Tinh gọn bộ máy hiệu quả mới có điều kiện để cải cách tiền lương, tăng thu nhập

30/06/2023 08:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ Nội vụ cùng một số Bộ ngành đã tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tạo ra một số kết quả tích cực, cụ thể.

Bộ Nội vụ đã thực sự “xắn tay” vào việc, mang lại kết quả cụ thể

Bộ Nội vụ vừa ban hành Báo cáo số 2976/BC-BNV kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023.

Theo báo cáo, sau sắp xếp bộ máy, Bộ Nội vụ đã giảm 3 chức danh Vụ trưởng và tương đương, giảm 9 chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương tại các cơ quan thuộc Bộ; giảm 2 chức danh tương đương Tổng cục trưởng; giảm 8 chức danh tương đương Phó Tổng cục trưởng; giảm 22 chức danh Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục; giảm 66 chức danh Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc Tổng cục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội đánh giá: “Thời gian qua, Chính phủ đã rất quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, từ Trung ương đến địa phương, trên tinh thần tinh gọn bộ máy mà vẫn làm việc hiệu quả.

Với những nỗ lực, cố gắng trong thời gian qua, Bộ Nội vụ cùng một số Bộ ngành khác đã tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này và đã có những kết quả cụ thể”.

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: giaoduc.net.vn

Ông Lê Như Tiến. Ảnh: giaoduc.net.vn

Đồng quan điểm đó, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng cho rằng: “Thời gian qua, về tinh giản biên chế đã và đang được thực hiện rất nghiêm túc. Bộ Nội vụ cũng rất chịu khó lắng nghe những ý kiến, tổng kết từ thực tiễn của xã hội, của người dân trong suốt quá trình.

Chuyện tinh giản biên chế đã nói từ rất lâu, nhưng lần này, tôi thấy Bộ Nội vụ đã thực sự “xắn tay” để làm việc, và rõ ràng, cũng đã có những biểu hiện rất tích cực, đã có kết quả, số liệu cụ thể.

Mặt khác, Bộ Nội vụ cũng chủ động tìm nhiều biện pháp để tinh giản biên chế, đưa ra những giải thích chính đáng tại sao lại cắt ở đây, giảm ở kia..., không phải cắt giảm cơ học. Bởi vì, mục tiêu của câu chuyện tinh giản biên chế không phải chỉ là cắt giảm bớt số người làm việc mà là tinh gọn bộ máy để làm việc có hiệu quả”.

Ông Lê Như Tiến cũng phân tích thêm: “Không chỉ tinh giản biên chế, giảm đầu mối, mà Bộ Nội vụ còn nghiên cứu, tham vấn và thực hiện rất nhiều đề xuất tích cực khác, như cắt giảm các thủ tục hành chính phiền hà cho người dân, cắt giảm những quy định không cần thiết như những chứng chỉ không cần thiết trong tuyển dụng công chức, viên chức. Bởi vì, nếu giữ những quy định yêu cầu về chứng chỉ không cần thiết, sẽ lại sinh ra những tiêu cực về chứng chỉ, sinh ra tình trạng mua bán bằng cấp... Vậy nên, theo tôi, đây là điều rất hay, rất tích cực.

Chúng ta phải học hỏi theo xu hướng tổ chức bộ máy gọn nhẹ, thực chất của một số nước phát triển, tiếp nhận nhân sự với trình độ, năng lực cụ thể theo đúng vị trí việc làm. Tuyển dụng nhân sự bằng thức phỏng vấn, giao nhiệm vụ, công việc cụ thể để thực hiện, hoặc đặt ra tình huống cụ thể để xử lý, thay vì đưa các thí sinh vào phòng kín viết vài trang giấy; có như vậy, mới có thể vị trí nào, tuyển được người giỏi, người hay ở vị trí đó”.

