Dấu ấn năm 2023 của Bộ Nội vụ và những thay đổi mang đến tin vui cho giáo viên

31/12/2023 06:37
Thành An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm 2023, ngành Nội vụ đã ghi nhiều dấu ấn tích cực khi thực hiện có hiệu quả “3 đột phá, 4 trọng tâm”.

Chiều ngày 20/12/2023, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ.

Theo Vietnamnet.vn, chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ vào chiều 20/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết: “Tôi phụ trách 10 Bộ, chị Trà (Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà) là người nhắn tin, gọi điện cho tôi nhiều nhất, các thứ trưởng cũng vậy để thúc đẩy công việc”.

Phó Thủ tướng đánh giá, Bộ trưởng Nội vụ giao việc có định lượng, cụ thể và đánh giá định kỳ rất mạch lạc. Ví dụ, bao nhiêu việc một tháng không xong thì sẽ bị xử lý ra sao. Chính sự quyết tâm, quyết liệt và điều hành khoa học như vậy nên công việc của Bộ năm qua rất chạy.

Tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn vì suốt những ngày vừa qua chúng tôi cùng Bộ Nội vụ cố gắng giải quyết vướng mắc để ký ban hành một số nghị định do Bộ tham mưu để kịp ban hành” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chia sẻ. [1]

Cụ thể, điểm lại một số thành tựu nổi bật trong năm qua có những đóng góp của ngành Nội vụ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao ngành đã xây dựng được Nghị định số 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đặc biệt là đề xuất bỏ thi thăng hạng viên chức...

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Tôi rất thích việc bỏ thi thăng hạng viên chức, tới đây sẽ bỏ một số ‘món thi’ khác. Việc bỏ thi này không ảnh hưởng đến công việc nhưng mọi người vẫn trưởng thành được”. [2]

Qua đó, Phó Thủ tướng cũng ghi nhận sự đoàn kết, gắn bó trong lãnh đạo Bộ cùng toàn thể tập thể Bộ Nội vụ. Đây là điều không dễ. So với các Bộ ngành khác, Bộ Nội vụ được giao rất nhiều nhiệm vụ về xây dựng thể chế. Công tác phối hợp của Bộ Nội vụ và các Bộ ngành khác cùng Sở Nội vụ địa phương cũng tốt. Đây cũng là yếu tố quan trọng làm nên thành công của Bộ trong năm qua.

Thời gian qua, Bộ Nội vụ cũng thể hiện sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng ngành giáo dục, quan tâm đến nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành và có nhiều công văn, hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ được đông đảo cán bộ quản lý, giáo viên đồng tình.

Đặc biệt, cuối năm 2023, Bộ Nội vụ đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng đối với viên chức. Theo đó, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện của hạng cao hơn liền kề sẽ được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2023 về tuyển dụng và quản lý viên chức, trong đó, các quy định liên quan đến thi thăng hạng viên chức được bãi bỏ, thông tin này chính thức trở thành tin vui của biết bao cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Đường - giáo viên môn Lịch sử (Trường Trung học phổ thông Phú Xuyên A, Hà Nội) - người từng đại diện hàng nghìn giáo viên Hà Nội viết tâm thư kiến nghị bỏ thi thăng hạng, chia sẻ: “Theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành, các quy định liên quan đến thi thăng hạng viên chức được bãi bỏ. Đây quả thực là một tin vui đối với chúng tôi.

Thay mặt cho hàng nghìn giáo viên Hà Nội, tôi xin gửi lời cảm ơn đến Bộ Nội vụ, Chính phủ đã kịp thời lắng nghe, quan tâm đến chính sách cho giáo viên, nhất là đối với việc bỏ thi thăng hạng viên chức. Đó là sự chỉ đạo quyết liệt và cũng là sự quan tâm thiết thực nhất đối với chúng tôi. Mong rằng, Bộ Nội vụ sẽ có những hướng dẫn cụ thể đến các địa phương để thực hiện thật thuận lợi, không gặp nhiều vướng mắc.

Thời gian tới, chúng tôi mong rằng, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục quyết liệt, sát sao, quan tâm đến các chế độ chính sách cho nhà giáo một cách linh hoạt”.

