Đào tạo trực tuyến ở ĐH Mở TP.HCM giúp cơ hội học tập linh hoạt, mọi lúc mọi nơi

14/04/2024 06:24
Lưu Diễm
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nhiều người học tham gia chương trình cử nhân trực tuyến của Trường ĐH Mở TP.HCM bởi sự thuận tiện, hiện đại với mục tiêu “học ngắn hạn, tích lũy dài lâu".

Hiện nay, có thể nói, học trực tuyến là một phương thức linh hoạt, mang tính thuận tiện cho người học về thời gian và không gian. Phương thức này mang đến cơ hội học tập rộng mở cho nhiều người, không phân biệt giới tính, tuổi tác, nghề nghiệp, không chỉ trên cả nước mà còn hướng đến toàn khu vực Đông Nam Á.

Thành lập từ tháng 05/2016, Trung tâm đào tạo trực tuyến của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh định hướng xây dựng tiện ích hệ thống học tập online với chương trình đào tạo được thiết kế theo chuẩn chất lượng quốc tế của tổ chức Quality Matters (Hoa Kỳ).

Chương trình Cử nhân trực tuyến của trường tiếp cận nền tảng kiến thức nâng cao theo hướng ứng dụng thực tiễn với các bài tập tình huống đa dạng. Môi trường trực tuyến đảm bảo tính tương tác cao giữa các học viên và giảng viên, tương tự như hình thức học trực tiếp.

Thực hiện vai trò giáo dục mở, tạo bình đẳng cho mọi người

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Theo Điều 6 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14), hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa. Việc chuyển đổi giữa các hình thức đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.

Như vậy, hình thức đào tạo trình độ đại học từ xa là một trong ba hình thức đào tạo được cấp bằng hệ đại học. Với sứ mạng của nhà trường, Trung tâm đào tạo từ xa và Trung tâm đào tạo trực tuyến cũng có vai trò thực hiện giáo dục mở, tạo bình đẳng cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học, góp phần xây dựng xã hội học tập, nâng cao tri thức, năng lực nghề nghiệp cho người học bằng các phương thức linh hoạt, thuận tiện và hiệu quả.

thầy khang.jpg
Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Website nhà trường.

Để hoàn thành tốt mục tiêu giáo dục và phát triển sự nghiệp, với phương châm “lấy người học làm trung tâm”, nhà trường luôn định hướng cải thiện và nâng cao chất lượng chương trình, song song với việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tư vấn, giáo vụ.

Cụ thể, Trung tâm đã và đang thực hiện những nội dung cốt yếu như:

Thứ nhất, cơ sở tích cực tham gia các tổ chức, câu lạc bộ về giáo dục mở, đào tạo từ xa ở trong và ngoài nước.

Thứ hai, trung tâm thường xuyên rà soát chương trình đào tạo nhằm đảm bảo phù hợp; xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên đào tạo từ xa và trực tuyến; nhất là nâng cao về kỹ năng biên soạn nội dung, kiến thức, phương pháp tổ chức học tập.

Thứ ba, cơ sở giáo dục quyết tâm thực hiện chuẩn đầu ra của các hình thức đào tạo đạt chất lượng đồng đều như nhau, không phân biệt loại hình đào tạo.

Thứ tư, trung tâm ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào giảng dạy, phát triển kỹ thuật hiện đại trong đào tạo từ xa.

Chính vì vậy, trung tâm đào tạo từ xa có chức năng tổ chức, triển khai từ xa theo quy chế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức, đào tạo qua mạng; nghiên cứu, tư vấn, đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin cho nhà trường; chủ động hợp tác với các đơn vị tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để trao đổi kinh nghiệm, liên kết trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến; thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và công tác khác do Ban giám hiệu phân công.

Qua đó, trung tâm thể hiện mục tiêu mang đến cơ hội học tập linh hoạt, mọi lúc mọi nơi cho mọi người; đào tạo chương trình cử nhân, chứng nhận trực tuyến theo hệ đào tạo chính quy; đầu tư vào công nghệ tiên tiến và cơ sở hạ tầng phù hợp, hỗ trợ tối đa cho việc tự học; nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, sử dụng công nghệ thông tin và Internet.

