Dạy trẻ nói dối để... né dạy thêm

05/12/2012 10:01
Theo SGGP
“Mình dư sức dạy con mình làm toán, viết chính tả. Nhưng không cho con đi học thêm thì con bé ngày nào đi học về cũng mếu máo vì bị cô chê viết chữ xấu, văn lủng củng, toán sai sót nhiều… Sợ con bị tổn thương và chán học nên phải cho nó đi học thêm”.

Mẹ ơi, cô giáo con dặn đi dặn lại là khi có ai đến lớp hỏi có em nào đi học thêm không thì các em phải trả lời là không nhé. Tại sao cô lại bắt chúng con nói dối? Mà con nói thật là con chẳng thích đi học thêm vào ngày chủ nhật đâu. Mẹ cho con nghỉ học để được đi chơi cơ”. Nghe cậu bé học lớp 2 Trường TH Thủ Lệ quận Ba Đình Hà Nội thỏ thẻ với mẹ, tôi giật mình.

Đúng là không thể tin chuyện học thêm của học sinh tiểu học biến tướng và làm khổ con trẻ như thế. Để đối phó với cơ quan chức năng, cô giáo luôn dặn học trò nói dối là không đi học thêm ở nơi cô dạy hợp đồng - trung tâm văn hóa ngoài giờ Tràng An. Bức xúc về chuyện con mình mới học lớp 2 bị ép đi học thêm, mẹ cháu phân trần: “Nào ai muốn cho nó đi học thêm vào ngày chủ nhật đâu nhưng cô giáo chủ nhiệm vừa tiếp thị rất khéo và mời chào đủ kiểu nên không thể từ chối”.

Mẹ cháu cho biết, nhiều phụ huynh lớp 1 và lớp 2 của trường đều có chung bức xúc này. Trước đây, khi nhà trường chưa cấm dạy thêm thì giáo viên chủ nhiệm tổ chức tại nhà, thu 70.000 đồng/buổi học cuối tuần, còn bây giờ để đối phó với cơ quan chức năng, các cô hợp đồng dạy ngoài giờ với trung tâm và khoản thu tăng thêm 100.000 đồng/buổi (3 giờ).

Vào một buổi sáng chủ nhật mới đây, tìm gặp một số phụ huynh cho con đi học thêm ở Trung tâm Tràng An (thuê địa điểm tại Trường THPT Phạm Hồng Thái), người viết nghe được nhiều tâm sự buồn hơn. Chị H. có con đang học lớp 1 không kìm được bức xúc: “Con tôi mới học lớp 1 và cháu học cũng khá, vậy mà cô chủ nhiệm cứ chê bai cháu học chậm, cần rèn thêm môn toán, chính tả. Biết rõ ý đồ của cô là phải cho con đi học thêm nên tôi đành nhắm mắt cho yên chuyện. Với đồng lương làm công nhân, mỗi tháng phải chi thêm 400.000 đồng đối với gia đình tôi là khoản tiền không nhỏ. Hơn nữa, cuối tuần có duy nhất một ngày nghỉ, phải chở con đi học thêm thật là khổ”.

Một phụ huynh khác ngán ngẩm: “Mình dư sức dạy con mình làm toán, viết chính tả. Nhưng không cho con đi học thêm thì con bé ngày nào đi học về cũng mếu máo vì bị cô chê viết chữ xấu, văn lủng củng, toán sai sót nhiều… Sợ con bị tổn thương và chán học nên phải cho nó đi học thêm”. Nhưng điều đáng nói là “khi đã ép được phụ huynh cho con học thêm” thì cô giáo lại đổi giọng khen nức nở những học trò vốn bị chê trước khi chưa đi học: “Nào là cháu tiến bộ hẳn, cháu viết chữ đẹp lắm, cháu làm toán rất giỏi…”.
 
Qua câu chuyện nêu trên cho thấy, chuyện ép học thêm đối với học sinh tiểu học ở bất kỳ địa phương nào cũng đáng lên án. Ở cái tuổi chơi nhiều học ít này, không nên ép các cháu học bằng mọi giá, nhất là hành vi trục lợi tuổi thơ để kiếm tiền thì phải xử lý nghiêm. Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm, không cho phép dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Nếu học sinh nào học yếu hoặc không theo kịp chương trình thì nhà trường nên tổ chức bồi dưỡng dạy thêm công khai tại trường chứ không để giáo viên chủ nhiệm “ép học thêm” bằng nhiều cách như đang xảy ra ở nhiều trường.

Theo SGGP