Ông Nguyễn Xuân Thủy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ cho biết, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là cơ sở đào tạo công lập với nhiệm vụ đào tạo nhân lực ở trình độ Cao đẳng, Trung cấp các ngành Y-Dược.
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã xác định mục tiêu phát triển nhà trường một cách ổn định và bền vững là nâng cao chất lượng đào tạo, thay đổi phương pháp dạy và học của giảng viên và học sinh sinh viên. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu đó là chuyển đổi đào tạo theo học chế tín chỉ.
Đào tạo theo tín chỉ là phương thức đào tạo không mới, tuy nhiên với điều kiện Việt Nam và đặc biệt đối với một trường chuyên về Y –Dược thì điều này có phần mới.
Việc chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang tín chỉ bước đầu cho thấy một kinh nghiệm mà trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã rút ra được là phải có sự đồng thuận trong Đảng ủy, Ban giám hiệu và toàn bộ cán bộ giáo viên nhà trường để quyết tâm thực hiện thành công đề án chuyển đổi.
Ông Nguyễn Xuân Thủy (bên trái) và TS. Lê Viết Khuyến cùng trao đổi về quy trình đào tạo theo tín chỉ tại Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ. |
Ông Thủy cũng cho rằng, việc thay đổi về nhận thức trong đào tạo theo học chế tín chỉ của cán bộ nhà trường là điều tiên quyết giúp trường thành công.
“Để thực hiện điều này, nhà trường đã mời các chuyên gia cố vấn tập huấn cho cán bộ nhà trường về các vấn đề trong đào tạo theo học chế tín chỉ, tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm của một số cơ sở đào tạo đã áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ.
Nhà trường đã thực hiện đồng bộ nhiều công việc như: xây dựng thư viện điện tử, xây dựng thêm các phòng học và tự học, cấu trúc lại chương trình các ngành đào tạo, xây dựng Quy định đào tạo theo học chế tín chỉ của nhà trường…”- Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thủy cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc áp dụng đào tạo theo tín chỉ có lợi cho người học và mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho sinh viên. Tuy nhiên, để bắt nhịp với phương thức đào tạo mới thì việc đổi mới phương pháp dạy và học cần phải được xem xét đầu tiên.
“Có thể nói phương pháp dạy và học là yếu tố quyết định thành công trong đào tạo theo học chế tín chỉ, vấn đề thay đổi phương pháp dạy và học là vấn đề khó và đòi hỏi phải có thời gian, do giáo viên đã quen với phương pháp giảng truyền thống, sinh viên cũng đã quen với phương pháp học thụ động, ý thức tự nghiên cứu chưa cao.
Chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia về phương pháp giảng dạy và tổ chức nhiều buổi tập huấn cho giảng viên, ngoài ra công tác dự giờ và bình giảng được thực hiện thường xuyên nhằm quyết tâm thay đổi phương pháp giảng truyền thống sang giảng dạy tích cực và kiểm soát các hoạt động học tập ngoài thời gian tiếp xúc trên lớp của sinh viên.
Sắp Hội thảo đào tạo tín chỉ giữa các trường Cao đẳng Y – Dược(GDVN) - Thông báo này phát đi từ Văn phòng Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ngày 24/3/2016. |
Để giúp sinh viên có điều kiện tự học tốt hơn, ngoài nâng cấp thư viện nhà trường còn tổ chức các phòng tự học với đầy đủ phương tiện và mô hình để thực hiện các học phần chuyên ngành, những học phần có thực hành” ông Thủy cho biết.
Theo lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ, kết quả học tập các học kỳ và các năm học của sinh viên nhà trường nhận thấy tỷ lệ sinh viên thuộc diện cảnh báo kết quả học tập từ 1-5%, sinh viên bị buộc thôi học do kết quả học tập kém 0,5%, biểu đồ phân phối phổ điểm của sinh viên theo phân bố chuẩn, ý thức học tập của sinh viên được nâng cao rõ rệt.
Nhận định thêm về phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, TS. Lê Viết Khuyến – nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, có thể nói hệ tín chỉ là một trong những công cụ quan trọng để chuyển từ nền đại học mang tính tinh hoa (elitist) thành nền đại học mang tính đại chúng (mass).
“Với hệ tín chỉ sinh viên có thể chủ động ghi tên học theo các học phần khác nhau dựa theo những quy định chung về cơ cấu và khối lượng của từng lĩnh vực kiến thức. Nó cho phép sinh viên dễ dàng thay đổi ngành chuyên môn trong tiến trình học tập khi thấy cần thiết mà không phải học lại từ đầu” TS. Khuyến cho hay.
Để hệ tín chỉ sớm đi vào cuộc sống TS. Lê Viết Khuyến đã đưa ra một số khuyến cáo sạu, cả đối với Bộ GD&ĐT cũng như với các cơ sở giáo dục đại học.
Thứ nhất, không nên nghĩ hệ tín chỉ chỉ thích hợp với các trường "giàu" mà chính các trường "nghèo" lại càng cần phải triển khai sớm hệ tín chỉ. Có điều là trường "nghèo" muốn thành công thì phải làm theo kiểu "nghèo". Hệ tín chỉ ra đời khi các trường đại học trên thế giới còn rất nghèo.
Thứ hai, không nôn nóng, từng trường phải xác lập được lộ trình riêng cho mình để đi từ quy chế 25 tới quy chế 43.
Bộ GD&ĐT cần làm cho các trường hiểu được Quy chế 43 thực chất chỉ là "quy chế mẫu" để giúp trường hiểu được cách thức tổ chức quá trình đào tạo theo hệ tín chỉ, xác định được cái "đích" để đi tới hệ tín chỉ, còn con đường để đi tới cái “đích” đó phải do từng trường tự xác lập, bởi vì điều kiện ở các trường hoàn toàn không như nhau.
Thứ ba, không vội cắt giảm thời lượng lên lớp khi chưa thay đổi được phương thức dạy và học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động của người học. Không nên nhầm lẫn rằng cứ phải chuyển đổi đơn vị học trình thành tín chỉ thì mới được xem là học chế tín chỉ.
Thứ bốn, tham khảo kinh nghiệm của trường bạn là cần thiết nhưng không bắt chước rập khuôn.
Thứ năm, chỉ mua phần mềm quản lý khi đã ổn định được quy trình đào tạo.
Thứ sáu, phải chú trọng xây dựng đội ngũ cố vấn học tập. Cố vấn học tập không chỉ làm nhiệm vụ tư vấn học tập cho sinh viên mà còn phải làm cả nhiệm vụ quản lý sinh viên (như chức năng của giáo viên chủ nhiệm).
Cuối cùng, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành hệ thống văn bản đồng bộ tạo môi trường pháp lý thuận lợi triển khai hệ tín chỉ.