Dạy song song cả trực tuyến lẫn trực tiếp, học sinh đều thiệt thòi

28/02/2022 06:17
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh học trực tiếp bị ảnh hưởng mà người học trực tuyến cũng chẳng có kết quả nhiều. Sử dụng cùng lúc 2 phương pháp này cuối cùng tất cả học sinh đều thiệt.

Hiện học sinh ở các địa phương đã đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, mỗi ngày trong những lớp học ấy vẫn xuất hiện những học sinh mắc Covid-19.

Theo quy định mới, học sinh nào xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 sẽ nghỉ học tại nhà. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục xác định một số học sinh là F1 và cho cách ly ở nhà 5 ngày, khi xét nghiệm âm tính mới trở lại lớp học. Số học sinh còn lại của lớp học vẫn tiếp tục đến trường học trực tiếp.

Một tiết học với 2 phương pháp dạy trực tiếp và dạy trực tuyến. (Ảnh tác giả)

Một tiết học với 2 phương pháp dạy trực tiếp và dạy trực tuyến. (Ảnh tác giả)

Lớp học vẫn học trực tiếp thì những học sinh f0 và f1 ở nhà sẽ thế nào? Hiện đã có khá nhiều cách triển khai thực hiện nhằm cung cấp kiến thức cho các em. Thế nhưng phổ biến nhất chính là cách giáo viên vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến.

Vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến có thật sự hiệu quả?

Người viết đã ghi nhận được những chia sẻ thật lòng từ những thầy cô giáo đồng nghiệp hiện đang vừa dạy trực tiếp, vừa dạy online ngay trong một lớp.

Cô giáo N. giảng viên một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí minh cho biết: “Thuận lợi lớn nhất là trường tôi rất chu đáo về trang thiết bị. Từ máy móc, mạng viễn thông kết nối rất nhanh gọn Wifi và cáp land, miccro sẵn sàng. Nếu trong khi dạy có trục trặc chỗ nào thì kỹ thuật có mặt hỗ trợ ngay tại chỗ.

Thế nhưng, giảng viên bị phân tán tâm trí khi phải tập trung vừa dạy trực tiếp cho sinh viên trên lớp, vừa dạy online cho học sinh ở nhà nên khó có thể chu toàn cho cả 2 phương pháp cùng lúc.

Ở thời điểm này, tôi cho đó là phương pháp có thể thử sức. Tuy nhiên, chắc chắn là giáo viên phải thích nghi nhanh với việc dạy cả 2 cùng lúc.

Cũng may, tôi giảng dạy cho sinh viên, lứa tuổi trưởng thành và ý thức nhiều trong việc học tập rồi. Nhưng nếu là bậc học dưới, sử dụng cùng lúc 2 phương pháp “on – off” sẽ rất khó khăn, tôi nghĩ sẽ không hiệu quả”.

Khác với việc dạy cùng lúc “on – off” cho sinh viên như cô giáo N. - một giáo viên dạy bậc tiểu học ở Bắc Giang cho rằng đường truyền là vấn đề lớn nhất.

Sau đến việc nếu gọi học sinh online tham gia trực tiếp vào bài học cùng các bạn trên lớp thì mất rất nhiều thời gian. Giáo viên khó quản lí học sinh online vì còn phải bao quát học sinh dạy trực tiếp.

Một tiết học chỉ có 35-40 phút (bậc trung học 40-45 phút) nhưng thời gian để kết nối thiết bị, ổn định lớp đã mất hàng chục phút nên thời gian thực học chẳng có bao nhiêu.

Đó là chưa kể đến việc chẳng may bị ngắt kết nối nhưng không có người hỗ trợ ngay, giáo viên sẽ rất khó khăn triển khai tiếp tiết dạy.

Cô giáo K.T ở Vũng Tàu cũng chia sẻ thẳng thắn việc vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy online sẽ không hiệu quả. Giáo viên không thể theo dõi được học sinh học online trừ một số em có tinh thần học tập cao.

Cô giáo H.A. ở Quảng Ngãi cho biết: “Giáo viên phải chuẩn bị giáo án cho 2 phương pháp rất mất thời gian. Dạy online đòi hỏi máy móc và thiết bị phải thật chuẩn, nếu không tiết dạy trực tiếp sau sẽ trễ giờ, học sinh sẽ rất ồn ào, ảnh hưởng đến các lớp khác.

Trẻ nhỏ vốn dĩ lớp học khá ồn ào nên tạp âm vang vào máy thì những học sinh ngồi học online đôi khi cũng khó nghe được.

Khó khăn lớn nhất ở những trường công lập là trong nhiều phòng học không có máy móc, hệ thống mạng cố định.

Thế nên, giáo viên dạy ở phòng nào lại tự xách thiết bị riêng của mình sang lớp đó mới bắt đầu lắp đặt, kết nối cũng mất khá nhiều thời gian.

Học sinh học trực tiếp bị ảnh hưởng mà học sinh học online cũng chẳng có kết quả nhiều. Sử dụng cùng lúc 2 phương pháp này cuối cùng tất cả học sinh đều thiệt, chỉ có nhà trường là được lợi vì trong các báo cáo đã thể hiện việc giảng dạy linh hoạt nhiều phương pháp dạy học cho học sinh.

Giải pháp nào thật sự hiệu quả cho học sinh học trực tiếp và cả online?

Có thể thấy, vừa dạy trực tiếp vừa dạy online trong một lớp, cùng một khoảng thời gian sẽ rất khó mang lại hiệu quả. Nếu không điều chỉnh kịp thời, không chỉ học sinh học online tiếp thu bài không tốt mà chính những học sinh đang học tập trực tiếp cũng bị ảnh hưởng nhiều.

Một số trường học tại địa phương người viết không chọn cách dạy này mà tổ chức cho giáo viên phụ đạo thêm cho những học sinh ở nhà học bằng hình thức khác, thời điểm khác.

Thầy giáo T. giáo viên một trường trung học phổ thông tại Bình Thuận cho biết: “Giáo viên dạy học trực tiếp cho những học sinh có mặt. Những học sinh ở nhà sẽ được giảng bài và gửi bài qua Zalo, tin nhắn, giáo viên sẽ chấm sửa bài trên các phần mềm như Azota và giải đáp kịp thời những thắc mắc của các em.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có những bài giảng gửi trong thư viện điện tử, học sinh có địa chỉ có thể vào tham khảo bài giảng của thầy cô”.

Hay như một giải pháp được xem là hiệu quả như nhà trường sẽ tập trung tất cả học sinh F0 và F1 đang học chung một khối để phân công giáo viên dạy phụ đạo vào một số buổi trong tuần.

Với cách làm này, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao trong việc giảng dạy mùa dịch bệnh. Tuy nhiên, phân công giáo viên dạy phụ đạo cũng phải có thù lao bồi dưỡng xứng đáng mới tăng thêm lòng nhiệt huyết, sự tận tụy của giáo viên.

Thế nhưng, trường học sẽ không có kinh phí để bồi dưỡng cho giáo viên. Bộ Giáo dục cần có thêm những quy định mới về quy đổi tiết dạy phụ đạo mùa dịch để các thầy cô giáo tăng tiết giảng dạy online thật hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên