GV mong đề xuất bỏ thi thăng hạng của Bộ Nội vụ sớm được Chính phủ xem xét

06/08/2023 06:48
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Ngày 4/8/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản giải đáp một số vấn đề trong quá trình thực hiện Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục. [1]

Trong đó, văn bản này có nội dung đáng chú ý sau đây:

"Đề xuất của giáo viên về việc bỏ hình thức thi thăng hạng là có căn cứ. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã nhận được văn bản gửi xin ý kiến từ Bộ Nội vụ về việc bỏ hình thức thi thăng hạng.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời nhất trí với nội dung này. Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cân nhắc, lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức thăng hạng giáo viên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ và bảo đảm xác định được những giáo viên thực sự xứng đáng để thăng hạng". [1]

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Vì sao cần bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên?

Người viết, là giáo viên bậc trung học phổ thông, nhận thấy có 6 lí do chính cần bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Thứ nhất, ngày 12/2/2020, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành về việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020. [2]

Theo đó, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục lưu ý các bộ ngành, địa phương hoàn thành việc xây dựng và ban hành kế hoạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/3/2020; hoàn thành việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập năm 2020 trước ngày 31/12/2020.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp nhưng vẫn có địa phương không tổ chức thi, ví dụ, năm 2020 Thành phố Hồ Chí Minh không tổ chức thi khiến giáo viên bị thiệt thòi quyền lợi chính đáng. [3]

Thứ hai, ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non và phổ thông công lập.

Chùm Thông tư này quy định đạo đức giáo viên theo hạng, rồi việc bổ nhiệm, xếp lương còn nhiều bất cập khiến thầy cô giáo bức xúc.

Đáng nói, không có bất cứ chứng cứ khoa học để chứng minh, giáo viên hạng cao hơn thì có đạo đức cao hơn giáo viên hạng thấp và ngược lại. Giáo viên phải chứng minh đạo đức nghề nghiệp của chính mình khiến họ cảm thấy bị tổn thương.

Vì vậy, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01,02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Tuy vậy, chùm Thông tư sửa đổi vẫn không thể giải quyết những bất cập trong việc bổ nhiệm, xếp lương các cấp.

Ví dụ, giáo viên trung học phổ thông có bằng thạc sĩ trước khi được tuyển dụng thì được xếp lương bậc 2 (2,67). Sau 7 năm công tác, họ giữ lương bậc 4 (3,33), nếu được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II sẽ có hệ số lương 4,0.

Trong khi, giáo viên trung học phổ thông hạng III lương bậc 6 (3,99), nếu được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II cũng chỉ được tăng hệ số lương lên 4,0.

Thứ ba, Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ giáo viên hạng III lên giáo viên hạng II như sau:

"Được thực hiện thông qua việc xét và chấm điểm hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II của mỗi cấp học." [4]

Thế nhưng, hiện ngành giáo dục nhiều địa phương không tổ chức xét (mà thi) thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II cho giáo viên bậc trung học phổ thông theo Thông tư 34/2021/TT-BGDĐT khiến thầy cô gặp nhiều bất lợi.

Thứ tư, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chia sẻ, các kỳ thi (thăng hạng) thời gian qua chưa gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng viên chức bởi nội dung còn hình thức, chưa sát vị trí việc làm và đặc thù công việc; viên chức trước và sau khi thăng hạng không có sự khác biệt về chất lượng công việc, năng lực. Việc thăng hạng hiện nay chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập của viên chức. [5]

Bộ Nội vụ cũng cho biết, với số lượng khoảng 1,8 triệu viên chức (trong đó có giáo viên), việc tổ chức kỳ thi thăng hạng hàng năm gây tốn kém.

Thứ năm, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp không ảnh hưởng đến quy định của Luật Viên chức 2010 do “hạng chức danh nghề nghiệp” không quy định tại Luật Viên chức mà chỉ được quy định tại các nghị định và thông tư hướng dẫn chuyên ngành (khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về cán bộ, công chức, viên chức sẽ có đủ căn cứ pháp lý để thay thế các nghị định và thông tư có quy định về nội dung này). [6]

Thứ sáu, bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc cho giáo viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - có nhiều điểm khác biệt so với Chương trình 2006.

Chẳng hạn, chương trình mới chuyển từ truyền thụ kiến thức sang hình thành phẩm chất, năng lực cho người học; có nhiều bộ sách giáo khoa; bậc trung học phổ thông xuất hiện môn mới - Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương.

Vì vậy, giáo viên cần nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu chương trình, lựa chọn sách giáo khoa, soạn giáo án mới hơn là học các văn bản quy phạm pháp luật và tiếng Anh để thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng sau đó thì rất hiếm khi sử dụng những phạm vi kiến thức này.

Ngoài ra, ngành giáo dục hiện có hơn 1 triệu viên chức, mỗi giáo viên dự thi phải đóng lệ phí 500.000 đồng. Nếu bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì mỗi năm sẽ tiết kiệm được nhiều tỉ đồng từ việc tổ chức thi và các chi phí kèm theo.

Giáo viên cả nước xin cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ đang tham mưu Chính phủ bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

Rất mong Chính phủ chấp thuận bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp để giảm áp lực cho cho giáo viên, giúp thầy cô chuyên tâm cho dạy học được tốt hơn.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-giai-dap-nong-mot-so-van-de-khi-trien-khai-thong-tu-08-post237136.gd

[2] https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/truoc-31-12-2020-phai-hoan-thanh-to-chuc-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-nam-2020-1491862247

[3] https://giaoduc.net.vn/tam-tu-cua-1-giao-vien-thpt-4-nam-cho-doi-de-du-thi-thang-hang-post237039.gd

[4] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-34-2021-tt-bgddt-213572-d1.html?relateTypeId=2

[5] https://vnexpress.net/bo-truong-noi-vu-se-bo-thi-xet-thang-hang-vien-chuc-4616930.html

[6] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vi-sao-can-phai-bo-thi-thang-hang-vien-chuc-tiep-tuc-phan-cap-thi-nang-ngach-cong-chuc-119230528073126775.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên