Đối tượng, nhu cầu học tập của xã hội ngày càng mở rộng đòi hỏi các trường học cần cung cấp môi trường giáo dục mở, đưa việc học đến gần hơn với người dân, để người dân được học tập bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào. Chính vì vậy, việc tăng cường, mở rộng đào tạo trực tuyến là một trong những chủ trương quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo.
Tiến sĩ Dương Thăng Long – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội. (Ảnh: Phạm Minh) |
Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Dương Thăng Long về các việc cần làm để đào tạo trực tuyến phát huy hiệu quả trong giáo dục.
Sự xuất hiện của dịch Covid - 19 đã cho mọi người nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ, đào tạo trực tuyến có phải đơn thuần chỉ là giải pháp trong giai đoạn dịch bệnh hay đó là một xu hướng mới của nền giáo dục hiện đại?
Tiến sĩ Dương Thăng Long: Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi vào tất cả ngành nghề, lĩnh vực, và giáo dục cũng không phải ngoại lệ. Việc ứng dụng những công nghệ mới nói chung và công nghệ đào tạo trực tuyến nói riêng vào giáo dục đào tạo là một yêu cầu khách quan, tất yếu.
Thực tế, quá trình này đã diễn ra trước khi dịch Covid - 19 xuất hiện. Trường Đại học Mở Hà Nội đã triển khai các hệ thống đào tạo từ xa bằng hình thức trực tuyến từ năm 2007. Song, vẫn phải khẳng định rằng, dịch bệnh chính là chất xúc tác để thúc đẩy nhanh hơn việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động của giáo dục đào tạo, trong đó có đào tạo trực tuyến.
Sự cần thiết của đào tạo trực tuyến được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ nhất là xuất phát từ nhu cầu tất yếu của xã hội loài người, nhu cầu học tập và học tập suốt đời. Rõ ràng, hiện nay, mục đích của người học không chỉ là bằng cấp mà còn để nâng cao trình độ, năng lực, trang bị những kỹ năng, gia tăng hiểu biết của mình. Đối tượng học tập cũng không giới hạn về độ tuổi, trình độ. Thậm chí có những người là giáo sư, tiến sĩ vẫn có nhu cầu học tập.
Vấn đề đặt ra là phải có môi trường học tập thuận lợi, để mọi người có cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi, học qua các thiết bị cá nhân của mình. Công nghệ đào tạo trực tuyến được áp dụng chính là để giải quyết nhu cầu học tập đó của xã hội.
Thứ hai, việc ứng dụng đào tạo trực tuyến cũng xuất phát từ nhu cầu nội tại của phương thức đào tạo từ xa. Cùng với nhu cầu học tập ngày càng cao của xã hội, trường đại học cần phải tạo nên những môi trường giáo dục mở, phải trang bị hệ thống công nghệ phục vụ đào tạo từ xa. Mô hình đào tạo trực tuyến là yếu tố bắt buộc để thực hiện nhiệm vụ đó.
Thứ ba, kết hợp với hình thức đào tạo trực tiếp, đào tạo trực tuyến sẽ làm gia tăng chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục. Ví dụ, khi một trường học xây dựng được kho học liệu điện tử, thiết kế bài giảng online hiệu quả, những giờ học trực tiếp sẽ thay đổi tích cực. Học sinh chủ động học những bài giảng online trước, khi lên lớp, giáo viên không phải truyền tải kiến thức bài học nữa, thay vào đó, lớp học sẽ đặt ra các vấn đề, đối chiếu với thực tiễn cuộc sống, nêu các câu hỏi và cùng nhau giải quyết vấn đề.
Điều này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ trực tuyến vào giáo dục đào tạo không phải chỉ là giải pháp tạm thời trong giai đoạn dịch bệnh mà là xu hướng phát triển của nền giáo dục hiện đại, một phương thức nhằm nâng cao chất lượng cho giáo dục và đào tạo.
Hạ tầng công nghệ, năng lực công nghệ là một trong những tiêu chí quyết định chất lượng của đào tạo trực tuyến. (Ảnh: Trường Đại học Mở Hà Nội) |
Theo thầy, để có một mô hình đào tạo trực tuyến đảm chất lượng thì cần đảm bảo được những yếu tố nào?
Tiến sĩ Dương Thăng Long: Chúng ta cần phân biệt giữa việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học trực tuyến với hệ thống đào tạo trực tuyến.
Ứng dụng công nghệ đơn giản là các cơ sở giáo dục chỉ sử dụng một số công cụ để dạy học từ xa như Zoom, Google Meet,... hay sử dụng Powerpoint, video để minh họa cho bài giảng. Tuy nhiên, về phương pháp dạy và học, cách thức tổ chức lớp học không có gì thay đổi.
Đối với một hệ thống đào tạo trực tuyến đúng nghĩa, chúng ta cần phải xây dựng một mô hình bài bản, đảm bảo những yêu cầu về nhân lực, chương trình, học liệu, hạ tầng công nghệ, phương pháp dạy học, hành lang pháp lý...