Theo ông Lê Như Tiến, bên cạnh việc đi đầu, gương mẫu trong việc tinh giản bên chế và thi tuyển dụng đầu vào theo đúng vị trí công việc, Bộ Nội vụ cũng cần có hướng dẫn cụ thể cho tất cả các Bộ ngành, các tỉnh thành trong cả nước cùng thực hiện theo đúng quy định, để ngày càng tinh gọn bộ máy, giảm bớt cồng kềnh, giảm bớt sự phiền hà cho nhân dân và cho doanh nghiệp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, với tầm nhìn lớn của việc tinh giản biên chế chính là khái niệm “Bộ đa ngành”: “Như trước đây, chúng ta đã hợp nhất Bộ Thương mại và Bộ Công nghiệp thành Bộ Công Thương, đầu mối giảm, giảm cồng kềnh cho bộ máy, nhưng lại vận hành rất trơn tru, hiệu quả. Với đà suy nghĩ về “Bộ đa ngành”, tôi cho rằng, sẽ tinh gọn được bộ máy, đây là ý tưởng phát triển tốt trong tinh giản biên chế.

Tuy nhiên, cũng luôn phải lưu ý rằng, song song với việc tinh gọn bộ máy không phải là giảm hiệu quả công việc, mà là giảm bớt nhân sự nhưng lại làm việc mạnh mẽ hơn”.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về văn hóa - xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ảnh: Ngân Chi.

Đối với những chứng chỉ không cần thiết trong tuyển dụng công chức, viên chức, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cũng bày tỏ: “Chứng chỉ thì phải mang tính thiết thực, còn chứng chỉ chỉ mang tính hình thức, thì sẽ lại đẩy xã hội đến sự giả dối. Tội nguy hiểm nhất chính là đẩy con người đến sự giả dối.

Tôi lấy ví dụ, những người không có khả năng học và vị trí công việc cũng không cần đến ngoại ngữ thì chỉ nên khuyến khích, biết thêm ngoại ngữ là tốt, chứ không thể bắt buộc được. Vì nếu bị bắt buộc thì sẽ có tình trạng chạy vạy, mua bán, không có thực chất thì vô cùng lãng phí. Vì vậy, tôi cho rằng, quyết định như vậy của Bộ Nội vụ cũng là rất đúng đắn, hợp lòng người”.

Tinh giản biên chế mới có điều kiện cải cách tiền lương

Bên cạnh những phân tích trên, ông Lê Như Tiến bày tỏ: “Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng là một nữ Bộ trưởng rất năng động, am hiểu về công tác tổ chức cán bộ, công tác nội vụ, nên “miệng nói, tay làm”, Bộ Nội vụ đã có những biểu hiện tốt, tích cực, làm cho các cục, vụ, ban ngành của Bộ được tinh gọn, từ đó đúc rút được những kinh nghiệm, chia sẻ, lan tỏa ra cả nước.

Tôi đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng, bởi vì vai trò người đứng đầu của một Bộ luôn luôn rất quan trọng, người có tâm, có tầm, có bản lĩnh, có thể biến các chủ trương thành các hành động cụ thể, biến chủ trương thành các giải pháp, hành động, việc làm cụ thể.

Cũng có một thuận lợi, khi Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng đã từng là lãnh đạo của địa phương, từng là Bí thư tỉnh ủy Yên Bái, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái, nên khi về Trung ương, Bộ trưởng cũng đã phát huy được vai trò của mình.

Công tác tổ chức cán bộ, cải cách bộ máy, tinh giản biên chế trong thời gian qua được thực hiện rất tốt, mà có tinh giản biên chế thì mới có điều kiện để cải cách tiền lương”.

“Có thể, bước đầu, những “cái mới” còn có gặp phải khó khăn khi triển khai. Không có một thể nghiệm nào, không có một sự thay đổi nào, nhất là sự thay đổi về tổ chức, mà không gây những xáo trộn, khó khăn nhất định. Nhưng một khi đã có hướng đi đúng đắn, thì phải quyết tâm làm, và đã làm thì phải làm một cách đồng bộ, chắc chắn, chứ không phải làm một cách ồ ạt, xong cuối cùng lại thành “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hay “đánh trống bỏ dùi”... Sự quyết tâm, quyết liệt, làm đến cùng sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc biến chủ trương thành hành động, đưa chủ trương vào thực tiễn.

Mặc dù, có thể, khi thực hiện một chủ trương, không thể có hiệu quả ngay được, hãy làm đi, vừa làm, vừa hoàn thiện kế hoạch.

Chính vì vậy, những ai còn vì lợi ích mà khó chịu, thì hãy ủng hộ quyết định của Bộ Nội vụ, không nên đi ngược chiều mà kéo thụt lùi thành quả” - Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh.

Ngân Chi