Ngày 22/11 Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài "Một số câu hỏi về Công nghệ giáo dục sau trả lời chất vấn của Bộ trưởng", nêu lại cụ thể, chi tiết những câu hỏi, vấn đề về nội dung cũng như cơ sở pháp lý triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại.
Mặc dù rất hoan nghênh Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục mà ông đang làm Giám đốc, đã lên tiếng về những thắc mắc của dư luận xung quanh "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà Báo phản ánh, nhưng còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời, hoặc trả lời không đúng nội dung câu hỏi.
Đến nay, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam chưa nhận được thông tin phản hồi nào mới từ Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về những câu hỏi, vấn đề chúng tôi nhắc lại và đặt ra trên cơ sở câu trả lời trước đó từ Giáo sư và Trung tâm.
Giờ học môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục của học sinh lớp 1, trường tiểu học Tá Bạ, xã Tá Bạ, huyện Mường Tè (Lai Châu). Nguồn: dantocmiennui.vn / Thông tấn xã Việt Nam. |
Ngày 25/11, trên website Diễn đàn Công nghệ giáo dục, Trung tâm Công nghệ giáo dục đăng bài "Đánh giá của Hội đồng Nhà nước về Công nghệ giáo dục về Công nghệ giáo dục".
Bài viết này trích dẫn toàn văn văn bản được cho là Biên bản Đánh giá nghiệm thu cấp nhà nước Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước Mã số 78-04-026, số 900/KHKT ngày 4/3/1991.
Biên bản này do Chủ tịch Hội đồng là Giáo sư Phó Tiến sĩ Lương Ngọc Toản - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ngày 8/12/1990, biểu quyết thông qua với 14/14 phiếu.
Đề tài được nghiệm thu là: “Mô hình nhà trường mới theo khả năng phát triển tối ưu của trẻ em Việt Nam bằng giáo dục thực nghiệm” (Phần cấp I phổ thông) do Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông chủ trì, GS.TS. Hồ Ngọc Đại, Giám đốc Trung tâm, làm chủ nhiệm đề tài. [1]
Xin lưu ý, Trung tâm Thực nghiệm giáo dục phổ thông nói trên là tiền thân Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ giáo dục thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam hiện nay, Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm Giám đốc trung tâm này từ năm 1977 đến khi nghỉ hưu năm 1999.
Còn đơn vị đang triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, đồng thời "thí điểm" hàng loạt đầu sách khác của công nghệ giáo dục Hồ Ngọc Đại là Trung tâm Công nghệ giáo dục thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thành lập từ năm 2013.
Biên bản này không phải căn cứ pháp lý triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục
Trong bài viết trả lời Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 14/11, Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục cho hay:
Tại sao mô hình Trường học mới thành công tại Colombia? |
"Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được Hội đồng nghiệm thu nhiều lần: 2 lần cấp quốc gia, 1 lần cấp Bộ, và lần nào cũng được xếp loại tốt, được đề nghị cho triển khai nhân rộng.
Hồ sơ còn được lưu tại Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
Và tất nhiên, hội đồng nghiệm thu là Hội đồng quốc gia theo Luật Giáo dục.
Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục lần thứ nhất là PGS.TS. Lương Ngọc Toản, khi đó là Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo." [2]
Chúng tôi đã có 2 công văn gửi Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và 2 buổi làm việc với cơ quan này để xác minh. Viện sẽ có trả lời chính thức bằng văn bản.
Thế nhưng biên bản số 900/KHKT mà Thứ trưởng Lương Ngọc Toản ký ngày 8/12/1990 không phải căn cứ pháp lý triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo duc vì một số lý do sau:
- Thứ nhất, đó là Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, không phải Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa theo Luật Giáo dục 1998, Luật Giáo dục 2005 hay Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009).
- Thứ hai, biên bản này không đánh giá, nghiệm thu bất kỳ một cuốn sách nào trong các đầu sách về công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, bao gồm cuốn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục mà chúng tôi đang phản ánh.
- Thứ ba, năm 2000 Quốc hội ra Nghị quyết số 40, trong đó quy định cả nước sử dụng một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất cho giáo dục phổ thông.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn và quy định sử dụng thống nhất trên cả nước Chương trình sách giáo khoa 2000, đó là chương trình hiện hành, căn cứ để viết sách giáo khoa phổ thông hiện nay.
Vậy những biên bản nghiệm thu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu có trước năm 2000 thì không có giá trị.
- Thứ tư, năm 2014 Quốc hội đã ra Nghị quyết số 88 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó cho phép thực hiện "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa".
Ảnh chụp màn hình bài phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên Báo Nhân Dân, trong đó ông có kể chi tiết về câu chuyện được cho là (nguyên) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giúp ông "lách luật". |
Tuy nhiên đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông mới (cả chương trình tổng thể lẫn chương trình bộ môn), nên căn cứ pháp lý để biên soạn sách giáo khoa vẫn phải là Chương trình năm 2000.
Bởi vậy, biên bản đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước mà Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục đưa ra không có giá trị làm căn cứ pháp lý để triển khai đại trà "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.
Vậy nếu Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Trung tâm Công nghệ giáo dục vẫn cho rằng, "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục là "sách giáo khoa" và được Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định, thông qua, kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép triển khai đại trà, Giáo sư và Trung tâm cần phải đưa ra bằng chứng thuyết phục.
