Đáp án đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn: Thí sinh sẽ dễ dàng được 6-7 điểm

02/07/2023 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 môn Ngữ văn, thí sinh dễ lấy điểm 6, 7 và sẽ có nhiều điểm 8.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2023 môn Ngữ văn. Người viết là giáo viên Ngữ văn bậc trung học phổ thông, xin có đôi điều cùng chia sẻ về đáp án này.

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn 2023. (Ảnh: Cao Nguyên)

Đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn 2023. (Ảnh: Cao Nguyên)

Phần đọc hiểu, câu 1, thí sinh trả lời đúng thể thơ tự do là được 0,75 điểm. Nếu trả lời thể thơ khác, thí sinh sẽ bị 0 điểm.

Câu 2, thí sinh cần chỉ ra được những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè: “tiếng sấm gõ”, “bầu trời thật thấp”, “gió từ đất thổi lên”, “cát bay, lá bay, đá bay. Thí sinh chỉ cần trả lời đúng 3 từ ngữ, hình ảnh sẽ được 0,75 điểm. Hầu hết thí sinh sẽ đạt 1,5 điểm ở câu 1, câu 2 phần đọc hiểu.

Câu 3, thí sinh không cần chỉ ra biện pháp tu từ so sánh mà chỉ cần nêu tác dụng. Cần trả lời được 2 nội dung chính: khắc họa rõ nét mức độ liên tiếp của những giọt mưa; và kí ức tuổi thơ của tác giả.

Thí sinh có thể trả lời cách khác, miễn sao phù hợp với nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ là được 0,75 điểm. Thí sinh cần nói thêm, làm cho những dòng thơ sinh động, tăng sức gợi hình, gợi cảm (0,25 điểm). Thí sinh dễ dàng đạt từ 0,75 điểm ở câu hỏi này.

Câu 4 yêu cầu thí sinh trả lời được suy ngẫm của tác giả: Trong cuộc sống, ai cũng trải qua khó khăn, thử thách. Từ đó, rút ra một bài học về lẽ sống phù hợp.

Gợi ý: biết khắc phục khó khăn để vươn lên; biết rèn luyện ý chí từ trong khó khăn. Với câu hỏi này, thí sinh có thể trả lời theo quan điểm của bản thân, miễn sao hợp lí là đạt yêu cầu. Thí sinh dễ dàng lấy từ 0,75 ở câu hỏi này.

Nhìn chung, đa số thí sinh có thể đạt mức từ 2,25 đến 3,0 điểm ở phần đọc hiểu. Kéo theo điểm thi môn Ngữ văn năm nay có khả năng sẽ ít điểm dưới trung bình so với năm ngoái.

Đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Đáp án đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn. (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Phần làm văn, câu nghị luận xã hội, cần bảo đảm yêu cầu về hình thức đoạn văn – nghĩa là đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ (khoảng 2/3 mặt giấy thi), trình bày theo một cách hoặc kết hợp: diễn dịch; quy nạp; móc xích; song hành; tổng-phân-hợp và đảm bảo yêu cầu cấu trúc đoạn văn (0,25 điểm).

Thí sinh cần xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Sự cần thiết phải biết cần bằng cảm xúc trong cuộc sống (0,25 điểm).

Thí sinh triển khai nội dung theo quan điểm của bản thân, gợi ý: cân bằng cảm xúc cần thiết để mỗi người điều chỉnh bản thân, có thái độ sống chủ động, lạc quan; xây dựng các mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp, vươn đến thành công, ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng.

Cùng với đó, bài làm cần đảm bảo chính tả, từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt (0,25 điểm). Ngoài ra, những bài viết sáng tạo, có nghĩa là thể hiện suy nghĩ sâu sắc, có ý tưởng riêng phù hợp với vấn đề nghị luận, có cách lập luận diễn đạt mới mẻ thì được 0,25 điểm.

Nhận định, thí sinh dễ dàng đạt từ 1,25 điểm/2 điểm ở câu nghị luận xã hội.

Câu nghị luận văn học, yêu cầu thí sinh đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (có mở bài, thân bài, kết bài), 0,25 điểm.

Xác định vấn đề cần nghị luận: Nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Vợ nhặt”; cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện qua đoạn trích (0,5 điểm).

Triển khai vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu khái quát về nhà văn Kim Lân, tác phẩm “Vợ nhặt” và vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm). Phân tích nội dung (1,75 điểm), nghệ thuật (0,5 điểm) đoạn trích và đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật (0,25 điểm).

Thí sinh cần trả lời được ý phụ: Nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện qua đoạn trích. Một số từ khóa có liên quan mà thí sinh có thể triển khai: người dân hướng về sự sống; hi vọng vào tương lai; cách nhìn của nhà văn chân thực, sâu sắc.

Người viết nhận thấy đáp án câu nghị luận văn học khá rõ ràng, đơn giản, đa số thí sinh có thể đạt mức từ 2,5 điểm/5 điểm.

Ngoài ra, nhiều giáo viên Ngữ văn cho rằng, đáp án câu 3, câu 4 phần đọc hiểu; câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học cũng chỉ là một hướng tham khảo. Giám khảo cần căn cứ nội dung bài làm của thí sinh để cho điểm phù hợp, tránh đếm ý sẽ gây thiệt thòi cho các em.

Ví dụ, thí sinh có thể trả lời câu 3 phần đọc hiểu như sau: Phép so sánh tạo cho câu thơ sinh động, cụ thể hóa hình ảnh, biểu cảm gần gũi. Mưa như những ngón tay, mưa như đưa trở về tuổi thơ thân yêu.

Hay câu nghị luận văn học, thí sinh có thể mở rộng vấn đề nghị luận: Trước nạn đói, cái chết nhưng các nhân vật trong tác phẩm "Vợ nhặt" vẫn đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng khiến chúng ta cần phải có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.

Thí sinh cũng có thể so sánh với các tác phẩm đương thời để làm nổi bật ý nghĩa của phần kết thúc tác phẩm. Chẳng hạn, nhà văn Ngô Tất Tố để nhân vật chị Dậu vùng lên chống áp bức của bọn địa chủ nhưng rồi cuối cùng trước mắt chị là “trời tối đen như mực giống như cái tiền đồ của chị”.

Nhưng ở “Vợ nhặt”, nhà văn Kim Lân đã để cho những người nông dân hướng về tương lai. Ông đã hướng họ vào ánh sáng của tương lai, của cách mạng “Trong óc Tràng bỗng hiện lên đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.

Đó là cái nhìn nhân đạo mới mẻ của nhà văn Kim Lân. Ông nhìn thấy ở họ ánh lên vẻ đẹp của tình người, niềm tin cuộc sống và khát vọng một tương lai tươi sáng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên