Dạy môn tích hợp: Giáo viên đừng 'đóng đinh', tự đeo 'kim cô' phải biết 10 dạy 1

12/04/2023 09:18
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chương trình 2018 có một số môn học mới, mang tính chất tích hợp, như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Mới quan tâm lớn nhất của giáo viên nói riêng và xã hội nói chung, đó chính là môn mới nhưng không có giáo viên, giáo viên đơn môn nhưng phải dạy đa môn, liệu chất lượng có đảm bảo?

Phần lớn giáo viên khi thực hiện dạy môn tích hợp đều được đào tạo đơn môn, vì thế gặp không ít khó khăn khi học sinh hỏi “xoáy” kiến thức trong tiết dạy.

Khi phân công chuyên môn, các cơ sở giáo dục gặp không ít khó khăn, muốn đảm bảo chất lượng “kiến thức” thì giáo viên môn nào dạy kiến thức môn đó, dẫn đến 2, 3 giáo viên cùng dạy một cuốn sách, thời khóa biểu phải thay đổi xoành xoạch.

Những “bất cập” khi thực hiện môn tích hợp, giáo viên mong chờ thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình Giáo dục phổ thông 2018 chỉ “lối ra”, nhưng đợi chờ trong vô vọng!!

Vậy phải làm sao để dạy môn tích hợp để học sinh đạt yêu cầu về kiến thức, kĩ năng?

Người viết đã đi dự giờ một số giáo viên dạy môn tích hợp, có những giáo viên, tiết học dạy rất hay, học sinh hoạt động sôi nổi, vui vẻ, đạt kết quả tốt, hoàn toàn không phải "diễn".

Vậy tại sao những giáo viên này dạy môn tích hợp tốt, cho dù chỉ đào tạo đơn môn, chưa được bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp?

Đào tạo đơn môn nhưng vẫn có nhiều giáo viên dạy tốt môn tích hợp - Ảnh minh họa: Sơn Quang Huyến

Đào tạo đơn môn nhưng vẫn có nhiều giáo viên dạy tốt môn tích hợp - Ảnh minh họa: Sơn Quang Huyến

Dạy môn tích hợp: giáo viên tự đổi mới tư duy trước rồi sẽ thấy nhẹ nhàng

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, tốt nghiệp Sư phạm Vật lý năm 2016, đang dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 6, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chia sẻ: “Dạy môn tích hợp, giáo viên tiên phong đổi mới mình trước rồi sẽ thấy nhẹ nhàng, đừng bao giờ “đóng đinh” biết 10 dạy 1, điều này chẳng khác gì mình tự gây áp lực cho mình, mang vòng "kim cô" cho mình.

Còn “đóng đinh” giáo viên phải biết 10 dạy 1, tức giáo viên còn tự ti, thiếu tự tin, coi như chưa thể có đầy đủ tâm và thế để dạy môn tích hợp.

Giáo viên phải nắm chắc yêu cầu của bài về kiến thức, kĩ năng học sinh cần đạt, cứ đặt mình trong vị trí là học sinh, để tìm cách khai thác kênh hình, kênh chữ như thế nào để tìm được kiến thức, từ đó tổ chức hoạt động cho học sinh.

Giáo viên có biết trăm, biết ngàn, biết triệu, … nhưng sao bằng được google, Chat GPT ... hiện nay!

Cái khác biệt của thầy so với Google, Chat GPT… chính là phương pháp giúp học sinh phát hiện, chiếm lĩnh kiến thức, áp dụng kiến thức vào cuộc sống, bồi dưỡng phẩm chất và năng lực cho học sinh.

Dạy học môn tích hợp nói riêng, các môn học khác nói chung, đã qua giai đoạn “khoe” kiến thức của thầy rồi, giờ dạy không phải cho người dự giờ thấy mình biết tuốt, mà dạy bây giờ phải vì phẩm chất, năng lực của học sinh và người dự giờ cũng phải dự giờ vì học sinh.

Vì thế, giáo viên phải bỏ những quan niệm đã ăn sâu, bén rễ trong chính bản thân mình, tự làm mới mình, có như thế mới đủ tâm và thế khi dạy môn tích hợp tốt được.

Tự đổi mới, bản thân mình mới tiếp thu được cái hay, cái mới khi học bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, mới thấy được cái hay của đồng nghiệp khi dự giờ để học hỏi, còn không thì chỉ biết đổ lỗi, không thể tiến bộ được, làm khổ học sinh”.