Không thể lấy một biên bản từ năm 1990, không liên quan gì tới cuốn sách đang triển khai đại trà hiện nay để giải thích cho việc làm này.
Thực hư câu chuyện (nguyên) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bỏ tiền túi 50 triệu đồng thuê luật sư thẩm định và có hay không chuyện lách luật
Trong phần trả lời chính thức của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại hôm 14/11, câu hỏi về việc có phải (nguyên) Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và (nguyên) Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại "lách luật" hay không không được trả lời.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại được Báo Vietnamnet dẫn lời nói về chuyện này khi tham dự một chương trình bàn tròn trực tuyến trên Vietnamnet. [3]
Trong buổi làm việc giữa Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam với Giáo sư Hồ Ngọc Đại và cộng sự tại Trung tâm Công nghệ giáo dục hôm 1/11, ông khẳng định mình chưa từng nói ông Luận, ông Hiển lách luật, chưa từng nói ông Luận bỏ tiền túi thuê luật sư. [4]
Đây là lần đầu tiên Giáo sư Hồ Ngọc Đại nghe thấy chuyện này.
Tuy nhiên, người viết xin dẫn lại một đoạn Giáo sư Hồ Ngọc Đại phát biểu trên Báo Nhân Dân ngày 19/8/2013 về việc này:
"Anh Luận đã bỏ tiền túi đi tàu hỏa lên Lào Cai, thuê xe ôm đi về năm trường tiểu học ở địa phương để tự tìm hiểu chương trình tiếng Việt thực nghiệm đang được giảng dạy ở đây.
Sau khi tự mình mắt thấy tai nghe, Bộ trưởng đã biết rằng sách của tôi có thể triển khai đại trà được.
Nhưng để chắc ăn, anh Luận đã bỏ ra 50 triệu đồng thuê luật sư tư vấn về mặt pháp lý cho mình (đoạn in đậm là để người viết nhấn mạnh), sau đó mới gọi tôi lên và hỏi: “Thầy ơi, em làm như thế có được không?”.
Tôi trả lời Bộ trưởng bằng một câu hỏi: “Anh làm như thế mà không sợ à?”. Và Bộ trưởng trả lời tôi rằng: “Sợ thì em có sợ, nhưng Bác Hồ nói cái gì có lợi cho dân thì em làm”."
Ảnh chụp màn hình cuối bài phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại của tác giả Hồng Vân, nội dung Báo Nhân Dân in đậm để nhấn mạnh một việc làm trái Nghị quyết số 40 của Quốc hội. |
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân, Giáo sư Hồ Ngọc Đại khẳng định:
"Nghị quyết 40 của Quốc hội khóa 10 năm 2000 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã quy định cả nước chỉ dùng chung một bộ SGK.
Nhưng Bộ trưởng Luận đã dám công nhận bộ sách của tôi làm bộ sách thứ hai, đó là một người dám làm." [5]
Nội dung này được Báo Nhân Dân in đậm để nhấn mạnh.
Hơn nữa, không riêng cuốn "tài liệu thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, mà các đầu sách còn lại của Giáo sư Hồ Ngọc Đại được phép của Bộ trưởng Luận, có "riêng một góc trời", cho dù có trái Nghị quyết số 40 của Quốc hội.
Đây có phải là biểu hiện của việc biết luật để lách luật hay không, câu trả lời xin để dành cho Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Vũ Luận và Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Ngọc Đại.
Vì đó mới là thông tin một phía được Báo Nhân Dân, Báo Vietnamnet dẫn lời Giáo sư Hồ Ngọc Đại, chúng tôi đã tìm cách liên hệ với Giáo sư Phạm Vũ Luận để xác minh, nhưng chưa liên hệ được.
Để đảm bảo tính khách quan, đa chiều, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ có công văn gửi Giáo sư Phạm Vũ Luận qua đơn vị ông đang công tác là Trường Đại học Thương mại. Hy vọng chúng tôi sớm nhận được câu trả lời từ Giáo sư Luận.
Quan điểm mới
Trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết:
“Về việc thí điểm dạy tiếng Việt tiểu học, chúng tôi xin nhận khuyết điểm. Việc thẩm định chúng tôi phải làm trong thời gian tới.
Còn sau khi thẩm định mà các nhà chuyên môn đánh giá thấy không hợp lý thì với trách nhiệm của mình, chúng tôi phải dừng”. [6]
Đây là thái độ hết sức thẳng thắn, có trách nhiệm và rất đáng hoan nghênh của tân Bộ trưởng.
Hy vọng Bộ trưởng Nhạ sớm cho thẩm định các đầu sách công nghệ giáo dục, đồng thời kiểm tra lại việc triển khai ồ ạt, đại trà những "tài liệu thí điểm" chưa qua Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thẩm định để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan.
Trong bài trả lời của Trung tâm Công nghệ giáo dục và Giáo sư Hồ Ngọc Đại hôm 14/11, Giáo sư và Trung tâm cho biết: "Hiện giờ có 48 tỉnh/thành với gần 700 ngàn học sinh theo học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục."
Chúng tôi không có điều kiện kiểm chứng con số 700 ngàn học sinh đang tiếp tục thực hiện "thí điểm" Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đúng hay sai, nhưng nếu đúng thì tác động, ảnh hưởng của "tài liệu thí điểm" này quá lớn, không thể lường hết được. [2]
Tài liệu tham khảo:
[1]http://congnghegiaoduc.vn/tin-tuc/160-2016-11-25-04-23-42.html
[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/73075/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet.html