Trước đó, sự quyết liệt của Bộ Nội vụ trong công tác cải cách hành chính, nhiều chuyên gia cũng đã đánh giá rất cao những kết quả đạt được, nhất là sự gương mẫu, đi đầu, tiên phong trong thực hiện của chính Bộ Nội vụ.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng đánh giá: “Thời gian qua, về tinh giản biên chế đã và đang được thực hiện rất nghiêm túc. Bộ Nội vụ cũng rất chịu khó lắng nghe những ý kiến, tổng kết từ thực tiễn của xã hội, của người dân trong suốt quá trình. Chuyện tinh giản biên chế đã nói từ rất lâu, nhưng lần này, tôi thấy Bộ Nội vụ đã thực sự “xắn tay” để làm việc, và rõ ràng, cũng đã có những biểu hiện rất tích cực, đã có kết quả, số liệu cụ thể.

Mặt khác, Bộ Nội vụ cũng chủ động tìm nhiều biện pháp để tinh giản biên chế, đưa ra những giải thích chính đáng tại sao lại cắt ở đây, giảm ở kia..., không phải cắt giảm cơ học. Bởi vì, mục tiêu của câu chuyện tinh giản biên chế không phải chỉ là cắt giảm bớt số người làm việc mà là tinh gọn bộ máy để làm việc có hiệu quả”.

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội vụ, trong năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Đối với ngành Nội vụ, với phương châm hành động “Đoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, không ngừng đổi mới, sáng tạo, linh hoạt thực hiện tốt “3 đột phá, 4 trọng tâm”, tạo được sự chuyển biến toàn diện, rõ nét với những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước và từng địa phương.

Tóm tắt những thành tựu tiêu biểu mang dấu ấn của Bộ Nội vụ trong năm qua. Thiết kế: Thành An.

Tóm tắt những thành tựu tiêu biểu mang dấu ấn của Bộ Nội vụ trong năm qua. Thiết kế: Thành An.

Thứ nhất, tập trung cao cho xây dựng và hoàn thiện thể chế. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 01 dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV; chủ trì xây dựng 04 văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành 14 Nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 14 Nghị định, 03 Nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 20 Quyết định và 03 Công điện; Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành theo thẩm quyền 22 Thông tư, 07 văn bản hợp nhất.

Thứ hai, tiếp tục tham mưu Chính phủ đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, nhất là đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ ba, cải cách mạnh mẽ về công vụ, công chức; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và tập trung giải pháp khắc phục tình trạng cán bộ né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm thực thi công vụ; điều chỉnh mức lương cơ sở lên 20,8% từ 01/7/2023; tích cực tham mưu thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương bảo đảm đồng bộ, thống nhất để thực hiện từ 01/7/2024...

Thứ tư, tập trung tham mưu triển khai quyết liệt thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Tích cực tham mưu Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thành lập 60 đơn vị hành chính đô thị của 12 tỉnh và sắp xếp, mở rộng không gian đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của nhiều địa phương.

Tính đến hết năm 2023, đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập; riêng năm 2023 đã giảm 236 đơn vị, còn 46.385 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2022 có 46.621 đơn vị); trong đó, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư là 345 đơn vị (tỉ lệ 0,74%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên là 2.538 đơn vị (tỉ lệ 5,47%), đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên là 8.559 đơn vị (tỉ lệ 18,45%), đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên là 34.943 đơn vị (tỉ lệ 75,34%).

Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 15/12/2023, tổng số đối tượng tinh giản biên chế là 7.151 người (trong đó: Trung ương 146 người; địa phương 7.005 người).

Thứ năm, chủ động tham mưu nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy và công vụ, công chức, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chính quyền số...

Thứ sáu, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực như: Thi đua - khen thưởng; quản lý tổ chức hội, quỹ đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, phát huy tích cực vai trò các tổ chức Hội trong tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã chủ động, quyết liệt, quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số góp phần thay đổi nhận thức và phương thức làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ và toàn ngành Nội vụ.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, khó khăn vướng mắc từ thực tiễn cần được khắc phục nghiêm túc, khẩn trương, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế các lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành Nội vụ.

Nhiều vấn đề phát sinh mới đòi hỏi nghiên cứu sâu và có giải pháp chiến lược, khoa học, căn cơ: tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc; tình trạng cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ sai, không dám làm; kỷ luật, kỷ cương và hoạt động công vụ, đạo đức và văn hóa công vụ nhiều nơi chưa nghiêm. Việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ gắn vị trí việc làm và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế.

Tham mưu thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền ở Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Trong khi đó yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 cũng như những năm tới của ngành Nội vụ là rất nặng nề.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/pho-thu-tuong-chi-tra-goi-dien-cho-toi-nhieu-nhat-de-thuc-day-cong-viec-2229359.html

[2] https://thanhnien.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-ung-ho-bo-thi-thang-hang-vien-chuc-185231220212926627.htm

Thành An