Nếu học sinh “hỏi xoáy” mình sẵn sàng “đáp xoay”, chứ có gì mà phải sợ

Trả lời câu hỏi “Giáo viên khi dạy kiến thức môn mình không được đào tạo chính quy, bài bản, cô giáo có sợ không?”, cô giáo Đào Thu Hà, tốt nghiệp Sư phạm Lịch sử, đang dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 7, ở Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ:

“Khi dạy phần kiến thức phân môn mình không được đào tạo chính quy, bài bản trong môn tích hợp mà nói không sợ, không hồi hộp là dối lòng, mà nói sợ cũng không đúng.

Nếu học sinh “hỏi xoáy” mình sẵn sàng “đáp xoay”, kiến thức giờ chỉ cần có nối mạng là tìm ngay và luôn, có gì mà phải sợ học sinh hỏi khó, hỏi “xoáy”. Tôi cứ cho học sinh hỏi, chưa trả lời được thì hẹn tiết sau, nhưng khi trả lời là phải tuyệt đối chính xác. Theo tôi, điều quan trọng hơn, đó là giới thiệu cho học sinh biết kĩ năng tìm kiến thức này như thế nào.

Chưa được bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn Lịch sử và Địa lý nhưng tôi vẫn tự tin “đảm đang” nhận dạy môn Lịch sử và Địa lý lớp 7, không ngại ngần giúp đỡ đồng nghiệp khi dạy cùng môn học, và cũng tự giác xin dự giờ giáo viên khác để học hỏi kinh nghiệm.

Đổi mới phương pháp từ giáo viên truyền thụ kiến thức, sang giáo viên hướng dẫn học sinh tìm và vận dụng kiến thức, nên tôi cứ coi mình là học trò, học trò sẽ cần cái gì, muốn cái gì, tôi sẽ tìm và trao cái đó cho các em.

Thời gian đầu tôi phải cùng học, cùng vào vai với học sinh, rất khó khăn, vất vả, vất vả hơn nhiều khi dạy đơn môn đó là một thực tế không thể chối cãi, nhưng khó khăn đó không phải không thể vượt qua”.

Lãnh đạo nhà trường phải là bạn đồng hành của giáo viên dạy môn tích hợp

Chia sẻ về mong muốn của bản thân với lãnh đạo nhà trường, cô giáo Đào Thu Hà cho biết: “Lãnh đạo nhà trường phải biết khó khăn của giáo viên khi dạy môn tích hợp.

Nếu lãnh đạo nhà trường mà biết khích lệ, chia sẻ khó khăn với giáo viên dạy môn tích hợp thì chúng tôi mừng lắm.

Nếu lãnh đạo nhà trường không “hiểu chuyện” chắc chắn giáo viên sẽ “nản”, không có động lực để “cống hiến”, người chịu thiệt sẽ là học sinh thôi.

Cho nên, chúng tôi cần “môi trường” hạnh phúc để công tác, được cống hiến, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Tôi tin rằng, ở đâu có hiệu trưởng tốt, ở đó giáo viên, học sinh hạnh phúc, không có khó khăn nào mà giáo viên không vượt qua”.

Khi dự giờ, không ít giáo viên mong muốn người dự giờ phải là người trong cuộc, đã và đang dạy môn tích hợp, có như thế mới hiểu và chia sẻ với giáo viên dạy môn tích hợp.

Dự giờ mà chú trọng vào nội dung bài học, tính logic, tính hợp lý trong truyền thụ kiến thức, bài dạy đã chặt chẽ, phù hợp với đối tượng học sinh chưa khi đánh giá tiết dạy khi thực hiện chương trình mới là lạc hậu, lỗi thời.

Đánh giá phương thức tổ chức của giáo viên, phương thức đó có làm cho học sinh hưng phấn, hứng thú, tích cực tham gia các hoạt động hay không; giáo viên tương tác với học sinh như thế nào, kỹ thuật dạy học có hướng đến phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh hay không, đó mới là điều quan trọng và cần đạt khi dự giờ.

Thực tế, những giáo viên cận tuổi hưu thường rất khó để tự thay đổi, vì vậy, khi phân công chuyên môn nhà trường nên động viên thầy cô, cần sự đồng hành của lãnh đạo nhà trường, sự giúp đỡ của giáo viên trẻ để thầy cô lớn tuổi hoàn thành nhiệm vụ.

Lãnh đạo nhà trường phải chủ động chia sẻ khó khăn, kịp thời khen thưởng với giáo viên có giải pháp hay trong dạy học, vận động giáo viên áp dụng mô hình hay vào công tác. .

Thực hiện chương trình mới, lãnh đạo nhà trường cũng phải tự đổi mới trong công tác dự giờ, đánh giá, quản lý, làm gương sáng cho giáo viên noi theo.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến