Dạy trực tuyến 2 năm rồi mới được tập huấn online, trải nghiệm tuyệt vời, thú vị

04/10/2021 06:26
Đào Văn Khởi (Giáo viên cốt cán Thành phố Biên Hòa – Đồng Nai)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thú thật, dù đã dạy trực tuyến cho học sinh sang năm học thứ 3, nhưng học trực tuyến thì tôi chưa từng học.

Bước vào năm học 2021-2022 không lâu, mới đây tôi được Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh thông báo học bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo Mô đun 4 Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên cốt cán tiểu học.

Thú thật, dù đã dạy trực tuyến cho học sinh sang năm học thứ 3, nhưng học trực tuyến thì tôi chưa từng học. Thật lòng, tôi cũng có những cảm xúc, lo lắng đan xen và bắt tay ngay vào chuẩn bị cho lần đầu tiên học trực tuyến.

Những bỡ ngỡ khi lần đầu tiên học trực tuyến

Trước khi lớp học chính thức được bắt đầu, tôi và các bạn đồng nghiệp là giáo viên cốt cán tiểu học có buổi học 0 (không chính thức).

Ở buổi này, chúng tôi được các thầy cô giảng viên sư phạm cho làm quen với lớp học ảo qua phần mềm dạy học trực tuyến Zoom.

Có thể nói, các thầy cô đã dạy trực tuyến nên ít nhiều quen với việc sử dụng phần mềm.

Những thao tác sử dụng như bật tắt camera, mic, chat, chia sẻ màn hình, tham gia nhóm thảo luận… không còn xa lạ với giáo viên.

Thế nhưng, khi thấy một số thầy cô không có phông nền lớp học ảo thì những lúng túng bắt đầu xuất hiện.

Loay hoay với máy laptop không thích ứng, điện thoại không thể cài phông nền. Và lúng túng hơn với các thầy cô là khi lần đầu sử dụng phần mềm trực tuyến Padlet.

Đây là phần mềm được giảng viên sử dụng trong suốt khóa học để học viên gửi bài tập, đánh giá lẫn nhau giữa các nhóm, tổ chức các trò chơi, làm công cụ cho dạy học kĩ thuật phòng tranh…

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Bối rối thật sự khi đồng nghiệp tôi vào phần mềm, chọn nhóm. Làm sao để đổi nhóm, xóa tên, đánh giá bài của nhóm khác. Ôi thôi đủ thứ cả, toát mồ hôi với những ai mới tiếp cận phần mềm này.

Với hàng trăm lựa chọn, có thể nói phần mềm Padlet đơn giản, dễ sử dụng, có nhiều ứng dụng trong dạy học ở bậc tiểu học.

Theo thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát – Giảng viên Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi chọn các phần mềm cho đợt tập huấn lần này vì dễ sử dụng, phù hợp với tiểu học, giúp giáo viên áp dụng vào giảng dạy trực tuyến hiệu quả.

Tạm ổn cho cách sử dụng phần mềm học trực tuyến là Zoom và 2 phần mềm hỗ trợ trong suốt khóa học là Padlet, Classroom, những vấn đề khi tập huấn được đặt ra.

Đó là vấn đề đang là thời sự trong dạy học trực tuyến như không để những hình ảnh, những âm thanh không đáng có lọt vào lớp học.

Đây là kinh nghiệm quý giá mà các thầy cô giảng viên Trường Đại học Sư phạm gửi đến giáo viên cốt cán chúng tôi.

Vấn đề thầy cô ứng xử chưa hay trong dạy học trực tuyến gần đây cho thấy những dự báo đó không thừa với tất cả mọi người tham gia dạy và học trực tuyến.

Ấy vậy mà chỉ một lúc sau, âm thanh ngoài lớp học đã “thâm nhập” vào lớp học trực tuyến của chúng tôi khi một cô giáo điện thoại trao đổi công việc trường với giáo viên trường nhưng “quên” tắt mic.

Điều đơn giản nhất là tắt camera, tắt mic thôi vẫn khiến một số thầy cô sơ ý, hay quên. Buổi học 0 đã kết thúc vào đêm khuya, trễ so với dự kiến vì là lần đầu tiên tham gia học trực tuyến nên thầy cô giáo có nhiều bỡ ngỡ, chưa quen.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Một trải nghiệm tuyệt vời và đầy thú vị phần

Lớp học Mô đun 4 trực tuyến của giáo viên cốt cán của chúng tôi diễn ra trong 2 ngày. Với nội dung “Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học” là một mô đun khá quan trọng, tôi và đồng nghiệp được bồi dưỡng để triển khai đến giáo viên đại trà tỉnh mình một cách tốt nhất.

Đúng là tâm thế học trực tuyến của người từng dạy trực tuyến cũng có nhiều điều đáng nói, cũng có cảm giác giống như học trò học vậy: căng thẳng, tất bật trong làm việc nhóm, bị cuốn vào các nhiệm vụ được giao.

