Đầu năm, học sinh THCS Quỳnh Tân bị gián đoạn học môn tiếng Anh do thiếu GV

08/10/2023 07:51
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thiếu giáo viên nên liên tục trong tuần thứ 2, thứ 3 của tháng 9, học sinh hai khối lớp 7, lớp 8 của Trường THCS Quỳnh Tân không được học môn tiếng Anh.

Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, từ đầu năm học đến nay, học sinh khối lớp 7 và khối 8 tại trường này chỉ được học tiếng Anh trong tuần đầu và tuần cuối của tháng 9. Các tuần còn lại trong tháng 9 và tuần đầu của tháng 10 vì không có giáo viên nên việc học tiếng Anh của hai khối lớp này liên tục bị gián đoạn.

Ngoài ra, phụ huynh cho biết thêm, trong các tuần tổ chức học tiếng Anh thì chỉ có duy nhất 1 giáo viên phụ trách dạy cho cả hai khối lớp. Vì có một giáo viên phụ trách nên ở các tuần được học môn tiếng Anh thì trong ngày đó số tiết dạy chỉ được bố trí cho từ 3 đến 5 lớp trên tổng số 10 lớp của cả hai khối.

Theo các phụ huynh, hiện tại môn tiếng Anh đang được dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, khối lượng kiến thức là khá nhiều nên việc học gián đoạn như vậy đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh.

Thời khóa biểu "trắng" tiết tiếng Anh của khối 7, khối 8 Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân. Ảnh: CTV

Thời khóa biểu "trắng" tiết tiếng Anh của khối 7, khối 8 Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân. Ảnh: CTV

Theo thông tin phụ huynh cung cấp, thời khóa biểu của khối 7, 8 Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân có hiệu lực từ ngày 6/9/2023, nhà trường có xếp tiết dạy Ngoại ngữ (môn tiếng Anh - PV) vào ngày thứ 3 ở các lớp 7B, 7E, 8A và 8D. Trong ngày thứ 4, có tiết Ngoại ngữ được xếp ở các lớp 7A, 7C, 7D, 7G, 8B. Ngày thứ 5, tiết ngoại ngữ được xếp ở các lớp 7A, 8A, 8C và 8D. Ngày thứ 6, tiết Ngoại ngữ được xếp ở lớp 7D, 7E, 7G, 8C. Ngày thứ 7, tiết Ngoại ngữ được xếp ở lớp 7B, 7C và 8B.

Các tiết Ngoại ngữ được sắp xếp chỉ do một giáo viên tên N. dạy xuyên suốt. Riêng ngày thứ 2 không có tiết Ngoại ngữ nào ở các lớp.

Trong khi đó, thời khóa biểu tiếp theo có hiệu lực từ ngày 11/9, môn tiếng Anh không có trong thời khóa biểu. Phụ huynh cho biết, các học sinh của hai khối lớp này áp dụng cố định thời khóa biểu này cho đến ngày 25/9 mới có sự thay đổi. Điều này đồng nghĩa với việc, liên tục trong các ngày từ ngày 11/9 đến ngày 25/9 học sinh khối lớp 7, 8 không được học tiết tiếng Anh nào.

Tiếp đó, thời khóa biểu có hiệu lực từ ngày 25/9 của hai khối lớp nói trên có một giáo viên tên Y. dạy xuyên suốt.

Cụ thể, trong thứ 2, tiết tiếng Anh được bố trí ở các lớp 7B, 7C, 7E, 7G. Trong ngày thứ 3, tiết tiếng Anh được bố trí tại các lớp 7B, 8A, 8B, 8C, 8D. Trong ngày thứ 4, tiết tiếng Anh được bố trí tại các lớp 7A, 7C, 7D, 7G, 8E. Trong ngày thứ 5, tiết tiếng Anh được bố trí tại các lớp 7A, 8A, 8B, 8C. Còn trong ngày thứ 6, tiết tiếng Anh được bố trí tại các lớp 7D, 7E, 8D, 8E. Ngày thứ 7 không có tiết tiếng Anh nào.

Theo phụ huynh, thời khóa biểu nói trên được áp dụng cho cả tuần đầu của tháng 10. Tuy nhiên, do giáo viên trước đó vừa nghỉ nên các học sinh của hai khối này tiếp tục bị gián đoạn việc học đối với môn tiếng Anh.

Liên quan đến việc này, trong ngày 7/10 phóng viên đã liên hệ với đại diện nhà trường để nắm thêm thông tin. Qua trao đổi, thầy Hoàng Thành – Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân xác nhận có sự việc như trên.

Tuy nhiên theo thầy Thành, việc học sinh khối lớp 7, lớp 8 không được học tiếng Anh chỉ diễn ra trong tuần thứ 2, thứ 3 của tháng 9. Còn trong tuần đầu tháng 10 vừa qua thì chỉ từ thứ 2 đến thứ 5 mới trống tiết tiếng Anh. Từ ngày thứ 6 đã có giáo viên dạy trở lại.

Vị này cho biết, trước tình hình như trên nhà trường cũng đã báo cáo cấp trên để tìm kiếm phương án giải quyết và trong cuối tuần vừa rồi trường này cũng đã được tiếp nhận thêm giáo viên mới để khắc phục tình trạng này.