Theo Tiến sĩ Lê Nguyễn Quốc Khang, về điểm thuận lợi, Trung tâm đào tạo trực tuyến được Bộ Giáo dục và Đào tạo dành nhiều sự quan tâm đến công tác giảng dạy và chất lượng học tập từ xa.

Mặt khác, phương thức đào tạo này cũng đặt ra một số thách thức. Nhà trường cần thực hiện giải pháp nhằm tạo điều kiện cho người học dễ dàng tiếp cận kiến thức, trau dồi kỹ năng; từ đó đảm bảo chất lượng đào tạo của hình thức trực tuyến phải ngang bằng với hình thức chính quy.

Song, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh luôn cập nhật, điều chỉnh chương trình giảng dạy, nội dung kiến thức, giáo trình học liệu nhằm đảm bảo điều kiện phù hợp với thời điểm học tập, bắt kịp xu hướng xã hội và nhu cầu của thị trường lao động.

Ngoài ra, để khẳng định vai trò của giáo dục mở, các cơ sở giáo dục cũng cần đồng lòng, cùng tăng cường công tác giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo bằng hình thức từ xa và trực tuyến. Từ đó, xã hội sẽ công nhận hơn, không còn định kiến phân biệt với hệ đại học chính quy, tránh việc coi đó như là một hình thức để chuẩn hóa cán bộ thiếu bằng cấp.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc thực hiện quản lý chất lượng cũng là một yếu tố vô cùng thuận lợi và đóng vai trò quan trọng; góp phần nâng cao phát triển cho Trung tâm đào tạo trực tuyến của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và hình thức đào tạo từ xa của các cơ sở giáo dục trên cả nước nói chung.

Xây dựng học liệu đa phương tiện phong phú

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: Là một đơn vị thuộc nhà trường, Trung tâm đào tạo trực tuyến góp phần xây dựng chức năng, nhiệm vụ chung của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ms-Thanh.png
Tiến sĩ Phan Thị Ngọc Thanh - Giám đốc Trung tâm đào tạo trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC.

Cụ thể, Trung tâm triển khai đào tạo các chương trình bậc cử nhân theo hình thức từ xa và trực tuyến kết nối qua mạng Internet. Bắt đầu tuyển sinh từ năm 2016, tính đến thời điểm hiện tại, sau 8 năm triển khai, nhà trường đã tổ chức và đào tạo 15 ngành học theo hình thức trực tuyến, bao gồm: Kế toán, Kiểm toán, Quản trị nhân lực, Du lịch, Quản lý xây dựng, Xã hội học,...

Hiện nay, theo nhiệm vụ được giao của Ban giám hiệu nhà trường, Trung tâm đào tạo trực tuyến thực hiện triển khai tuyển sinh người học theo phương thức xét tuyển.

Đối với đối tượng có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, nhà trường căn cứ dựa trên kết quả học tập bậc Trung học phổ thông (học bạ). Điểm xét tuyển là tổng 3 môn năm lớp 12 có cùng tổ hợp xét tuyển với ngành đăng ký dự tuyển. Còn đối với đối tượng có bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng; điểm xét tuyển là điểm trung bình chung tích lũy ở bậc cao đẳng, đại học.

Thời gian đào tạo là từ 2 đến 2,5 năm đối với các thí sinh đã tốt nghiệp cao đẳng cùng ngành hoặc đã tốt nghiệp đại học. Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương sẽ được đào tạo từ 4 đến 4,5 năm. Sinh viên có thể tăng cường độ học tập để hoàn thành chương trình sớm hơn.

Về cách thức học tập và đánh giá, sinh viên sẽ học trực tuyến khoảng 90% và học trực tiếp khoảng 10% tổng thời lượng học tập. Việc học trực tiếp được thực hiện mỗi học kỳ 1 lần, tối đa 03 buổi vào cuối tuần tại các cơ sở của trường. Sinh viên sẽ được tham gia miễn phí khóa học Kỹ năng học tập trực tuyến.