Học trực tuyến có những hạn chế nhất định và không thể có sự tương tác như học trực tuyến, nhưng bằng nhiều kinh nghiệm, sự nhiệt huyết, cô Nhữ Thị Phương Lan và thầy Huỳnh Phẩm Dũng Phát (Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh) đã rút ngắn khoảng cách đó bằng những hoạt động dạy và học trực tuyến lôi cuốn, cuốn hút học viên vào bài giảng, có lúc quên cả giờ giải lao, giờ nghỉ cuối buổi.

Những trò chơi khởi động, hoạt động nối tiếp qua các phần mềm trực tuyến được giảng viên sư phạm thiết kế có tính tương tác cao, kéo người học tham gia vào hoạt động một cách tích cực, sôi nổi, khoảng cách giữa các thành viên lớp như được gần lại.

Các trò chơi rất gần gũi, rất tiểu học và rất học trò như: Giải cứu rừng xanh, Số ơi bạn là ai, Nhìn nhanh - nhớ tài, trò chơi online… đã tạo cho không khí lớp học hào hứng.

Sự hưng phấn là có khi những thầy cô giáo tiểu học đóng vai trò là người học cũng thi đua, cũng hào hứng giành quyền trả lời, xung phung trong các trò chơi, trình bày ý kiến, bày tỏ quan điểm, tranh luận, trình bày sản phẩm của nhóm trên Padlet.

Có những buổi học quá giờ kết thúc, người thấm mệt, nhưng ai cũng cố gắng để hoàn thành công việc học tập một cách tốt nhất.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi và đồng nghiệp còn được trải nghiệm những lần làm việc nhóm thật sự bổ ích có sự tham gia của các giảng viên. Cũng trao đổi, tranh luận, chia sẻ có khi còn sôi nổi hơn cả học trực tiếp.

Hầu như thời gian thảo luận đều bị “lố giờ” khiến giảng viên phải gia hạn thêm. Có lúc, giảng viên đã mời về lớp học tập trung nhưng có nhóm vẫn mải mê, say sưa thảo luận đến mức phải bị “triệu tập” trở về phòng học.

Chuyện “cháy giáo án” của giảng viên là điều hiển nhiên khi các thầy cô giáo chúng tôi mới tiếp cận hình thức học này. Chưa hết, buổi học cuối nộp bài, làm khảo sát mệt như học trò vậy.

Một đồng nghiệp cho biết: “Phải đổ mồ hôi mới làm xong được những yêu cầu của giảng viên. Học trực tuyến quả là rất cực và vất vả, có học mới biết được thực tế để điều chỉnh cách dạy cho học sinh của mình trên lớp sau này”.

Qua 2 ngày tập huấn bồi dưỡng mô đun 4, lớp giáo viên cốt cán môn Lịch sử và Địa lí tiểu học chúng tôi đến từ Đồng Nai, Trà Vinh, Tiền Giang đã được các thầy cô giảng viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, lan tỏa, truyền cảm hứng đổi mới nhiều nội dung quan trọng, giúp xây dựng các kế hoạch dạy học môn học, kế hoạch bài dạy, kế hoạch cá nhân và hướng dẫn bồi dưỡng đồng nghiệp đại trà của tỉnh mình một cách hiệu quả trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Và được hơn cả là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tôi và đồng nghiệp đã có 4 buổi học trực tuyến với những trải nghiệm thật tuyệt vời và đầy thú vị.

Ảnh do tác giả cung cấp
Ảnh do tác giả cung cấp

Ở vị trí, tâm thế người học, chúng tôi có dịp cảm nhận, được học, rút ra nhiều bài học quý từ các thầy cô giảng viên sư phạm dày dạn kinh nghiệm trong sử dụng phần mềm và dạy học trực tuyến như cách ứng xử của thầy trò trong dạy trực tuyến, rèn kĩ năng sử dụng phần mềm dạy trực tuyến, cách sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy trực tuyến, tổ chức các trò chơi tăng sự hưng phấn, hứng thú cho học sinh, thiết kế các hoạt động học tích cực, có độ tương tác cao, thời gian giao việc hợp lí.

Đó còn là các tình huống xử lý khi học trò lúng túng vì chưa rành cách sử dụng thiết bị học, vào nhóm tham gia thảo luận, nộp bài tập trong phần mềm, xử lý tình huống…

Bên cạnh đó là làm quen các phần mềm dạy học trực tuyến với kĩ năng ứng dụng nhiều tiện lợi như giao bài tập, chấm bài, đánh giá, thiết kế các kĩ thuật dạy học tích cực trực tuyến và những tính năng hữu ích khác.

Thế mới biết, học trực tuyến cũng có những cái hay và học được không ít điều bổ ích.

Và quan trọng là tôi có kĩ năng sử dụng thêm được một số phần mềm mới mà thầy cô giảng viên mang đến cho lớp học ảo, việc ứng dụng công nghệ được nâng lên.

Lớp học trực tuyến mô đun 4 của lớp giáo viên cốt cán được tổ chức đúng vào thời điểm khi mà giáo viên mới bắt tay vào dạy trực tuyến thay cho dạy học trực tiếp là cơ hội giúp tôi có cái nhìn, kinh nghiệm dạy trực tuyến tốt hơn cho học trò của mình trong năm học đại dịch này.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đào Văn Khởi (Giáo viên cốt cán Thành phố Biên Hòa – Đồng Nai)