực hành tại nhà nhưng có những ngành nghề, những phần thực tập cần thiết bị chuyên dụng thì không thể triển khai theo hình thức trực tuyến.

Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, có thể ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng cho thị trường lao động trong thời gian tới.

Ngoài các bài giảng E-Learning, các video hướng dẫn học tập, thực hành thì các cơ sở giáo dục cũng đã áp dụng phương pháp mô phỏng trong đào tạo, thực hành trực tuyến. Song, đây cũng chỉ là bước cơ bản ban đầu của phần thực hành, thực tập. Vì đã là đào tạo nghề thì cần phải đi sâu vào kỹ năng, cần phải trực tiếp làm việc trên các thiết bị, công cụ mới đảm bảo về chất lượng đào tạo.

Giai đoạn kết thúc năm học, các trường chỉ có thể triển khai thi trực tuyến đối với phần lý thuyết, chính vì vậy mà tiến độ đào tạo bị ảnh hưởng nhiều.

Điều quan trọng là vẫn phải đảm bảo về kiến thức, kỹ năng cho các em trước khi ra trường. Phải hoàn thiện phần kỹ năng thực hành của các em thì mới an tâm về chất lượng đào tạo, để có được nguồn nhân lực tốt nhất đáp ứng cho thị trường lao động.

Đối với hoạt động tuyển sinh, tất cả đều phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên một số trường chưa thể tuyển sinh đủ chỉ tiêu dù đã có những chính sách về miễn giảm học phí.

Việc tiếp nhận hồ sơ, đăng ký nhập học và bắt đầu năm học mới qua trực tuyến cũng khó khăn.

Một vấn đề không thể không đề cập đến đó là khó khăn về nhân sự đối với các trường ngoài công lập. Khi tài chính của trường bị ảnh hưởng vì dịch bệnh thì các trường phải rất nỗ lực để duy trì hoạt động của mình. Qua đợt dịch này, có thể sẽ có sự biến động về nhân sự của các trường đào tạo nghề ngoài công lập.

Mặc dù đứng trước muôn vàn khó khăn như vậy nhưng một điều đáng biểu dương là nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chi viện nhân lực, tích cực tham gia vào cuộc chiến phòng chống Covid cùng nhân dân, cùng thành phố; đồng thời có những hỗ trợ về tài chính, vật tư trong giai đoạn này.

PV: Có thể thấy, nền kinh tế và thị trường lao động chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ hội việc làm, thưa ông?

Thạc sĩ Lâm Văn Quản: Trong thời gian tới, khi đã kiểm soát được dịch bệnh, trở về trạng thái bình thường mới và triển khai các chương trình phục hồi kinh tế, chúng ta quan tâm đến đội ngũ làm việc tại các xí nghiệp, nhà máy thì cũng cần quan tâm đến đội ngũ sinh viên các trường nghề.

Bởi lẽ, sau giai đoạn dịch bệnh, sẽ có những xáo trộn, biến động rất lớn về nguồn nhân lực ngay tại các doanh nghiệp, các nhà máy sản xuất. Để sắp xếp ổn định lại nguồn nhân lực này, các doanh nghiệp và các trường nghề phải liên kết lại với nhau, và lực lượng sinh viên vừa tốt nghiệp sẽ bổ sung cho nhân lực đang thiếu hụt đó.

Muốn nhanh chóng phục hồi các chương trình sản xuất, phục hồi nền kinh tế thì cần liên kết mạnh mẽ giữa đơn vị đào tạo và đơn vị tiếp nhận lao động, và cần phải quan tâm hơn đến giáo dục nghề nghiệp cũng như học sinh, sinh viên học tập tại các trường nghề.

Vấn đề lớn nhất hiện nay là chúng ta không có sự kết nối, gắn bó mật thiết giữa cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia với cơ cấu trình độ nhân lực trong độ tuổi lao động để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế xã hội.

Rõ ràng, các trường đào tạo nghề có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng cho nguồn nhân lực quốc gia. Vì vậy, tôi phải nêu ra câu hỏi: Liệu rằng, chúng ta đã thực sự quan tâm đến phân luồng sau trung học cơ sở chưa, hay lại để học sinh đổ dồn vào cấp ba, lên đại học?

Chúng ta cần phải đặt câu hỏi về cơ cấu nguồn nhân lực quốc gia trong tương lai. Hiện chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia với cơ cấu trình độ nguồn nhân lực, vẫn còn nhiều khó khăn đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

PV: Ông có kiến nghị gì với cơ quan quản lý nhà nước để phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng đúng vai trò đào tạo trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn như hiện nay?

Thạc sĩ Lâm Văn Quản: Theo tôi, cần xem xét lại về mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cơ cấu hệ thống giáo dục quốc gia và cơ cấu trình độ nhân lực trong độ tuổi lao động, từ đó có đánh giá khách quan, chính xác về vai trò của giáo dục nghề nghiệp.

Nếu xã hội không coi trọng giáo dục nghề nghiệp thì nhiều phụ huynh không muốn cho con em mình theo học nghề, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ cấu nguồn nhân lực của đất nước.

Nhà nước cũng cần có chính sách để thực hiện tốt phân luồng học sinh, cải thiện chất lượng đầu vào cho các trường nghề để từng bước nâng cao chất lượng nhân lực.

Trong giai đoạn dịch bệnh khó khăn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng rất cần những hỗ trợ về hạ tầng công nghệ, đường truyền, nền tảng trực tuyến; tăng cường số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức, quản lý các hoạt động đào tạo.

Dịch bệnh cũng ảnh hưởng rất lớn đến tài chính, nguồn thu của các trường nghề, đặc biệt là hệ thống trường ngoài công lập. Tôi cho rằng, giai đoạn này, nhà nước cũng phải dành sự quan tâm đến các trường thông qua những chính sách hỗ trợ về vốn vay ngân hàng, thuế,...

Vì có những đặc thù trong đào tạo nghề, việc học tập trực tiếp là yêu cầu cấp thiết, vì vậy thời gian này chúng ta cũng nên ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho đội ngũ giảng viên, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tiến tới tổ chức hoạt động dạy học tại trường.

Cuối cùng là việc đẩy mạnh chính sách về giáo dục mở trong giáo dục nghề nghiệp. Mục đích là để đẩy mạnh hoạt động đào tạo, giúp các trường linh động, sáng tạo trong tổ chức giảng dạy, mở ra nhiều chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của xã hội.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Minh (Thực hiện)