Theo Tiến sĩ Ngọc Thanh, nhà trường triển khai xây dựng nội dung học liệu đa phương tiện bao gồm các bài giảng điện tử, được đưa lên hệ thống quản lý học tập cho sinh viên. Khối kiến thức liên tục cập nhật, đổi mới bởi các giảng viên của nhà trường, từ những chuyên gia, người làm việc tại nhiều công ty, tổ chức, doanh nghiệp bên ngoài được mời về tham khảo lấy ý kiến.

Có thể nói, chương trình đào tạo được triển khai xây dựng đa dạng, công phu, nhằm đảm bảo sự phù hợp cho người học, mang tính đặc thù của hình thức đào tạo từ xa qua mạng.

Hơn nữa, hình thức đào tạo trực tuyến của nhà trường phải đảm bảo chất lượng kiến thức đồng đều với hệ chính quy. Theo đó, chương trình học tập trực tuyến có một số điểm khác biệt được điều chỉnh để phù hợp cho người học như: phương thức giảng dạy, kế hoạch triển khai,...

066A5150.jpg
Lễ tốt nghiệp chương trình Cử nhân đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: Website nhà trường.

Trước đây, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã có bề dày kinh nghiệm đào tạo từ xa thông qua nhiều hình thức khác nhau như thư tín, phát thanh, truyền hình,... Hiện nay, nhà trường không chỉ triển khai hình thức trực tuyến (online) qua mạng Internet cho hệ đào tạo từ xa, mà còn áp dụng một số nội dung cho hệ chính quy.

Điều này giúp cho các thầy cô giảng viên có thể cung cấp thêm tài liệu, bài tập và những hoạt động thực hành cho sinh viên. Vì vậy, trong giai đoạn đại dịch Covid-19 diễn ra, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được kế thừa và nhanh chóng bắt kịp với hình thức đào tạo trực tuyến, mà không phải xây dựng hệ thống từ đầu.

Đến thời điểm hiện tại, khả năng tiếp thu kiến thức trực tuyến của giảng viên và sinh viên đã trở nên rộng rãi và phổ biến hơn. Đặc biệt, số lượng học viên đăng ký tham gia chương trình đào tạo trực tuyến cũng tăng lên so với những năm trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra.

Chia sẻ về định hướng phát triển, Tiến sĩ Ngọc Thanh cho biết, Trung tâm cần tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh về ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, nhà trường thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người học, nhằm tạo động lực, động viên, theo dõi sát sao để sinh viên có thể duy trì và hoàn thành việc học tập của mình.

Cân bằng tiến độ học tập với chất lượng cuộc sống, công việc

Theo Tiến sĩ Ngọc Thanh, thực tế cho thấy, để hoàn thiện và tốt nghiệp chương trình đào tạo trực tuyến đòi hỏi người học phải có sự nỗ lực lớn, biết cách sắp xếp thời gian và có tính kỷ luật, kiên trì cao. Bởi vì, đa số học viên là những người đã có công ăn việc làm, có nhịp sống bận rộn, cần cân đối giữa thời gian học tập, tích lũy tín chỉ với cuộc sống gia đình, công việc.

Về mặt thuận lợi, hiện nay, chương trình đào tạo từ xa và trực tuyến đã nhận được nhiều sự chấp thuận, công nhận và quan tâm của xã hội. Chúng ta xem đây là một phương thức học tập hiệu quả, chất lượng và bài bản.

Căn cứ Luật số 34/2018/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, thì hiện nay không phân biệt các hình thức đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, đào tạo từ xa) và trên bằng tốt nghiệp không thể hiện hình thức đào tạo.

Cụ thể hơn, sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo trực tuyến, nhiều sinh viên, học viên đã có sự nghiệp phát triển, cơ hội thăng tiến rộng mở, có bước chuyển đổi về công việc của mình.