Thứ nhất, cần thay đổi về phương pháp dạy và học. Giáo viên cần tạo được những bài giảng online chất lượng, hấp dẫn, sau đó tổ chức các hoạt động dạy học theo phương pháp mới trên lớp học đồng bộ thời gian. Nếu vẫn giữ phương pháp dạy học cũ, giảng lại kiến thức đã có trên bài giảng điện tử thì đào tạo trực tuyến không phát huy hiệu quả.
Bản thân người học cũng cần thay đổi về phương pháp học tập, phải chủ động tham gia học tập trên môi trường công nghệ. Khi tham gia vào lớp học đồng bộ thời gian, người học phải đặt vấn đề, đặt câu hỏi và cùng giải quyết những vấn đề mà lớp học nêu ra. Đào tạo trực tuyến đòi hỏi giáo viên không chỉ dạy mà còn phải học, đòi hỏi người học không chỉ học mà còn phải biết nêu vấn đề.
Thứ hai là hành lang pháp lý và những quy định đối với đào tạo trực tuyến. Trước tiên, cần phải công nhận việc học tập của học sinh và hoạt động giảng dạy của thầy cô khi tham gia mô hình đào tạo trực tuyến. Một khi đã thống nhất phương pháp dạy học, cách thức tổ chức lớp học và đưa vào áp dụng thì cần phải công nhận quá trình học tập cũng như kết quả học tập của học sinh.
Đối với giáo viên, mô hình đào tạo trực tuyến đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ cao hơn cho thầy cô. Giáo viên vừa phải thiết kế bài giảng điện tử, tổ chức hoạt động lớp học theo phương pháp mới và phải đồng hành với người học trong suốt quá trình học tập. Như vậy, thầy cô không chỉ tham gia giảng dạy trên lớp, vậy phải công nhận những hoạt động của giáo viên ngoài giờ lên lớp.
Tuy nhiên, đi cùng với sự công nhận là vấn đề xác thực và kiểm định. Xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến cần đặt ra được những tiêu chí, tiêu chuẩn để đánh giá, đo đếm, kiểm tra quá trình, kết quả, chất lượng của hoạt động dạy và học. Điều này giúp loại bỏ những hành vi gian lận, sai phạm, đồng thời nâng cao chất lượng của đào tạo trực tuyến.
Thứ ba là yếu tố hạ tầng công nghệ phục vụ đào tạo trực tuyến. Có thể nói đây là một trong những vấn đề thách thức của nhiều cơ sở giáo dục. Chi phí đầu tư ban đầu cho hạ tầng công nghệ là rất lớn, nếu không khai thác hiệu quả thì giá trị hao mòn nhanh, bởi lẽ công nghệ đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên, nếu đầu tư nửa vời thì không thể đáp ứng mục tiêu của đào tạo trực tuyến.
Quan điểm của tôi là giáo dục chia sẻ, các trường hoàn toàn có thể hỗ trợ cho nhau để cùng tham gia vào quá trình dạy học trực tuyến. Ví dụ một trường với hạ tầng công nghệ tốt, xây dựng được những bài giảng online, học liệu điện tử chất lượng thì có thể chia sẻ với những trường học khác.
Hoặc chúng ta cũng có thể tạo ra những môi trường công nghệ kết nối, tạo nên những cộng đồng học tập rộng lớn, ở đó, người học có thể kết nối với chuyên gia bất cứ lúc nào họ cần. Ví dụ ở nước Mỹ có hình thức Homeschooling, người học học ở nhà, học bất cứ nơi đâu khi môi trường công nghệ giúp họ kết nối chuyên gia để học tập.
Trong hạ tầng công nghệ không thể không nhắc đến nền tảng, phần mềm công nghệ hỗ trợ dạy học trực tuyến. Hiện nay, một số công cụ hỗ trợ dạy học trực tuyến đang bị giới hạn về các tính năng đối với hoạt động dạy học. Do đó, cần có một phần mềm, công cụ bổ sung được những tính năng phù hợp với giáo dục, quản lý đào tạo, dạy học.
Trên nền tảng công nghệ lõi, các trường có thể phát triển thêm những công nghệ mới như công nghệ nhận diện khuôn mặt đảm bảo theo dõi quá trình học tập của người học, công nghệ đo đếm cảm xúc, mức độ tập trung của người học...
Trường Đại học Mở Hà Nội cũng đã tạo một phần mềm dạy học trực tuyến với những tính năng mới, cho phép thầy cô Streaming, thu nhận video người học, người dạy để truyền tải cho nhau, trao đổi, tương tác với nhau trên công cụ đó.
Thứ tư, đào tạo trực tuyến phải đảm bảo về chương trình, học liệu điện tử. Đây cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng khi chúng ta xác định một mô hình đào tạo trực tuyến. Trường học cần xây dựng thư viện số, tài nguyên giáo dục mở trực tuyến, học liệu điện tử, các bài giảng online đảm bảo tính hấp dẫn, dễ tiếp cận với người học, có khả năng tương tác và đảm bảo cá nhân hóa việc học tập.