Thông tin thêm về kế hoạch bồi đắp kiến thức tiếng Anh bị gián đoạn cho học sinh, thầy Thành cho hay: “Khi có đầy đủ giáo viên thì chúng tôi sẽ bố trí để dạy bù kiến thức cho học sinh. Phương án dạy bù tạm thời chúng tôi sẽ áp dụng theo hình thức tăng tiết. Ví dụ trước đây trong buổi đó được bố trí 3 tiết học thì giờ nhà trường sẽ bố trí tiết tiếng Anh thành tiết thứ 4 để các em được học tập cho đủ”.

Phóng viên đề cập việc, khi nhà trường bố trí dạy bù như vậy liệu có quá gây áp lực cho học sinh và giáo viên hay không? Về việc này, thầy Thành cho hay: "Hiện nhà trường có tổng số 25 lớp đã được bố trí thêm 4 giáo viên nữa, như vậy là có tất cả 5 giáo viên dạy tiếng Anh. Như vậy là đủ lượng giáo viên dạy tiếng Anh.

Đối với học sinh, chúng tôi cũng sẽ bố trí dàn trải các tiết để các học sinh không bị quá căng thẳng. Như vậy cả giáo viên và học sinh sẽ không bị quá áp lực trong kế hoạch dạy bù này”.

Vị Hiệu phó Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân cũng khẳng định, với số giáo viên được điều chuyển mới đây thì hiện lượng giáo viên trong toàn trường là đủ đáp ứng yêu cầu dạy học.

Cùng ngày, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Xuân Nhương – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cũng đã có một số nhận định về nguyên nhân của sự việc như trên. Theo vị này, đó là ảnh hưởng của tình trạng thiếu giáo viên trong toàn tỉnh Nghệ An nói chung và tại huyện Quỳnh Lưu nói riêng.

“Tình trạng thiếu hoặc mất cân đối giáo viên trên địa bàn huyện là phổ biến. Về việc này, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đang tham mưu cho huyện để cân đối, bố trí giáo viên. Đối với xã Quỳnh Tân, lượng giáo viên bản địa trên địa bàn rất ít, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh cho nên chúng tôi chỉ có cách là điều động, biệt phái giáo viên từ vùng khác về địa bàn đó.

Tuy nhiên, quá trình điều chuyển, biệt phái lại là việc rất nhạy cảm mà địa bàn xã Quỳnh Tân lại khá xa khu trung tâm nên việc làm thế nào để động viên, khuyến khích giáo viên từ vùng khác về đó công tác cũng là bài toán khó đối với ngành giáo dục huyện Quỳnh Lưu. Vì thế, huyện cũng hết sức cân nhắc khi giải quyết vấn đề này”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu cho hay.

Thầy Nhương nhận định, bài toán giải quyết việc thiếu giáo viên, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn cần thận trọng và tính toán kỹ. Qua đó nhấn mạnh trường hợp tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân cũng đang gặp một số vướng mắc. Trong đó có một phần nguyên nhân từ việc, các cấp chưa phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng mới với giáo viên cấp Trung học cơ sở.

Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân. Ảnh: CTV

Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân. Ảnh: CTV

Qua đó, lãnh đạo ngành giáo dục huyện Quỳnh Lưu mong muốn các cấp tạo cơ chế mở hơn trong việc tuyển dụng giáo viên và có phương án phân bổ đều giáo viên của các bộ môn. Đồng thời, có phương án thu hút giáo viên về công tác tại các vùng sâu, xa trên địa bàn để các giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.

“Hiện một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu chưa được tuyển dụng giáo viên do chưa có chỉ tiêu hoặc nếu có chỉ tiêu tuyển dụng thì có nguồn để tuyển hay không. Không những thế, kể cả có chỉ tiêu thì trên địa bàn đó có giáo viên của bộ môn đó để tuyển hay không lại là cả một câu chuyện khác.

Khi tuyển giáo viên còn phải tính đến điều kiện về ăn ở, đi lại để họ yên tâm công tác và gắn bó. Trong khi địa bàn xã Quỳnh Tân còn nhiều khó khăn thì để tuyển được giáo viên, đặc biệt là giáo viên đúng bộ môn từ vùng khác về địa phương là điều càng khó khăn hơn”, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Lưu bày tỏ.

Về phương án để đảm bảo kế hoạch dạy học môn tiếng Anh tại Trường Trung học cơ sở Quỳnh Tân, thầy Nhương cho biết: “Tình hình ở xã Quỳnh Tân phía huyện cũng đã nắm bắt và hiện cũng đang ban hành các quyết định điều động để đảm bảo số lượng giáo viên đáp ứng nhu cầu dạy học trên địa bàn xã này.

Tình trạng thiếu giáo viên trong đầu năm học thì nhà trường cũng đã sớm “dự báo” được và không quá bất ngờ với sự việc như vậy. Vì thế, khi được bố trí đủ giáo viên thì nhà trường sẽ điều chỉnh kế hoạch dạy học cho phù hợp với nguồn nhân lực.

Theo phương án của nhà trường đề xuất thì trường sẽ dạy “chậm” lại những môn đang bị thiếu giáo viên. Khi được bố trí đáp ứng đủ lượng giáo viên thì sẽ đẩy nhanh tiến độ dạy học hơn. Về việc này, đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ, Sở cũng đã cho các trường chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức phương án, tổ chức dạy học”.

Trung Dũng