Bên cạnh đó, thách thức vẫn còn một số rào cản, ràng buộc từ phía người học, vì họ bận rộn với công việc trang trải cuộc sống gia đình, nên không thể liên tục duy trì việc học tập, khó sắp xếp được thời gian, mà phải bảo lưu kết quả.

066A4812.jpg
Lễ tốt nghiệp chương trình Cử nhân đào tạo từ xa theo phương thức trực tuyến, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023. Ảnh: Website nhà trường.

Chị Lê Minh Tú - Cựu sinh viên chương trình Cử nhân trực tuyến ngành Luật học Khóa 2020, hiện là quản lý tại một công ty ở Singapore chia sẻ lý do quyết định tham gia chương trình đào trực tuyến vì mục tiêu đào tạo của nhà trường khá rõ ràng.

Đó là trang bị cho sinh viên các kiến thức về pháp luật, cũng như nâng cao kỹ năng phản biện và áp dụng thực tiễn. Đồng thời, chương trình có sự sắp xếp hợp lý giữa các môn học trong từng học kỳ, thời gian làm bài kiểm tra cũng như các diễn đàn thảo luận.

Theo quan điểm của chị Minh Tú, chương trình đào tạo có sự phân bổ hợp lý giữa các môn đại cương và chuyên ngành. Điều này có thể giúp cho sinh viên nắm được kiến thức phổ rộng cũng như chuyên sâu. Nhà trường thiết kế nội dung giảng dạy giữa các môn học có sự gắn kết với nhau.

Ví dụ, sinh viên được học Luật Dân sự 1, Luật Dân sự 2 rồi mới đến môn Luật Tố tụng dân sự; hoặc tìm hiểu về Luật Hình sự trước rồi mới đến Luật Tố tụng hình sự.

Ngoài ra, giảng viên nhà trường truyền đạt bài bản kiến thức, yêu cầu người học phải tìm hiểu thêm các chủ đề trên nguồn mạng Internet, tham gia các bài tập thực hành, diễn đàn thảo luận để củng cố kiến thức sâu hơn.

Về tính ứng dụng của chương trình đào tạo, sinh viên hiểu được nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật, trau dồi kỹ năng tư duy logic, tư duy phản biện. Chẳng hạn, học viên được rèn luyện kỹ năng soạn thảo hợp đồng thương mại, hợp đồng dịch vụ,... Từ đó, người học có thể áp dụng nhiều hơn vào công việc, mở ra những cơ hội, tiềm năng mới cho ngành nghề trong tương lai.

1000-scaled.jpg
Chị Lê Minh Tú - Cựu sinh viên chương trình Cử nhân trực tuyến ngành Luật học Khóa 2020, hiện là quản lý tại một công ty ở Singapore. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ về kinh nghiệm cân bằng giữa tiến độ học tập với chất lượng cuộc sống, công việc, chị Minh Tú cho biết: “Trước mỗi học kỳ, sinh viên có thể cân nhắc khối lượng công việc của mình để đăng ký số lượng tín chỉ sao cho phù hợp, linh hoạt. Trong quá trình học tập, tôi cũng tranh thủ đăng ký trước một số học phần, để tránh trường hợp có những lúc bận đi công tác thì vẫn đảm bảo được tiến độ chương trình.

Theo tôi, tiếp thu thêm kiến thức mới là một hành trình, một trải nghiệm, thay vì coi đó là nhiệm vụ phải hoàn thành. Do đó, mặc dù tốn nhiều thời gian, công sức cho việc học và đối mặt với thử thách, nhưng nó trở thành động lực cho phát triển sự nghiệp của tôi.

Ngoài ra, điều tôi tâm đắc nhất về chương trình đào tạo trực tuyến là sự linh hoạt, không giới hạn thời gian và không gian. Sinh viên có thể học ở bất kỳ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu như trên tàu điện ngầm, máy bay, học buổi tối hay cuối tuần”.

Lưu Diễm