Xây dựng học liệu điện tử, tài nguyên giáo dục mở trực tuyến là một việc làm quan trọng trong đào tạo trực tuyến. (Ảnh: Phạm Minh) |
Rõ ràng hành lang pháp lý là một yếu tố rất cần cho việc triển khai đào tạo trực tuyến, Tiến sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn quy định pháp lý cũng như kiểm định chất lượng trong đào tạo trực tuyến hiện nay?
Tiến sĩ Dương Thăng Long: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quy chế đào tạo trình độ đại học (kèm theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT). Theo đó, có một số quy định mới như trường đại học được tổ chức các lớp học trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng chất lượng lớp học trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp; Thời lượng tối đa (chính quy hay vừa làm vừa học) 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến.
Đối với giáo dục phổ thông, trong giai đoạn dịch Covid - 19, Bộ cũng đã có các văn bản hướng dẫn sử dụng các công cụ hỗ trợ cho dạy học trực tuyến. Và mới đây, Thông tư Quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên cũng đã được ban hành.
Hành lang pháp lý đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn rất cần những quy định cụ thể, chi tiết đối với các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đào tạo trực tuyến.
Cụ thể với giáo dục đại học, quy định cho phép tổ chức các lớp học trực tuyến khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; có các giải pháp bảo đảm chất lượng và minh chứng chất lượng lớp học trực tuyến không thấp hơn chất lượng lớp học trực tiếp. Vậy, những yếu tố đảm bảo chất lượng đó là gì? Bản thân các trường đại học phải định nghĩa được những yếu tố đó.
Trường học có thể xác định được khi người học đăng ký nhập học không, có theo dõi được quá trình học tập, có cảnh báo khi người không không tham gia lớp học, hay có đánh giá được quá trình học, đo đếm kết quả học tập của người học hay không?
Về hạ tầng công nghệ, trường học áp dụng đào tạo trực tuyến cho 10.000 người học thì cần bao nhiêu năng lực công nghệ để có thể đáp ứng được. Tương tự như đào tạo truyền thống là các yêu cầu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên thì chúng ta cũng cần xác định được những yếu tố đảm bảo cho đào tạo trực tuyến. Quan trọng hơn chúng ta phải chứng minh được khả năng đáp ứng với những yếu tố đó.
Đây cũng chính là vấn đề về năng lực hạ tầng công nghệ. Ví dụ vấn đề lưu trữ trong đào tạo trực tuyến, kết quả học tập có được bảo mật không, liệu có bị thay đổi trên môi trường công nghệ? Điều này trường học cần đảm bảo, cần chứng minh.
Hiện nay, công nghệ Blockchain đang được ứng dụng để lưu trữ dữ liệu giúp dữ liệu không bị thay đổi trên môi trường số. Song, nếu ứng dụng công nghệ này thì thực hiện như thế nào cho phù hợp. Để ứng dụng toàn bộ là rất khó bởi càng nhiều dữ liệu, chi phí càng lớn. Vậy, trường học lại phải chọn lọc lớp dữ liệu nào cần bảo mật tuyệt đối để ứng dụng công nghệ Blockchain, những dữ liệu khác có thể ứng dụng lưu trữ ngay trên hệ thống công nghệ đào tạo trực tuyến.
Khi nhà trường đã đảm bảo những tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định về đào tạo trực tuyến thì cơ quan thẩm định chất lượng phải vào cuộc. Cơ quan kiểm định là một tổ chức độc lập, những người tham gia kiểm định phải trang bị được những năng lực để kiểm tra, đánh giá những tiêu chí mà trường học đã xác lập.
Từ kinh nghiệm về đào tạo trực tuyến của những quốc gia trên thế giới, ví dụ như ở Hàn Quốc, họ đã mở những trường đại học trực tuyến. Theo thầy, trong tương lai Việt Nam chúng ta có nên hướng đến mô hình trường đại học trực tuyến như vậy không?
Tiến sĩ Dương Thăng Long: Nếu làm được như vậy thì thực sự rất tốt. Ở Hàn Quốc, có những trường đại học trực tuyến, họ tổ chức những khóa học trực tuyến cho sinh viên các trường khác. Hay trong một chương trình đào tạo, có những khóa học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn trực tiếp, trường đại học trực tuyến sẽ tổ chức hoạt động học tập cho các trường đại học khác.
Như vậy, khả năng kết nối và chia sẻ giữa những trường đại học trực tuyến và những trường đại học khác sẽ được mở rộng. Xu thế để tạo ra một trường đại học trực tuyến là rất cần thiết trong tương lai. Thay vì tất cả các trường đều phải đầu tư nguồn lực để cho hạ tầng công nghệ, xây dựng hệ thống học liệu, nội dung số, tổ chức hoạt động học tập thì sẽ có một cơ sở giáo dục chuyên về đào tạo trực tuyến làm những công việc đó. Điều này có thể giúp tránh việc đầu tư dàn trải, gây lãng phí và tốn kém. Tất nhiên, các trường đại học trực tuyến cũng phải chứng minh được chất lượng đào tạo của mình.
Trân trọng cảm ơn Thầy!