Dạy học sinh lớp 6, giáo viên cần chú ý điều gì?

23/09/2018 06:55
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Với học sinh lớp 6, từ chỗ là “đàn anh”, nay làm em út trong trường mới nên có nhiều khác biệt, lạ lẫm mà người giáo viên nên biết, để dạy cho học trò tốt nhất

LTS: Học sinh chuyển từ bậc Tiểu học lên bậc Trung học cơ sở sẽ có nhiều điểm bỡ ngỡ khi phải làm quen với cách học mới.

Trong bài viết này, thầy giáo Sơn Quang Huyến đưa ra những lời khuyên dành cho các giáo viên để dạy học trò một cách hiệu quả nhất.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nhiều em học sinh lớp 5, trong năm học, đầu hè đã đã rủ bạn đến trường cấp hai mà năm sau mình theo học. Thấy được háo hức, mong chờ của các em, được đến học ngôi trường mới.

Với học sinh lớp 6, từ chỗ là “đàn anh”, nay làm em út trong trường mới nên có nhiều khác biệt, lạ lẫm mà người giáo viên nên biết, để dạy cho học trò tốt nhất.

Học sinh mới lên lớp 6 còn nhiều bỡ ngỡ. Ảnh: VOV
Học sinh mới lên lớp 6 còn nhiều bỡ ngỡ. Ảnh: VOV

Sự thay đổi về vị trí

Từ vai trò anh cả, chuyển sang làm em út trong trường, học sinh thường e dè, sợ sệt. Biểu hiện này không chỉ ngoài sân trường, ngay cả trong tiết học. Có thể lớp 5, các em tự tin, nhưng sang lớp 6, các em như “co mình” lại.

Khi giảng bài, giáo viên nên cởi mở, dân chủ, hòa đồng, tạo không khí lớp học tự nhiên, thân thiện. Bước đầu chú trọng hình thành “văn hóa bộ môn” hơn là kiến thức.

Sự ngỡ ngàng về các môn học

Học sinh cấp một, thường chỉ có một số môn học như: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức, Kỹ thuật, Ngoại ngữ.

Lên lớp 6, môn học thay đổi thành: Toán, Văn, Lý, Sinh, Công nghệ, Giáo dục công dân, …

Dạy học sinh lớp 6, giáo viên cần chú ý điều gì? ảnh 2Đây là cách mà trường Chu Văn An chuẩn bị và dạy chương trình song bằng

Số thầy, cô giảng dạy tăng lên, mỗi người một giọng nói, một phong cách khác nhau, học trò lớp 6 “mắt tròn, mắt dẹt” đến ngỡ ngàng.

Vì thế, để học sinh tiếp thu và tương tác được với mình, giáo viên cần “từ tốn” khi giảng bài, không thể lấy phương pháp của lớp 7,8,9 áp dụng ngay cho lớp 6.

Giáo viên “gây dựng” phương pháp tự học bộ môn, ít nhất ngay từ bài tiếp theo. Hướng dẫn học sinh “tự học môn mình phụ trách”, trước khi đến lớp.

Nếu có thể, liên hệ với phụ huynh, nhắc nhở con em mình học bài một cách tế nhị, gián tiếp; với cha mẹ “con cái luôn là báu vật”, nên động viên khuyến khích họ; tức là đang thuê được gia sư tốt nhất cho học trò mình.

Thời gian đầu, không nên giao nhiều bài tập về nhà, hãy để học sinh “khởi động”, làm bài theo “hứng thú”, nếu học sinh không có “hứng thú”, phải thay đổi cách “thắp lửa” của mình với đối tượng học sinh nhóm này.

Kiểm tra bài cũ, hay bài soạn, học sinh không đạt yêu cầu, tuyệt đối không trách phạt, quy chụp quan điểm; hãy động viên, chia sẻ tích cực “cô tin em sẽ làm được”, “cô biết, tiết học sau, em sẽ làm tốt hơn”…

Đừng vội ghi sổ đầu bài nhận xét xấu về lớp, về một học sinh cụ thể. Những nhận xét tiêu cực, chỉ làm các em “ghét bộ môn, ghét cô giáo” hơn mà thôi.

Với học sinh, có cố gắng, học tốt, đừng ngại khen ngợi. Một lời khen đúng lúc, đúng chỗ của thầy cô, nhiều khi đang làm thay đổi số phận của một học sinh cụ thể, cả lớp học; với học sinh, “khen thưởng là một hình thức kỷ luật”, học sinh sẽ nỗ lực để có được lời khen, lời chứng nhận của cô giáo.

Tuyệt đối không so sánh em này, với em khác, niên khóa này, với niên khóa khác. Mỗi học sinh là một “vũ trụ” riêng, không tô cùng màu, không vẽ cùng nét cho học trò.

Bất ngờ về ghi chép vở

Dạy học sinh lớp 6, giáo viên cần chú ý điều gì? ảnh 3Thi tuyển sinh ba môn Toán - Văn - Tiếng Anh, học sinh lớp 9 học cái gì?

Từ tiểu học, nắn nót từng chữ để vở sạch, chữ đẹp, cô đọc, trò chép. Lên lớp 6, tự ghi kiến thức vào vở là yêu cầu bắt buộc.

Giáo viên tuyệt đối không vì học sinh chép chậm mà “chung thủy với phương pháp đọc chép”.

Nội dung bài học đã có đã có đầy đủ trong sách giáo khoa, để học sinh ghi ngắn gọn, nên sử dụng các phương pháp dạy tích cực, với lớp 6 ngắn nhất là sơ đồ tư duy, ghi nhanh, dễ nhớ, dễ thuộc.

Lớp sáu là lớp đầu cấp, “nền móng yêu thương” của các môn học, bậc học. Nhà trường cần chọn giáo viên có tâm huyết nghề nghiệp, yêu thương con trẻ, dạy học khối lớp.

Với giáo viên, yêu thương học trò là biện pháp giáo dục đơn giản nhất, tích cực nhất, đưa kiến thức, kỹ năng, năng lực bộ môn tới trí và tâm con trẻ.

Thành công giáo dục ở lớp 6 nói riêng, giáo dục nói chung, mở ra tương lai cho học sinh, nhà trường, cộng đồng và dân tộc; góp phần đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu như mơ ước của Bác Hồ vĩ đại.

Tài liệu tham khảo:          

https://bigschool.vn/5-dieu-moi-la-cua-con-phu-huynh-can-biet-khi-con-vao-lop-6

Sơn Quang Huyến